Thế giới năm 2021 và dự báo xu hướng năm 2022

Thùy Trang (t.h)| 31/12/2021 08:01

Năm 2021, thế giới trải qua một năm đầy biến động với nhiều sự kiện diễn ra, là năm thứ 2 liên tiếp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Mỹ rời khỏi Afghanistan sau 20 năm, đảo chính quân sự tại Myanmar…

SỰ KIỆN NỔI BẬT 2021

Đại dịch Covid-19 hoành hành

Thế giới đối mặt với những làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn, gây nhiều tổn thất hơn khi một loạt biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 như Delta plus, Lambda, Mu và Omicron xuất hiện. Với sự giúp sức của vắc xin, nhiều nước đã từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng các biến thể đặt thế giới trước những thách thức to lớn.

Một người dân Ấn Độ nhiễm Covid-19 cần thở máy để duy trì sự sống

Mỹ rời khỏi Afghanistan sau 20 năm

Thời điểm chiếc máy bay C-17 sơ tán công dân Mỹ cuối cùng rời sân bay gần Kabul, Afghanistan vào ngày 30/8/2021 đã trở thành dấu mốc mang tính biểu tượng khép lại cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. 20 năm qua, con số 3.500 binh sĩ Mỹ và đồng minh cùng hàng chục ngàn quân nhân và dân thường đã thiệt mạng tại Afghanistan, trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nước Mỹ.

Kỷ nguyên cầm quyền của nữ cựu Thủ tướng Angela Merkel đã khép lại

Ông Olaf Schozl chính thức được Hạ viện Đức phê chuẩn vào cương vị Thủ tướng Đức ngày 8/12. Trong 16 năm cầm quyền, bà Merkel đã dẫn dắt nước Đức và Liên minh châu Âu (EU) vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn đưa nước Đức thực sự trở thành một “đầu tàu châu Âu” đồng thời thúc đẩy nhanh tiến trình “nhất thể hoá” châu Âu.

Ông Olaf Scholz tặng hoa người tiền nhiệm Angela Merkel trong một phiên họp Chính phủ Đức hồi tháng 10/2021

Chính biến tại Myanmar và một số nước

Chính biến tại Myanmar ngày 1/2/2021 đã khiến thế giới bất ngờ. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, thuộc chính phủ dân sự Myanmar bị tước quyền và quyền lực được trao cho chính quyền quân sự. Tại châu Phi, ngày 25/10/2021, Sudan đã rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi quân đội giải tán chính phủ chia sẻ quyền lực Sudan và ban bố tình trạng khẩn cấp. Năm 2021, châu Phi cũng đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính khác ở Mali, Guinea… Những diễn biến chính trị phức tạp này phản ánh xu thế bất ổn chính trị, xã hội ở nhiều quốc gia.

Người dân giơ ảnh và biểu ngữ ủng hộ bà Aung San Suu Kyi trong cuộc chính biến vào tháng 2/2021

Biển Đông tiếp tục "nóng"

Trong năm 2021, tình hình Biển Đông với hàng loạt diễn biến “nóng” tiếp tục gây chú ý đối với cộng đồng quốc tế. Số hoạt động quân sự trên biển, dưới biển, trên không gia tăng nhanh chóng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang và nguy cơ sự cố va chạm ngoài ý muốn. Những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ. Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Đức, Anh và nhiều quốc gia khác đã tổ chức tập trận, đưa tàu chiến qua Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải ở tuyến đường biển thương mại quan trọng nhất thế giới này cũng như không chấp nhận các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Hồ sơ Pandora rò rỉ, nhiều bí mật được phanh phui

Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã tiến hành phân tích và xác minh tính chân thực của hồ sơ. Đợt công bố thông tin đầu tiên bắt đầu ngày 3/10, do một số hãng thông tấn "được lựa chọn" thực hiện. Bộ tài liệu khổng lồ này chứa đựng những bí mật về các giao dịch và tài sản của 35 lãnh đạo thế giới (gồm cả những người đương nhiệm và đã về hưu), 100 tỷ phú và hơn 300 quan chức, từ các bộ trưởng chính phủ, thẩm phán đến các thị trưởng, tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 quốc gia.

Hy vọng mới về chống biến đổi khí hậu

Ngày 13/11/2021, 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua “Hiệp ước khí hậu Glasgow” tại hội nghị COP26. Bản Hiệp ước này sẽ hoàn thiện các phần chưa được thống nhất của Thỏa  thuận Paris 2015. 100 quốc gia trên thế giới đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng, cắt giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030… Kết quả Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đem lại hy vọng cho cộng đồng quốc tế về việc ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

XU HƯỚNG THẾ GIỚI NĂM 2022

Covid-19 sẽ trở thành một trong số nhiều bệnh đặc hữu, nếu 2021 là năm thế giới căng mình chống Covid-19 thì tới năm 2022 toàn cầu sẽ bị chi phối bởi nhu cầu thích ứng với thực tế mới. Theo các nhà quan sát, năm 2022, thuốc kháng vi rút, các phương pháp điều trị kháng thể được cải tiến và nhiều loại vắc xin mới sẽ ra đời. Đối với những người đã tiêm phòng ở các quốc gia phát triển, vi rút không còn đe dọa tới tính mạng họ. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn đặt ra mối nguy hiểm chết người ở các nước đang phát triển. Nếu việc tiêm chủng được đẩy mạnh, Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu.

Năm 2022 nỗi lo lạm phát sẽ gia tăng. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và nhu cầu về năng lượng tăng vọt đã đẩy giá cả các mặt hàng lên cao. Cùng với đó là nỗ lo tương lai việc làm. Có một sự đồng thuận lớn rằng ngày càng có nhiều người làm việc tại nhà hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại bất đồng về các chi tiết như làm việc tại nhà bao nhiêu ngày và vào những ngày nào, như vậy có công bằng không. Các cuộc khảo sát cho thấy phụ nữ ít muốn quay lại văn phòng vì thế họ có nguy cơ mất cơ hội thăng tiến. Các cuộc tranh luận về quy định liên quan tới thuế và giám sát người lao động làm việc từ xa sẽ nổ ra.

Cuộc chỉnh đốn mới đối với giới công nghệ. Các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu đã cố gắng kiểm soát những gã khổng lồ công nghệ trong nhiều năm, song chưa tác động được gì vào sự phát triển hay lợi nhuận của họ. Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc chỉnh đốn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn các công ty tập trung vào “công nghệ sâu”, vốn mang lại lợi thế địa chiến lược thay vì những thứ phù phiếm như trò chơi hay mua sắm.

Sự phát triển của tiền điện tử. Giống như mọi công nghệ đột phá, tiền điện tử đang được “thuần hóa” khi các cơ quan quản lý siết chặt các quy tắc. Các ngân hàng trung ương đang tìm cách tung ra các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ. Kết quả là, một cuộc chiến ba chiều gồm đám đông tài chính phi tập trung dựa trên tiền mã hóa, các công ty công nghệ truyền thống và các ngân hàng trung ương sẽ diễn ra mạnh mẽ vào năm 2022.

Chạy đua vào không gian, 2022 sẽ là năm đầu tiên có nhiều người lên vũ trụ với tư cách là hành khách trả tiền. Các công ty du lịch vũ trụ phụ trách việc đưa du khách vào không gian. Trung Quốc sẽ hoàn thành trạm vũ trụ mới của nước này. Các nhà làm phim sẽ cạnh tranh để làm phim về không trọng lực. NASA sẽ để một tàu thăm dò đâm vào một tiểu hành tinh trong một sứ mạng như trong phim của Hollywood.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/thoi-su-quoc-te/the-gioi-nam-2021-va-du-bao-xu-huong-nam-2022-90870.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/thoi-su-quoc-te/the-gioi-nam-2021-va-du-bao-xu-huong-nam-2022-90870.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thế giới năm 2021 và dự báo xu hướng năm 2022
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO