Tháo gỡ khó khăn cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đặng Dương| 14/05/2023 16:03

Tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông. Địa phương đang huy động các biện pháp "trợ lực" cho hoạt động.

"Nợ" nhà, "nợ" đường vì vướng quy hoạch

Những ngày đầu tháng 4, gia đình chị H'Chên (xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vui mừng về sống trong căn nhà mới sau nhiều năm liền sống trong căn nhà xuống cấp, hư hỏng.

Ngoài số tiền 40 triệu đồng được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị H'Chên còn được vay vốn chính sách 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.

Cùng với chị H'Chên, 4 hộ nghèo khác trên địa bàn xã Nam Nung cũng được hỗ trợ tiền và vay vốn ưu đãi. Tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi gia đình sẽ đối ứng thêm một số tiền để hoàn thiện căn nhà.

Tuy nhiên, không được may mắn như xã Nam Nung, nhiều địa phương của tỉnh Đắk Nông đang gặp khó khi triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tháo gỡ khó khăn cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 1

Do quy hoạch phát triển du lịch nên xã Đắk Som đang "nợ" nhà của hộ nghèo. Ảnh: Đặng Dương

Theo UBND xã Đắk Som (huyện Đắk Glong), hiện tỉnh Đắk Nông đang thực hiện quy hoạch để phát triển du lịch tại khu vực hồ Tà Đùng, nơi được ví là "Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên". Chính vì thế, từ năm 2022 đến nay, xã Đắk Som không thể xây dựng các công trình mới, từ đó dẫn đến việc xã "nợ" gần 20 căn nhà của hộ nghèo.

Ông Lê Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Đắk Som - cho biết hiện địa phương vẫn còn nhiều hộ nghèo và có nhu cầu về nhà ở. Song do vướng hoạch nên không thể xây dựng nhà cho các hộ dân. Hiện nay, nhiều căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng người dân vẫn phải chờ "tháo gỡ" vướng mắc.

Tháo gỡ khó khăn cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 2

Dù thuộc diện được hỗ trợ nhà ở, nhưng 2 năm nay, chị H'Hồng vẫn chưa được xây nhà mới. Ảnh: Đặng Dương

Tương tự, đường liên xã Đắk N'Drung - Nâm N'Jang cũng chưa thể triển khai do vướng quy hoạch dự án khai thác bô xít. Đây là tuyến đường có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện biên giới Đắk Song, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo UBND huyện Đắk Song, dự án nâng cấp đường giao thông liên xã Nâm N'Jang - Đắk N'Drung được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cuối năm 2021. Dự án có tổng mức đầu tư 19,8 tỷ đồng.

Sau khi rà soát, dự án này được xác định nằm trong khu vực quy hoạch thăm dò khoáng sản bô xít. Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, UBND huyện Đắk Song xin cấp trên cho phép tiếp tục triển khai dự án.

Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông không đồng ý với chủ trương này; đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh tạm dừng dự án để xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản phúc đáp rằng quy hoạch dự  án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, tỉnh Đắk Nông phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Dự án vì thế vẫn phải tiếp tục dừng triển khai.

Kích thích tư tưởng vươn lên của người dân

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện còn 11,19% hộ thuộc diện nghèo. Ở một số nơi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ý thức thoát nghèo của người dân vẫn chưa cao, một số hộ dân còn trông chờ, ý lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội nên hiệu quả giảm nghèo chưa thực sự nổi bật.

Tháo gỡ khó khăn cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 3

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện còn 11,19% hộ thuộc diện nghèo. Ảnh: Đặng Dương

Ông Lê Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Đắk Som - cho biết xã này có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần người dân có trình độ văn hóa thấp, ảnh hưởng ít nhiều tới công tác giảm nghèo của địa phương.

"Công tác giảm nghèo ở xã gặp một số trở ngại như người dân chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thiếu phân bón; giống cây trồng, vật nuôi chưa bảo đảm; tỷ lệ hộ cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao", ông Lê Văn Đại thông tin.

Cũng giống như Đắk Som, tình trạng nghèo sâu, nghèo kinh niên tập trung vào đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn của xã Hưng Bình (huyện Đắk R'lấp). Bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế, giải pháp khơi gợi ý thức thoát nghèo, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống được xã Hưng Bình đẩy mạnh.

Tháo gỡ khó khăn cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 4

Ý thức thoát nghèo của người dân vẫn chưa cao. Ảnh: Đặng Dương

Bà Vũ Bích Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Bình - đánh giá mặc dù đã triển khai nhiều chính sách như hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, vay vốn đầu tư, xóa nhà tạm, song ý thức thoát nghèo của người dân vẫn chưa cao.

"Một số hộ dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, chưa tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một số gia đình vẫn giữ thói quen sinh hoạt theo kiểu tự cung, tự cấp, chưa biết tích lũy nên tỷ lệ thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa cao", bà Điệp cho hay.

Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Đắk Nông phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên. Tỉnh này phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên. 

Để từng bước hoàn thành mục tiêu này, mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch số 219/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/an-sinh/thao-go-kho-khan-cho-cong-tac-giam-ngheo-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-20230511141139076.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/an-sinh/thao-go-kho-khan-cho-cong-tac-giam-ngheo-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-20230511141139076.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tháo gỡ khó khăn cho công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO