Đúng 10 giờ 30 phút (giờ Riyadh), phái đoàn hai bên đã có mặt tại cung điện Al Diriyah trong khu phức hợp Albasateen của Hoàng gia Saudi Arabia. Phái đoàn Nga tham gia đàm phán có Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, Trợ lý Tổng thống Yuri Ushakov và Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev. Phía Mỹ có Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff. Cuộc gặp được tổ chức với vai trò trung gian của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud.
![]() |
Phái đoàn cấp cao Nga - Mỹ tham gia đàm phán tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ngày 18-2. Ảnh: TASS |
RIA Novosti dẫn lời Trợ lý Tổng thống Ushakov cho biết, đàm phán giữa phái đoàn Nga và Mỹ đã diễn ra tốt đẹp và kết thúc sau 4,5 giờ thảo luận. Theo đó, hai bên nhất trí sẽ xem xét lợi ích của nhau, thúc đẩy quan hệ song phương và cam kết duy trì liên lạc. Hai bên cũng nhất trí chỉ định các nhóm đàm phán cấp cao để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine trong thời gian sớm nhất. Về phía mình, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh tình hình chỉ có thể được giải quyết “khi có sự đồng thuận của tất cả các bên”, dựa trên các điều kiện “có thể chấp nhận được” và “đòi hỏi sự nhượng bộ từ mọi phía”; rằng “châu Âu sẽ ngồi vào bàn đàm phán vào một thời điểm thích hợp” do sự can dự của khối trong vấn đề Ukraine.
Cuộc gặp tại Riyadh lần này được kỳ vọng sẽ mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga trong thời gian tới. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump quay trở lại nắm quyền ở Nhà Trắng, nhiều tín hiệu cho thấy cả Washington và Moscow đều bày tỏ thiện chí muốn giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine thông qua biện pháp ngoại giao. Bằng chứng là cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 12-2, đối thoại giữa Ngoại trưởng hai nước hôm 15-2 và mới nhất là cuộc gặp tại Riyadh.
Việc tăng cường đối thoại song phương trong lĩnh vực thương mại cũng đang mang lại kết quả khả quan. Truyền thông phương Tây trích dẫn lời các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho hay, Washington đang lập danh sách khoảng 20 ngân hàng Nga sẽ được kết nối lại đầy đủ với hệ thống thanh toán SWIFT. Các hãng thẻ visa và mastercard cũng như nhiều thương hiệu của phương Tây từng rời khỏi Nga do các lệnh trừng phạt, nay đang lên kế hoạch trở lại Nga.
Tuy nhiên, liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, Reuters nhận định vẫn còn quá sớm để nói về bất kỳ tiến triển nào. Ngay trước cuộc gặp ở Riyadh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố “không biết gì” về các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ và “không có ý định công nhận kết quả đàm phán”. Dù là bên trực tiếp liên quan, Ukraine không được mời tham gia cuộc đàm phán tại Riyadh. Nguyện vọng cấp thiết nhất lúc này của ông Zelensky không còn là gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà là có được cam kết bảo đảm an ninh lâu dài của Mỹ đối với Ukraine.
Cuộc gặp cấp cao Nga-Mỹ tại Riyadh cũng là dịp khiến châu Âu phải “tự vấn” về vai trò đánh mất của mình trong giải quyết các vấn đề quốc tế, khi không có đại diện nào của châu Âu được mời tham dự. Ngay trước cuộc gặp Nga-Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập khẩn một hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của các nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về vai trò của châu Âu trong việc giải quyết vấn đề Ukraine. Ấm ức vì bị đồng minh Mỹ cho “ra rìa” trong cuộc gặp tại Riyadh, Đức tuyên bố các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine mà không có sự tham gia của châu Âu “là vô nghĩa”. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ sẵn sàng triển khai quân đội Anh ở Ukraine để bảo đảm an ninh cho Kiev, dù biết chắc nỗ lực đó không đủ để tháo gỡ những bế tắc của cuộc xung đột ở Ukraine
Dù không kỳ vọng sẽ ngay lập tức tạo ra những thay đổi mang tính đột phá nhưng giới phân tích nhận định, cuộc gặp tại Riyadh là dấu hiệu cho thấy Nga và Mỹ bắt đầu tìm kiếm một nền tảng đối thoại nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ song phương, mà trước hết là trao đổi thông tin và giảm nguy cơ xảy ra các cuộc đối đầu không mong muốn.
HÀ PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.