Thất bát vì mua cây giống trên mạng
Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh mua giống cây trồng trên mạng xã hội đã rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang" vì chất lượng kém.
Gia đình bà H’Hước ở bon Jun Juh, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có trên 3 sào lúa nước. Vụ đông xuân 2024, bà được người thân giới một loại mua lúa mới trên mạng xã hội. Bà đã mua về gieo thử một 1 sào ruộng của gia đình.
Bà cho biết: “Từ khi xuống giống cây lúa sinh trưởng bình thường, nhưng đến giai đoạn trưởng thành cây lúa không trổ bông hoặc trổ lác đác. Vụ đông xuân vừa rồi tôi mất đi một sào ruộng lẫn tiền, công sức đầu tư”.
Theo bà H’Hước, chỉ vì tin tưởng giống lúa mới, cho năng suất cao bán trên mạng xã hội, gia đình bà sẽ thiếu hụt nguồn lương thực vào cuối năm nay.
Vụ đông xuân vừa qua, tại bon Jun Juh có hơn 10 hộ đồng bào mua phải giống kém chất lượng có tên VST-899 trên mạng xã hội. Khi phát hiện lúa không trổ bông, bà con đã nhổ bỏ để gieo sạ lại vụ mùa mới.
Còn gia đình ông Trần Văn Hùng ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa có hơn 4 ha đất sản. Cách đây vài năm, ông Hùng mua hơn 30 cây mít Thái trên một trang facebook chuyên bán cây giống về trồng xen trong vườn cà phê. Mặc dù được chăm sóc khá bài bản nhưng sau 3 năm trồng cho trái rất kém.
“Biết mua cây giống trên mạng là may rủi nhưng vì những tiện lợi của mạng xã hội nên tôi đã chọn cách này để mua một số giống cây về trồng. Trong đó, những cây mít Thái tôi đặt mua sau 3 năm cho trái kém, sơ nhiều, thương lái không mua nên tôi đã chặt bỏ”, ông Trần Văn Hùng chia sẻ.
Hiện nay, xuất hiện nhiều cơ sở cây giống, cá nhân giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội các loại giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, ship hàng đến tận nhà cho nông dân.
Các giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu “đa cấp”. Phần lớn những nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân.
Theo Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), sản xuất, kinh doanh giống cây trồng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định khá chặt ở các văn bản luật và hướng dẫn luật. Tuy nhiên, hình thức bán qua mạng thì chưa có những quy định cụ thể và chế tài. Đó chính là kẽ hở và cái khó cho công tác quản lý đối với giống cây trồng hiện nay.
Lãnh đạo Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống sản xuất giống của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất của người dân. Trong đó, ngoài các loại giống cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái, hoa màu thì Đắk Nông vẫn còn thiếu các cơ sở sản xuất hạt giống rau, hoa. Mặc dù tỉnh Đắk Nông có những vùng khí có thể sản xuất được hạt giống các loại rau để cung cấp cho người dân địa phương và tỉnh ngoài.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông cho rằng, xu hướng kinh doanh giống cây trên mạng là tất yếu nhưng đem lại nhiều hậu quả, hệ lụy. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng giống cây trồng tại địa phương.
Trong mỗi mùa vụ, ngành chức năng đều mở những đợt ra quân chấn chỉnh tình trạng buôn bán các mặc hàng vật tư nông nghiệp nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hạn chế thiệt hại trong sản xuất cho người dân. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân sử dụng các giống đã được công nhận và có trong danh mục được phép lưu hành.