Giáo dục - Đào tạo

Thầy giáo người Mông hơn 15 năm “đi tìm học sinh" nơi vùng sâu Đắk Nông

Thanh Hằng 17/11/2023 6:09

15 năm qua, thầy giáo Ly Seo Chá, Trường tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) không chỉ là người "gieo chữ" mà còn là một tuyên truyền viên vận động học sinh người Mông đến trường.

Vượt đường lầy đi dạy và vận động học sinh đến trường

Trời tờ mờ sáng, những cơn gió của Tây Nguyên vẫn thổi mạnh, mang theo hơi lạnh của vùng thâm sơn cùng cốc. 5h sáng, thầy giáo Ly Seo Chá chuẩn bị sẵn một ít quần áo rồi nhanh chóng hòa vào màn sương sớm để vào cụm dân cư nằm sâu trong rừng Đắk R’măng.

thay-ly-seo-cha-2(1).jpg
5h sáng, thầy giáo Ly Seo Chá (áo đen) đã vội vàng lên đường trong màn sương sớm để đến trường dạy học

Tháng 8 hằng năm, khi học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới, thầy Chá lại cùng một số giáo viên của Trường tiểu học La Văn Cầu vào cụm dân cư số 8, 9, 10, 12 để điều tra phổ cập. Đây là công việc thường niên của ngành Giáo dục để kịp thời đưa trẻ đến trường đúng tuổi.

Con đường đất vào điểm trường đa phần là dốc cao nối tiếp dốc thăm thẳm. Nói là đường nhưng thực ra chỉ là một lối mòn nhỏ, len lỏi qua rẫy của người dân. Thi thoảng, trên con đường đất ấy, thầy giáo Chá lại bắt gặp học trò của mình đang đi bộ kiếm măng hoặc chuối hột rừng.

thay-ly-seo-cha-1(1).jpg
Con đường đất vào điểm trường rất khó khăn, chủ yếu là đồi dốc

Thầy giáo Chá kể: “Tranh thủ mùa mưa, người dân (trong đó có cả học sinh) lại vào rừng kiếm măng, chuối hột để có thêm thu nhập. Cũng vì thế, giáo viên phải tranh thủ đi vào ngày cuối tuần để vận động phụ huynh cho con đi học, chứ vào ngày thường, người dân đóng cửa, đi rừng hết”.

Cũng theo thầy giáo Chá, thời gian đi điều tra phổ cập là khó khăn nhất bởi vào chính mùa mưa. Có thời điểm mưa cả tuần nên thầy cô giáo phải ở lại mấy ngày trong điểm trường chứ không thể nào ra ngoài được.

Vượt gần 20 km đường đồi núi, có những chỗ đường đầy sình lầy, thầy giáo Chá mới đến được điểm Trường tiểu học La Văn Cầu tại cụm dân cư số 8. Từ điểm trường này, các giáo viên phân công nhau đi tới các cụm dân cư lân cận, thực hiện nhiệm vụ của mình.

Vài năm trước, khi chưa có điểm trường này, học sinh phải ra điểm trường chính hoặc sang xã khác để trọ học. Cũng vì thế, nhiều trẻ đi học muộn hơn so với tuổi, thậm chí có học sinh vì trọ học vất vả nên chọn cách nghỉ học.

thay-ly-seo-cha-0(1).jpg
Thầy Chá làm thủ tục nhập học cho học sinh sau quá trình đi vận động phụ huynh đưa con đến trường.

“Khi Điểm trường tại cụm dân cư số 8 đi vào hoạt động, học sinh được đi lại thuận lợi hơn, phần lớn các em có thể đi về trong ngày. Đến nay, sau gần 3 năm, điểm trường đã có hơn 110 học sinh khối 1, 2, 3, góp phần hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tại vùng sâu, vùng xa của xã Đắk R’măng”, thầy giáo Chá cho biết thêm.

Có được kết quả này, theo thầy giáo Chá, một phần là nhờ công tác vận động, tuyên truyền của chính quyền các cấp và giáo viên trong trường.

thay-ly-seo-cha-3(1).jpg
Sau gần 3 năm, Điểm Trường tiểu học La Văn Cầu đã có khoảng 100 học sinh khối 1, 2, 3, góp phần hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tại vùng sâu, vùng xa của xã Đắk R’măng

Thầy giáo người Mông cho biết, trước ngày đón học sinh, các thầy cô giáo trong trường phải đi vận động, thông báo cho phụ huynh và học sinh trong 4 cụm dân cư trên. Mỗi lần đi vận động, các thầy cô giáo dí dỏm gọi là “đi tìm học sinh”.

“Đời sống khó khăn, nhiều phụ huynh phải làm kinh tế nên không nhớ đến thời gian cho con đi học. Hằng năm cứ trước khi vào năm học mới và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các em học sinh thường “ngại” quay lại trường. Những lần “đi tìm học sinh”, giáo viên cần giải thích, tuyên truyền cho trưởng bản, trưởng cụm và phụ huynh cho con em đi học đầy đủ”, thầy giáo Chá nói.

Gắn bó với học trò vùng sâu 1,5 thập kỷ, thầy giáo Chá nhận mình là người may mắn khi được phụ huynh và học sinh tin tưởng. Là người Mông, nhiều lần "cùng ăn, cùng ở" với người dân địa phương nên thầy giáo Chá dễ dàng nói chuyện, chia sẻ cho phụ huynh. Từ đó nâng cao hiệu quả công tác vận động trẻ đến trường.

Tâm huyết với nghề vì tương lai các em tốt đẹp hơn

Năm 1996, thầy giáo Chá bắt đầu với công việc dạy học tại một trường tiểu học ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Năm 2008, thầy giáo Chá cùng gia đình vào Đắk Nông lập nghiệp. Thầy giáo Chá được huyện Đắk Glong tiếp nhận và phân công về Trường tiểu học La Văn Cầu, trở thành giáo viên người Mông đầu tiên tại xã Đắk R’măng.

Sinh ra trong một gia đình người Mông đông con và khó khăn, thầy giáo Chá hiểu rằng chỉ có học chữ mới có cơ hội đổi đời. Cũng vì thế mà nam giáo viên luôn cố gắng vận động học trò của mình cố gắng học tập, ít nhất là phải biết chữ để cuộc sống tốt đẹp hơn. "Trong quá trình giảng dạy, tôi cố gắng dạy các em học thật tốt cách viết, đọc tiếng Việt để tiếp thu kiến thức tốt hơn. Sau đó, chú trọng đến truyền đạt những kiến thức cơ bản của các khoa học, của đời sống hàng ngày. Tôi cũng thường xuyên dạy bảo, nhắc nhở các em chú ý đến việc vệ sinh cá nhân, bảo vệ bản thân..."-thầy giáo Chá tâm sự thêm.

Hơn 15 năm công tác tại xã Đắk R’măng, thầy giáo Chá nhận thấy đời sống của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Nhờ các chính sách quan tâm, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, con đường đến trường của học sinh người Mông đã bớt gian nan hơn. Tuy nhiên, so với nhiều địa phương, đời sống của đồng bào Mông ở Đắk R’măng còn khó khăn, tỷ lệ mù chữ còn cao.

thay-ly-seo-cha-5(1).jpg
Trong quá trình giảng dạy, thầy Chá không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, gương mẫu và yêu thương học sinh hết mực

Ở nơi này, trẻ em phần đa chỉ học hết bậc THCS hoặc THPT rồi được dựng vợ, gả chồng. Số người đi học cao đẳng, đại học đếm trên đầu ngón tay. Trước thực trạng này, bản thân thầy giáo Chá xác định mình phải làm gương cho người dân trong vùng. Ngoài chuyện cho con, cháu đi học, thầy giáo Chá cũng đăng ký học lên đại học, nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân.

thay-ly-seo-cha-7(1).jpg
Thầy giáo Ly Seo Chá luôn cố gắng vận động học trò của mình cố gắng học tập, ít nhất là phải biết chữ để cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Bản thân tôi xác định học tập là quá trình suốt đời và mình muốn làm gương, muốn vận động phụ huynh cho con em đi học thì phải cố gắng. Những kết quả hiện nay vừa là sự nỗ lực của bản thân, vừa là minh chứng cụ thể để tôi có thể tự tin vận động, tuyên truyền cho đồng bào Mông về việc học”, thầy giáo Chá nêu quan điểm.

Ông Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu đánh giá, thầy giáo Ly Seo Chá hiện là một trong 3 giáo viên người Mông của trường. Trong quá trình công tác, thầy giáo Chá luôn nỗ lực, hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc vận động học sinh đến trường.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thầy giáo người Mông hơn 15 năm “đi tìm học sinh" nơi vùng sâu Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO