Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Khắc Mai, cùng các ĐBQH tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Khắc Mai chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt ra 5 quan điểm, trong đó, nhấn mạnh tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Kế hoạch cũng bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội, các mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.
Cơ cấu lại nền kinh tế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện đồng bộ, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa trung ương với địa phương. Đây là bước đi cần thiết để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cơ bản nhất trí với tờ trình, báo cáo thẩm tra của Quốc hội, đồng thời mong muốn Chính phủ cần có sự đánh giá, làm rõ những hạn chế, để có giải pháp tập trung triển khai hiệu quả giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế; có giải pháp cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị-nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trọng tâm là có giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, tháo gỡ rào cản trong huy động, phân bổ nguồn lực. Việc phân bổ nguồn lực không dàn trải nhưng tránh tập trung ưu tiên cho các vùng miền mà vì cái chung phát triển của quốc gia.
Chính phủ cần có giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực con người, nguồn lực từ tài nguyên khoáng sản; đồng thời tăng cường đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế…để có thể hấp thu tốt nhất các nguồn lực phát triển.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đóng góp ý kiến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia |
Đại biểu cũng đề nghị cần đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, tăng trưởng xanh…Chính phủ có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề cao, để không chỉ đáp ứng yêu cầu lao động trong nước mà còn cho xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước, chống biến đổi khí hậu cần ưu tiên cơ cấu phát triển nông nghiệp.
Đóng góp ý kiến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025), đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa dự kiến quy hoạch với các quy hoạch có liên quan.
Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường của quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất. Để có đầy đủ căn cứ thực hiện thu hồi đất, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh.
Mặt khác, để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011-2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi.
Đặc biệt, Chính phủ có giải pháp giải quyết vấn đề dân di cư tự do vào Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng. Đây là một trong những nguyên nhân, áp lực đối với Tây Nguyên trong việc giữ rừng, quản lý đất rừng, trồng lại rừng, nâng độ che phủ rừng...