Với mục đích phát triển bền vững thông qua hai trụ cột hành động là bảo tồn và giáo dục, mô hình Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Tính đến năm 2022, Mạng lưới CVĐCTC có 177 thành viên thuộc 46 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đáng lưu ý là, một số khu vực trước đây đã từng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới hoặc Khu dự trữ Sinh quyển thế giới như Danxiashan (Trung Quốc), Jeju (Hàn Quốc)… cũng đã trình UNESCO xin chuyển đổi sang mô hình CVĐCTC để trở thành khu bảo tồn “kiểu mở” với sự tham gia và vì lợi ích của cộng đồng địa phương.
Ngày hội thu gom 5 loại rác và sẽ được vận chuyển về đơn vị tái chế tại TP. HCM để tạo ra sản phẩm mới |
Mạng lưới CVĐCTC luôn hướng đến việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc bằng việc yêu cầu các thành viên tích cực hưởng ứng các ngày hành động vì môi trường như: Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông (14/3), Ngày rừng thế giới (21/3), Ngày nước thế giới (22/3), Giờ Trái đất (31/3), Ngày Trái đất (22/4), Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (6/6), Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13/10),…
Thu gom rác, người tham gia sẽ nhận được các sản phẩm xanh như xà bông thảo dược, bàn chải tre, ống hút cỏ bàng, chén dĩa mo cau, túi vải... |
Là một quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua các định hướng, chiến lược và kế hoạch cụ thể, gần đây nhất là Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững.
Như vậy, với việc theo đuổi mô hình CVĐCTC, tỉnh Đắk Nông đã thể hiện quyết tâm và cam kết, không chỉ với Việt Nam mà còn với thế giới về định hướng phát triển bền vững của địa phương. Chính vì thế, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông không thể đứng ngoài các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là khi danh hiệu này tạo ra các lợi thế cạnh tranh để phát triển du lịch địa phương.
Trong khuôn khổ ngày hội, còn tổ chức các gian hàng "Cũ người mới ta", trao đổi sách, góp phần gia tăng vòng đời sản phẩm, hạn chế lượng rác thải ra môi trường |
Cũng chính vì thế, tháng 4 vừa qua, hưởng ứng Tuần lễ CVĐCTC hành động vì Ngày Trái đất (22/4) lần thứ 3 do Mạng lưới Châu Á – Thái Bình Dương phát động, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã tổ chức Ngày hội sống xanh “Đổi rác lấy quà” với nhiều hoạt động thú vị và bổ ích, thu hút hàng trăm người dân đến tham gia.
Thông qua ngày hội, việc phân loại rác thải tại nguồn theo quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ 1/1/2022 cũng đã được tuyên truyền và phổ biến hết sức hiệu quả. Đây là hình thức tuyên truyền mang tính trực quan, sinh động và tạo được sự phấn khởi, thu hút đông đảo người dân tham gia để cộng đồng dân cư thực sự trở thành chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường.
Ngày hội còn là dịp giới thiệu các sản phẩm xanh-sạch của các doanh nghiệp trong tỉnh, từng bước hình thành thói quen tiêu dùng xanh cho người dân |
Trong thời gian tới, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ môi trường bằng các hoạt động cụ thể như khuyến khích các đối tác CVĐC sử dụng bao bì tự phân hủy; định hướng, tập huấn cho các hợp tác xã thiết kế các sản phẩm xanh; xây dựng dự án thu gom pin và vỏ hộp sữa…
Song song với đó, bảo vệ môi trường dưới góc độ sức chứa của điểm đến du lịch, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cũng định hướng và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các tour du lịch theo từng nhóm nhỏ, có sử dụng hướng dẫn viên địa phương, để du khách vừa hiểu được trọn vẹn những giá trị đặc trưng của điểm đến, vừa tránh gây áp lực lên hệ sinh thái tự nhiên trong vùng CVĐC Đắk Nông.
Có thể nói, những đóng góp của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trong công tác bảo vệ môi trường chỉ là những đốm lửa nhỏ, nhưng sẽ thắp lên một ngọn lửa to về tình yêu thiên nhiên và lối sống có trách nhiệm với Mẹ Trái đất, thể hiện được sứ mệnh và vai trò của mình trong sự phát triển bền vững của tỉnh Đắk Nông.