Xe tăng Merkava của quân đội Israel tham gia cuộc tập trận ở vùng Thượng Galilee, miền Bắc Israel. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 26/10, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Benny Gantz nói rằng cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza sẽ là một giai đoạn của cả chặng đường dài và sẽ kéo dài nhiều năm, bao gồm các lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao và xã hội.
Ngoài ra, ông Gantz - thành viên Nội các mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thành lập trong thời gian xung đột với Hamas, cũng cho rằng sẽ phải mất hàng năm liền để có thể khôi phục đời sống dân sinh và khắc phục hậu quả ở miền Nam Israel sau vụ tấn công của Phong trào Hồi giáo Hamas hôm 7/10.
Trong khi đó, do lo ngại cuộc xung đột Hamas-Israel có thể lan rộng ở trong và ngoài khu vực Trung Đông, ngày 26/10, Điện Kremlin đã kêu gọi các nước cần tiếp tục nỗ lực để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể đạt được đồng thuận về một nghị quyết cân bằng liên quan đến cuộc xung đột giữa Hamas và Israel.
Trả lời báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói: “Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để đạt được một bản dự thảo cân bằng.”
Ông Peskov cũng nói thêm rằng việc chỉ trích một bên trong bất kỳ dự thảo nào là không thỏa đáng.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bế tắc trong việc đưa ra một nghị quyết về vấn đề trên.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 25/10, dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất đã không được nhất trí thông qua tại Hội đồng Bảo an khi chỉ có 10 quốc gia tán thành.
Đây là lần thứ hai Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể nhất trí về dự thảo nghị quyết về cuộc xung đột Hamas-Israel.
Trước đó, hôm 16/10, bản dự thảo do Nga đề xuất cũng đã vấp phải sự phủ quyết của Mỹ, Anh, trong khi Pháp và Nhật Bản nằm trong số các nước bỏ phiếu trắng.
Dự kiến, ngày 26/10, các nhà lãnh đạo liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận về những biện pháp nhằm kêu gọi các bên ngừng bắn, mở đường để viện trợ nhân đạo đến được Dải Gaza. Sau nhiều ngày thảo luận trước đó, dự thảo tuyên bố chung của khối mà hãng tin AFP có được đề cập đến lời kêu gọi tạm ngừng bắn và tạo điều kiện để thiết lập hành lang nhân đạo.
Tuy nhiên, ngày 26/10, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki cho rằng rằng đề xuất của EU về tạm ngừng bắn là không thỏa đáng vì sẽ không đảm bảo hàng viện trợ có thể đến được với người dân.
Trả lời báo chí trong khuôn khổ chuyến công du để gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở Hà Lan, Ngoại trưởng Palestine cũng kêu gọi Israel nhất trí sẽ ngừng bắn hoàn toàn ở Dải Gaza nhằm đảm bảo khai thông các hoạt động viện trợ khẩn cấp đến dải đất này.
Hiện Liên hợp quốc đang kêu gọi các bên liên quan đạt được lệnh ngừng bắn, mà không phải tạm ngừng bắn.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết ông đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đảm bảo việc cung cấp dịch vụ và vật tư y tế đến người dân ở Dải Gaza chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột.
Trong bức thư gửi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 25/10, Bộ trưởng Koca cho rằng WHO cần thúc đẩy nỗ lực hơn nữa.
Kể từ khi xảy ra xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động 9 máy bay chở hàng viện trợ đến Dải Gaza thông qua ngả Ai Cập./.