Đời sống

Thảo thơm "trời tròn, đất vuông"

P.V 18/04/2024 - 12:27

Bánh chưng, bánh giầy - hai loại bánh dẻo thơm được làm từ những hạt gạo tinh túy của đất trời đã trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam, có sức sống mãnh liệt và ngày càng lan tỏa trong đời sống cộng đồng…

ADQuảng cáo

Biểu trưng của đất, trời

Bánh chưng, bánh giầy - hai loại bánh tượng trưng cho “trời tròn, đất vuông”, được gắn với câu chuyện về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương thứ 6. Đây là hai sản vật được chế biến từ hạt lúa nếp thơm, một thành quả tiêu biểu của nghề trồng lúa nước từ thời Vua Hùng. Hai loại bánh là một minh chứng về việc từ thời Hùng Vương, người Việt đã biết chế biến các sản vật từ lúa nước, biết tuyển chọn những hạt gạo thơm lành, thuần khiết hơn bất cứ loại sơn hào hải vị nào, để làm nên những chiếc bánh thơm thảo này.

Theo quan niệm dân gian, trời tròn, đất vuông. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất. Vỏ bánh gói được bọc bằng lá dong, bên trong là gạo nếp và nhân gồm đậu xanh, hành, thịt heo. Đây đều là những nguyên liệu nấu ăn truyền thống của các gia đình Việt.

Bánh giầy có hình tròn, tượng trưng cho trời. Bánh đầy đặn, trắng tinh khiết, mặt trên hình vòng cung giống như bầu trời, có hai miếng lá xanh cắt tròn đậy trên dưới. Người Việt xưa quan niệm rằng bầu trời là nơi cư ngụ của thần linh, vì vậy bánh giầy thường dùng để tế trời, tế thần cầu mong thời tiết thuận lợi cho một năm ấm no.

Bánh chưng và bánh giầy đã tồn tại suốt từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến ngày nay, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bánh chưng và bánh giầy vẫn trường tồn cùng dân tộc.

Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, con cháu Lạc Hồng ở bốn phương trời hành hương về đất Tổ, thành kính dâng lễ vật tri ân công đức tổ tiên. Và dù lễ vật được dâng lên Vua Hùng là những mâm cao, cỗ đầy, sơn hào hải vị, nhưng không thể thiếu được bánh chưng và bánh giầy.

Phong tục cổ truyền

Phong tục gói bánh chưng, bánh giầy gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng tổ tiên vào dịp Tết Nguyên đán và những lễ hội cổ truyền. Bánh chưng, bánh giầy là hai thứ bánh thể hiện sự tri ân công đức tổ tiên của người dân Việt Nam với sự thành kính và tấm lòng thơm thảo. Hình ảnh bánh chưng, bánh giầy hiện hữu trên bàn thờ tổ tiên là minh chứng cho sự bảo tồn văn hoá, cho đạo đức của người dân đất Việt đối với tổ tiên.

Trong ký ức của mỗi người, những ngày giáp tết, cả nhà quây quần cùng nhau gói bánh chưng thật đầm ấm. Nhất là ở miền Bắc, trong không khí mùa đông lạnh lẽo, cả gia đình quây quần chuẩn bị các nguyên liệu gói bánh, tiếng hàn huyên vang khắp khoảng sân vườn. Bên bếp lửa hồng, cả nhà trông nồi bánh chưng sôi sùng sục toả hương thơm của gạo hoà vào vị thơm lá dong. Dư vị đặc trưng khó nói thành lời. Có lẽ vì thế mà phong tục gói bánh chưng ngày tết còn có ý nghĩa kết nối tình cảm các thành viên trong gia đình.

ADQuảng cáo

Mỗi người con khi xa quê hương, cả năm lao động vất vả, những ngày giáp tết, được cùng trở về ngôi nhà bình yên, hoà mình vào tình thân để gói bánh chưng là điều tuyệt vời nhất. Hình ảnh những đứa trẻ trải chiếu nằm bên bếp lửa canh nồi bánh chưng, rồi được ông bà, bố mẹ gói cho những chiếc bánh chưng nhỏ xinh là ký ức không thể nào phai nhạt trong tâm hồn của những người sinh ra và lớn lên nơi thôn quê ngày nào.

