Sáng nay, 21/2, Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Trần Hồng Minh cho biết, lĩnh vực giao thông luôn giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, xóa bỏ khoảng cách địa lý, mở ra thị trường và không gian phát triển kinh tế mới cho đất nước, là công cụ tạo động lực tăng trưởng, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp dịch vụ, du lịch phát triển…
Với những nỗ lực của ngành, năm 2024, ngành xây dựng, vận tải và kho bãi ghi nhận đóng góp 12,5% GDP cả nước; trong đó ngành Xây dựng là 6,6%, ngành Vận tải là 5,9%; đóng góp 1,13 điểm % vào mức tăng trưởng 7,09% GDP cả nước.
Tháng 1/2025, ngành đã thử nghiệm kiểm tra ở các lĩnh vực như: Đơn cử như hàng không đạt được là 14,7%; đường thủy nội địa là 11,4%; vận tải đường bộ là 10,7; đường sắt thấp nhất là 1,27%.

Chúng ta thấy rõ năm 2025 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng; là năm tăng tốc, bứt phá về đích; là năm cuối để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; là năm chuẩn bị để củng cố những yếu tố nền tảng làm tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, thực hiện Nghị quyết số 25, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện mục tiêu đạt tăng trưởng cả nước là 8% trở lên, để đáp ứng tăng trưởng GDP cả nước là 8%, Bộ Xây dựng đã đề ra các giải pháp để đạt được những mục tiêu được giao:
Thứ nhất, về hoạt động xây dựng các công trình giao thông: Để đạt được tăng trưởng GDP 8% cả nước, GDP của ngành Xây dựng phải đạt được 8,95%, trong đó đóng góp khoảng 0,59 điểm % vào mức tăng trưởng 8% GDP của nền kinh tế cả nước. Theo thống kê những năm qua, GDP lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông chiếm khoảng 10%-15% GDP của ngành Xây dựng. Để đạt được mục tiêu đề ra, tăng trưởng GDP của lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông ở mức 18% so với năm 2024, tương đương khoảng 110.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các tuyến đường mới trong năm 2025 dự kiến giải ngân đạt khoảng 128.000 tỷ đồng; bảo đảm đóng góp vào tăng trưởng của cả nước từ 0,6 điểm % trong tổng số 8% GDP của cả nước.
Thứ hai, về hoạt động vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hàng hải, để đạt được tăng trưởng GDP của cả nước là 8% thì giá trị GDP vận tải, kho bãi phải đạt được tối thiểu 13,5% so với năm 2024 và đóng góp 0,8 điểm % vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Về các giải pháp, theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, về thể chế, hiện nay còn Luật Đường sắt sắp tới sẽ được xem xét thông qua, chúng tôi tiếp tục tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về môi trường để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực; tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc của nhiều dự án để giải phóng nguồn lực.
Về giải ngân vốn, mục tiêu là giải ngân 100%. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư, gắn rõ trách nhiệm với người đứng đầu.
Triển khai các dự án đầu tư làm sao để hoàn thành các mục tiêu như trên 3.000 km đường bộ, 1.000 km đường biển, hoàn thành cơ bản Cảng Hàng không Long Thành.
Về hoạt động vận tải: Tập trung vào lĩnh vực hàng hải, đường thủy, đường bộ, đường không, đẩy mạnh đường sắt; đồng hành cùng các doanh nghiệp để xác định các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từ đó hỗ trợ tháo gỡ.