Tỉnh Ðắk Nông có 3.170 ha sầu riêng, sản lượng đạt 13.450 tấn/năm. Theo cơ quan chức năng, hiện thị trường Trung Quốc đã mở cửa. Thế nhưng, để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc, người trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh cần phải tuân thủ đầy đủ các nội dung đã ký kết với Trung Quốc.
Người dân đã sẵn sàng
Gia đình ông Bùi Quốc Việt, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), có 11 ha sầu riêng Dona thu hoạch lứa đầu tiên. Theo ông Việt, sầu riêng xưa nay đều được thương lái thu mua, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, nên giá cả bấp bênh.
Do đó, khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, ông rất phấn khởi. Hiện Trung Quốc coi trọng về chất lượng sầu riêng. Do đó, để từng bước đạt được các tiêu chuẩn quy định đối với hàng xuất khẩu, ông đã thực hiện chăm sóc vườn sầu riêng theo hướng VietGAP.
Ông Việt cho biết: “Sầu riêng xuất khẩu không chỉ riêng thị trường Trung Quốc mà các thị trường khác nữa, đòi hỏi người trồng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình truy xuất nguồn gốc, sổ tay ghi chép, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hợp lý, không vượt ngưỡng”.
Cũng theo ông Việt, nếu xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, đầu ra, giá cả sẽ ổn định hơn, người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Đến nay, ông Việt đã hoàn thành hồ sơ gửi cơ quan chức năng đề nghị được cấp mã vùng trồng.
Nhiều diện tích sầu riêng của người dân xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP |
Tương tự, ông Nguyễn Văn Út Em, cũng ở xã Đắk Nia, có hơn 1 ha sầu riêng. Theo ông Em, sầu riêng là loại cây khó trồng. Để vườn cây vừa cho năng suất, vừa đạt tiêu chuẩn chất lượng, đòi hỏi nhà vườn trang bị những kiến thức sao cho sản phẩm làm ra phải sạch, an toàn.
Thời gian qua, nhiều nhà vườn ở Đắk Song, Đắk Mil, Đắk R’lấp… đã áp dụng kỹ thuật, chăm sóc vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật, các loại côn trùng, ruồi vàng được dẫn dụ vào chai nhựa. Còn rệp sáp được phòng trừ bằng chế phẩm từ gừng, ớt, nước rửa chén…
Liên kết để xây dựng vùng trồng
Hiện nay, việc thực hiện những quy định về xây dựng và cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của nước nhập khẩu rất nghiêm ngặt. Trong khi đó, đa phần người nông dân chưa có ý thức việc thực hiện các quy định này. Nhất là trong thời điểm giao thời hiện nay, mã số vùng trồng đã cấp chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Do đó, những vùng trồng chưa cấp mã số vẫn được thương lái thu mua rồi trộn lẫn với hàng có mã số vùng trồng để xuất khẩu. Tình trạng này khiến nông dân chưa thấy được lợi ích của việc xây dựng, đăng ký mã số vùng trồng cho nông sản của mình.
Anh Trần Văn Tâm, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP |
Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan chấn chỉnh: “Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Đừng để “gom củi ba năm, đốt cháy một giờ”. Đừng để cái lợi trước mắt, mà đánh mất cơ hội lâu dài. Một lô hàng bị vi phạm sẽ làm mất uy tín cho cả ngành hàng của cả nước”.
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, yêu cầu về diện tích cho 1 vùng trồng cây ăn quả tối thiểu là 10 ha. Trong khi diện tích canh tác hiện nay đang manh mún, nhỏ lẻ.
Để thiết lập một vùng trồng cần khoảng từ 50 - 100 nông dân cùng đồng thuận tham gia. Do vậy, rất khó để thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tại vùng trồng để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Cùng vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để có khối lượng sầu riêng lớn, chất lượng đồng đều, nông dân phải tăng cường mối liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn.
Muốn thực hiện được điều đó, trước hết người dân, doanh nghiệp, cơ quan chuyên ngành phải “ngồi cùng nhau” trong một hệ sinh thái ngành hàng, từ cấp độ địa phương lên đến liên vùng.
Đồ họa: Văn Tâm |
Trong hệ sinh thái đó, các bên liên quan cùng nhau chia sẻ thông tin thị trường, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn thị trường. Chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm hay, những bài học quý trong sản xuất, kinh doanh.
"Trong hệ sinh thái đó, mọi người bàn bạc, đau đáu về cách thức tạo dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam đủ sức vươn tầm thế giới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các địa phương ngay từ bây giờ phải xây dựng kế hoạch bài bản để phát triển ngành hàng sầu riêng. Kế hoạch phải cụ thể, bắt đầu từ tổ chức lại sản xuất gắn với khuyến nông cộng đồng, hướng đến chuẩn hóa quy trình canh tác, vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.
Các địa phương phải xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy tụ được các vựa sầu riêng. Thương lái, doanh nghiệp cũng tham gia vào hợp tác xã, hội, hiệp hội hoặc một hình thức liên kết phù hợp để sản xuất, kinh doanh sầu riêng bài bản.
Cần thêm các giải pháp
Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Chi cục Phó, Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở NN-PTNT), hiện nay, việc phát triển sầu riêng, chanh dây và các loại cây ăn trái được Bộ NN – PTNT hết sức quan tâm.
Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật có các công văn hướng dẫn chi tiết đến các địa phương. Theo đó, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, giúp nông dân nắm các quy định của nước nhập khẩu về cấp mã số vùng trồng.
Người dân xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) sử dụng chế phẩm sinh học chăm sóc, phòng trừ sâu hại cho cây sầu riêng |
Thời gian qua, Sở NN - PTNT đã phối hợp với địa phương xây dựng các giải pháp về phát triển cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng đồng hành, ngành Nông nghiệp, nông dân sẽ thực hiện các giải pháp sản xuất, đáp ứng yêu cầu của bên nhập khẩu.
Trong đó, ngành Nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, xây dựng các quy trình, các bước thực hiện về các tiêu chí, tiêu chuẩn… bảo đảm các điều kiện của nước nhập khẩu yêu cầu.
Cũng theo ông Chân, đến nay, ngành Nông nghiệp đã triển khai thực hiện kiểm tra, hướng dẫn được 8 hồ sơ cấp mã số vùng trồng, 3 hồ sơ mã cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh. Các hồ sơ này đang được gửi Cục Bảo vệ thực vật thẩm định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, các địa phương muốn duy trì, tiếp tục nâng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong canh tác, sơ chế.
Trong đó, các tỉnh phải tăng hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói hoàn thiện hồ sơ đăng ký, khắc phục những điểm còn hạn chế trong canh tác sầu riêng như lâu nay.
Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phối hợp với cơ sở đóng gói, các vùng trồng tuân thủ chặt chẽ các quy định. Các vùng trồng không chỉ đạt được kết quả kiểm tra mà phải luôn duy trì chặt chẽ việc giám sát dư lượng, kiểm soát sinh vật gây hại trong suốt quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, các vùng trồng sầu riêng cần hạn chế trồng xen với các loại cây trồng khác, giúp việc kiểm soát lây nhiễm chéo sinh vật gây hại từ các loại cây trồng khác, nhất là ruồi đục quả. Từ đó, giúp số lượng các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đạt chuẩn sẽ được nâng cao.