Sức sống trường tồn

Bước vào thời đại công nghệ 4.0, nhiều giá trị văn hóa có nguy cơ mai một và thất truyền. Thế nhưng, phong tục gói bánh chưng ngày Giỗ Tổ, ngày tết không bị mất đi, mà sẽ được duy trì. Ở vùng đất Tổ, những chiếc bánh chưng, bánh giầy không chỉ là lễ vật dâng cúng, mà còn là vật phẩm trong những cuộc thi gói bánh do cộng đồng làng xã tổ chức. Phần thi gói bánh chưng, giã bánh giầy là một nội dung diễn ra sôi động, thu hút đông đảo các nghệ nhân, người dân tham gia.

Ở không gian đó, con người được hòa mình vào miền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt để cùng nhau làm nên những chiếc bánh dẻo thơm. Ở đó, con người như được gắn kết, dù quen biết hay xa lạ, không phân biệt giàu nghèo, địa vị. Bởi lẽ, tất cả đều hướng tâm thành của mình vào chiếc bánh với tâm niệm thể hiện sự thành kính, tấm lòng hướng về nguồn cội, tổ tiên. Việc gói bánh chưng không đơn thuần là giá trị vật chất mà gói ghém trong đó biết bao điều. Người già mong muốn con trẻ có những trải nghiệm về văn hoá để thêm yêu thương, gắn bó với gia đình, tự hào về truyền thống của dân tộc.

e9c78a7(1).jpg
Bộ đội, người dân xã biên giới Đắk Wil, huyện Cư Jút gói bánh chưng tại Ngày hội bánh chưng xanh tháng 1/2024

Tại Đắk Nông, những ngày giáp tết, tại các xã biên giới, các cơ quan ban ngành phối hợp tổ chức Ngày hội bánh chưng xanh. Tại đây, bộ đội, các hội đoàn thể, Nhân dân các dân tộc quây quần bên nhau thi làm bánh chưng, vừa khơi dậy nét đẹp truyền thống của dân tộc vừa tạo không khí gắn bó giữa các đơn vị lực lượng vũ trang và các dân tộc trên địa bàn. Những chiếc bánh chưng sau đó được trao tận tay những gia đình còn khó khăn để tết đến, xuân về người nghèo thêm ấm lòng.

Những năm gần đây, nhằm hướng học sinh đến những trải nghiệm văn hoá cổ truyền của dân tộc, nhiều nhà trường ở các địa phương, đủ các cấp học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, mỗi khi tết đến xuân về đã tổ chức các hoạt động ngoại khoá gói bánh chưng.

Tại không gian sân trường những ngày giáp tết, không khí dậy lên hương vị tết xưa bởi thầy và trò các nhà trường cùng nhau gói bánh bánh chưng, nấu bánh ngay tại sân trường rồi lấy những chiếc bánh đó dành tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Theo các giáo viên, học sinh ngày nay rất cần được giáo dục qua hoạt động trải nghiệm về những phong tục truyền thống. Trong đó, gói bánh chưng là nét đẹp văn hoá của dân tộc mà các em cần được hiểu.

9071f(1).jpg
Cô và trò Trường mầm non Hoa Bưởi, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa trải nghiệm gói bánh chưng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Nghề gói bánh chưng, bánh giầy tồn tại và phát triển qua nhiều thập niên. Với bí quyết gia truyền, niềm say mê với những chiếc bánh chưng thơm ngon, đậm vị, các thế hệ truyền trao, giữ gìn và là nghề để kiếm kế sinh nhai. Ngày nay, không khó để ta bắt gặp những chiếc bánh chưng, bánh giầy dẻo thơm bán ở thị trường để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức ẩm thực dân tộc.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bánh chưng, bánh giầy trong đời sống dân tộc là ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân đất Việt. Có như thế, ý nghĩa triết lý, những bài học từ câu chuyện dâng lễ vật bánh chưng, bánh giầy của hoàng tử Lang Liêu trong thời đại Hùng Vương mới có sự lan toả và trường tồn với thời gian.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảo thơm "trời tròn, đất vuông"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO