Văn nghệ

Thắp lửa

Việt Thu 17/11/2023 08:07

Những cơn mưa cuối mùa đã dứt, mùa khô đến kéo theo những cơn gió hun hút thổi khắp các sườn đồi. Điểm trường vùi trong sương trắng.

Hơi nước quyện với mùi lá cây, mùi củi khô, mùi cỏ núi nồng nồng, ngai ngái. Tâm chà hai bàn tay cho nóng lên rồi áp vào má, vào mắt, vội vã bước từ căn nhà gỗ dành cho giáo viên sang lớp học cũng được dựng bằng gỗ. Từ dưới chân dốc, đã nghe tiếng học sinh đến lớp gọi nhau ríu rít.

Thời gian trôi nhanh như cái chớp mắt. Tâm gắn bó với điểm trường biên giới này được hơn ba năm rồi. Ngày Tâm viết đơn tình nguyện lên đây, bố mẹ, anh chị em, bạn bè, không ai ngăn cản. Mọi người sợ nếu níu giữ Tâm, có lẽ anh sẽ vui. Điểm trường này là nơi An từng sống. Những trang nhật ký An để lại, trang nào cũng thấm đẫm tình yêu thương và trăn trở. Mỗi ngày, An cặm cụi gieo con chữ, gieo ước mơ cho đám học trò nhỏ vốn vất vả, thiếu thốn đủ thứ. Nếu thiếu đi con chữ, thiếu đi tri thức, cuộc đời của chúng sẽ mãi lầm lụi.

Ba năm dạy học tại nơi An từng gắn bó, Tâm cứ ngỡ như An vẫn đang ở ngay đây thôi, trong những câu chuyện của bà con bon làng, trong những câu chuyện của đám trò nhỏ. Cô An hiền lắm. Cô chẳng nỡ mắng học sinh bao giờ, lúc nào cô cũng nhẹ nhàng, thủ thỉ. Nhưng mà cô An cũng gan lì lắm. Nhìn học sinh đi học, đứa thì gói nắm cơm nguội vào túi nilon mang theo, đứa nhịn đói, cô An xót học trò, có lương là mua mấy thùng mì tôm để sẵn. Cô cuốc đất, trồng rau để nấu cùng mì tôm cho học sinh ăn đỡ xót ruột. Đất khô cằn, tay cô phồng rộp, trồng được một luống rau nhỏ thì hết cả ngày vật lộn với đám đất chỉ toàn đá sỏi và cỏ dại. Rồi cô che sương, chắn gió. Mùa khô hạn, cô phải leo dốc xuống suối gánh từng gánh nước tưới, mùa mưa thì nước trút xối xả, rau dập nát hết. Có đợt mưa nhiều, vạt đồi gần trường bị sạt lở, cả bon làng hú vía, may cô giáo không sao. Sau đận ấy, tưởng An sợ mà xin chuyển công tác, nhưng An vẫn bám trụ.

Các cụ già trong bon còn bảo, nhắc đến sự gan lì của An thì phải nhắc đến những lần An vận động học sinh đi học. Em nào nghỉ học, An đến từng nhà tỉ tê, tâm sự. Một tối chưa được thì hai tối, hai tối chưa xong thì ba tối, đến bao giờ bố mẹ đồng ý cho em đi học lại mới thôi. An xin bạn bè, người quen quần áo, sách vở, dép và cả tấm lòng của mọi người hỗ trợ cho học sinh từng bữa ăn trưa để các em yên tâm đến trường. Học trò bảo, cô An như cô tiên có phép thuật, khó đến mấy cô cũng tìm được cách giải quyết.

Vậy mà cô tiên ấy đã về trời. Mùa mưa năm ấy kéo dài, dai dẳng không dứt. Con suối gần trường nước dâng cao. An kéo dây rừng nối hai bờ suối, cõng học sinh lần theo dây để đưa các em sang phía an toàn. Khi em học sinh cuối cùng lên đến nơi an toàn thì lũ bất ngờ tràn về, cuốn đứt dây và cuốn cả An đi. Lời hẹn mùa xuân năm sau An về làm vợ Tâm đành dang dở. Mong ước đám cưới được tổ chức ở sân trường, đám học trò nhỏ hái hoa dại về trang trí và tập bài hát tặng cô giáo cũng mãi mãi xếp lại.

Lên đến đây rồi, Tâm mới hiểu hết những vất vả mà An phải đối mặt. Lá thư nào gửi về, cuộc điện thoại nào An cũng chỉ kể những niềm vui để bố mẹ và Tâm không phải lo lắng. Những ngày đầu, đêm nào Tâm cũng thức trắng. Anh ngồi bên hiên nhà, ngước nhìn bầu trời đêm, tự hỏi An đã vượt qua sự cô đơn, những thiếu thốn bằng cách nào. Mùa mưa đầu tiên, nhìn con đường lầy lội, trơn trượt dẫn vào trường, Tâm thấy chùn chân. Vậy mà một người con gái bé nhỏ như An đã vượt qua con đường ấy không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu buổi lên lớp, bao nhiêu tối đến từng nhà vận động học sinh đi học. Nghĩ thế, Tâm lại xốc lại tinh thần, tự nhủ ít nhất mình cũng ở đây dạy các em bằng quãng thời gian An đã dạy. Nếu không, anh sẽ xấu hổ với An bao nhiêu.

Lên đây vì An nhưng thứ níu giữ Tâm lại, ngoài tình yêu với An còn có tình thương dành cho những đứa học trò nghèo. Mùa nóng còn đỡ, mùa gió, chúng co ro đến lớp trong manh áo mỏng, lấm lem bùn đất. Có đứa lưng áo còn rách toạc một mảnh, ngồi trong lớp học mà môi thâm tím lại vì lạnh. Dẫu vậy, chúng khát khao được đi học. Chúng thích được đến lớp đến nỗi có đứa nhà cách điểm trường gần chục cây số, bố mẹ bận làm rẫy chẳng thể đưa đón được, hai chị em gọi nhau dậy từ bốn giờ sáng, dắt tay nhau đi học, chẳng vắng buổi nào chỉ trừ những hôm mưa to, gió lớn, đi lại không an toàn. Sau mỗi buổi học, chúng háo hức xin thầy kể cho nghe những câu chuyện ở thành phố. Thành phố rực rỡ ánh đèn, cái gì cũng có trong tâm trí non nớt và hồn nhiên của chúng chẳng khác gì chốn thần tiên. Sùng A Chiến, đứa học trò chăm học và ngoan ngoãn nhất lớp đã viết vào bài tập làm văn của mình, ước mơ khôn lớn được lên thành phố học, như thầy Tâm, như cô An.

Thế mà mấy ngày rồi, Chiến chưa đến lớp học. Tâm đã đến nhà hỏi thăm Chiến. Cậu học trò lớp bốn mà còi cọc, khô quắt, nói là học sinh lớp một cũng có người tin. Chiến vừa trông mấy đứa em nhỏ lít nha lít nhít, vừa nhóm bếp củi nấu cơm. Cha dượng Chiến cả ngày chìm trong men rượu, ngồi trên bậc hè, lè nhè những lời gì không rõ.

Chiến phải nghỉ học vì cha dượng không cho Chiến đến trường nữa. Cha mẹ Chiến từ miền Bắc tìm đến Tây Nguyên lập nghiệp. Cha Chiến vốn chăm chỉ chịu khó nên cuộc sống cũng không đến nỗi khó khăn, Chiến ra đời trong sự yêu thương của cha mẹ. Nhưng rồi cha không may mắc bệnh hiểm nghèo, có mấy sào rẫy phải bán hết lo trị bệnh cho cha. Rẫy đã bán hết mà bệnh cha vẫn không khỏi. Ít lâu sau, mẹ Chiến đi bước nữa. Những tưởng hai mẹ con sẽ có nơi nương tựa. Nào ngờ, cha dượng Chiến là kẻ nghiện rượu, suốt ngày chìm trong hơi men, mọi gánh nặng dồn hết lên vai mẹ Chiến. Những đứa em sau ra đời, cảnh nhà nheo nhóc lại càng thêm nheo nhóc.

Tâm đến nhà vận động cha dượng và mẹ Chiến mấy tối rồi, nhưng trước sau như một, hai người chỉ bảo nhà còn không có gạo ăn thì lấy đâu ra tiền cho Chiến đi học. Ở nhà trông em mấy năm cho mẹ đi làm rẫy, lớn lớn một tí, có sức thì cũng phải đi làm thuê, làm mướn phụ cha dượng và mẹ nuôi các em. Chiến nghe cha mẹ nói, ngồi im trong góc nhà, bậm môi để ngăn nước mắt hờn tủi. Tâm nhìn khuôn mắt choắt lại vì đói, sạm đen vì nắng gió của Chiến mà mà xót xa. Dường như anh thấy ước mơ được lên thành phố học của Chiến cũng đã tắt trong đôi mắt rơm rớm nghẹn ngào. Tâm không muốn bỏ cuộc. Chiến chăm ngoan, lại học giỏi. Được đến trường, tương lai của em sẽ bớt tăm tối biết bao nhiêu.

Thấy Tâm vẫn đến, cha dượng Chiến từ lúc còn tiếp đón đã mượn hơi rượu nói càn:

- Tôi đã bảo là nhà không có tiền cho nó đi học đâu, thầy đừng có đến nữa. Hay là thầy kiếm cớ đến để… để… có ý định gì với vợ tôi. Này… không… không xong với tôi đâu đấy nhé.

Sự tức giận xông lên buốt óc. Tâm nắm chặt hai tay để dằn cơn giận dữ xuống. Dẫu biết rằng chẳng ai chấp kẻ say nhưng anh chưa bao giờ phải chịu một sự xúc phạm nào như vậy. Tâm đã từng buồn bã trong những ngày mới lên, không bạn bè, người thân, ngày còn có đám học trò ríu rít cho vơi bớt nỗi buồn, đêm về chỉ có mình đối diện với bốn bức tường cũ kĩ. Anh đã từng chua xót nhìn học trò xì xụp húp mì tôm nấu với rau cải thầy tự trồng mà như được ăn cao lương mĩ vị, từng khẽ thở dài khi cùng học trò phơi từng trang sách vì mưa dột, sách vở ướt hết. Nhưng lúc nào anh cũng nghĩ đến An, nghĩ đến những ánh mắt trong veo của đám trò nhỏ để tự nhủ mình phải cố gắng. Bây giờ thì cảm giác bất lực phủ kín anh. Hơn ba năm, anh luôn cố gắng vì An, vì đám học trò nghèo và vì cả những ước mơ hồn nhiên, ngây thơ của chúng. Anh chưa từng làm điều gì hổ thẹn với lương tâm, trách nhiệm của một nhà giáo. Anh bước ra ngoài. Gió đêm lành lạnh xua bớt đi một chút bức bối. Chiến chạy theo. Đứa học trò nghèo dúi vào tay Tâm tượng con mèo khắc bằng gỗ và một lá thư. Nó lí nhí:

- Em tặng thầy. Con mèo này em tự khắc đấy, vì em biết thầy tuổi mèo. Em xin lỗi thầy…

Nó nghẹn ngào rồi chạy vào nhà như bỏ trốn. Chắc nó không muốn thầy giáo nhìn thấy nó khóc. Mắt Tâm cũng ướt từ lúc nào. Anh nắm chặt con mèo trong tay, nương theo ánh trăng nhìn những dòng chữ đứa trò nhỏ run rẩy viết: “Em muốn được đến lớp, em muốn học chữ, em muốn được đến thành phố mà thầy kể để học. Nhưng mẹ em khổ quá. Em phải nghỉ học thôi. Thầy hãy tha lỗi cho em…”.

Không! Tâm không thể ngồi yên được. Nếu là An, chắc An cũng sẽ không thể ngồi yên. Tâm bước đi dưới ánh trăng. Phía rừng xa, tiếng gà rừng cô độc gọi ban mai đã cất tiếng.

***

Từ “xứ sở thần tiên” trong mắt đám trò nhỏ, những người bạn của An, của Tâm đã tới. Lớp học mới quét vôi trắng, dãy nhà bán trú cho em khang trang trong nắng mới. Phòng “căng tin” nhỏ bé mà ấm cúng, hàng tháng, các cô chú sẽ ủng hộ để nấu bữa trưa nóng sốt cho học sinh tại điểm trường. Chiến cũng xúng xính trong bộ đồ mới. Chiến đã được các chú bộ đội biên phòng nhận làm con nuôi, giúp em đi học đến khi tròn mười tám tuổi.

Đám học trò lần đầu biết tới xích đu, cầu trượt í ới rủ nhau cùng chơi, tiếng cười giòn tan trong nắng.

Những tia nắng hi vọng của An sẽ được nhen mãi không bao giờ tắt.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Thắp lửa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO