Ban quản lý dự án - Quỹ đất huyện nơi ông Ngô Thanh Việt (Quảng Nam) công tác được giao làm chủ đầu tư một số công trình trên địa bàn huyện. Hiện nay, trong quá trình triển khai xây dựng các công trình, chủ đầu tư gặp trường hợp sau:
Liên danh A+B tham gia đấu thầu 1 công trình (A thực hiện 85% công việc, B thực hiện 15% công việc theo thỏa thuận liên danh) và trúng thầu. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, A đã hoàn thành đúng phần công việc của mình, tuy nhiên B do vi phạm pháp luật nên đã bị Công an tỉnh tạm giam để phục vụ điều tra nên không có khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng nữa. Chủ đầu tư đề xuất 2 phương án xử lý đối với phần khối lượng công việc chưa thực hiện của B như sau:
Phương án 1: Nếu A có khả năng đáp ứng yêu cầu đã nêu trong hồ sơ mời thầu đối với phần công việc của B thì có thể xem xét cho phép A thực hiện tiếp phần công việc của B chưa thực hiện và bảo đảm những công việc được thay thế không làm phát sinh chi phí thực hiện hợp đồng so với hợp đồng đã ký kết.
Phương án 2: Nếu A không có khả năng đáp ứng yêu cầu đã nêu trong hồ sơ mời thầu thì đề xuất với chủ đầu tư về việc bổ sung nhà thầu C thay thế nhà thầu B để tiếp tục thực hiện phần công việc của B, bảo đảm tiến độ và hiệu quả công việc.
Căn cứ trên đề xuất của nhà thầu A, nếu nhà thầu C đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, tài chính và kỹ thuật theo hồ sơ mời thầu thì chủ đầu tư ký kết phụ lục hợp đồng với nhà thầu C để thay thế công việc của nhà thầu B. Đồng thời, nhà thầu C phải thực hiện công việc bảo đảm chất lượng, không làm phát sinh các chi phí so với hợp đồng ban đầu các bên thỏa thuận.
Nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình đã được phê duyệt, đồng thời để sớm đưa công trình vào sử dụng để bảo đảm hiệu quả đầu tư, ông Việt đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn chủ đầu tư xử lý trường hợp nêu trên.
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Việc quản lý, thực hiện hợp đồng xây dựng theo nội dung hợp đồng đã ký kết, phù hợp hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất, tuân thủ quy định pháp luật áp dụng cho hợp đồng.
Do nội dung câu hỏi không nêu chi tiết về nguồn vốn áp dụng và thời điểm ký kết hợp đồng liên danh nên Bộ Xây dựng không đủ cơ sở để hướng dẫn cụ thể về căn cứ pháp lý áp dụng cho hợp đồng.
Theo đó, đề nghị các bên căn cứ nội dung hợp đồng đã ký, thỏa thuận liên danh, các hồ sơ hợp đồng khác có liên quan, thực tiễn triển khai để quyết định phương án tổ chức thực hiện hợp đồng trên cơ sở tham khảo, vận dụng, áp dụng quy định về xử lý tình huống trong đấu thầu (Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu), quy định về hợp đồng thầu phụ (Khoản 2 Điều 47 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng) hoặc các quy định pháp luật khác có liên quan, bảo đảm năng lực hoạt động, an toàn, tiến độ, hiệu quả đầu tư của dự án, tuân thủ quy định pháp luật và không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.