Thanh niên khuyết tật Đắk Nông tỏa sáng nghị lực Việt
Những thanh niên khuyết tật ở Đắk Nông nỗ lực vươn lên, cố gắng lao động và rèn luyện, khẳng định giá trị bản thân, truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Đạt thành tích cao trong thể thao
Năm 2000, khi đang ở Đà Nẵng, chị Lê Thị Thu Hiền bị tai nạn giao thông khiến bản thân bị mất 1 bên chân. Vụ tai nạn khiến cô gái trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc sống và công việc. Sau thời gian dài điều trị, chị Hiền dần phục hồi và tham gia tập luyện đánh cầu lông để tìm niềm vui trong thể thao, rèn luyện sức khỏe.
Thấy năng khiếu của chị, Trung tâm Thể dục thể thao dành cho người khuyết tật Đà Nẵng đã mời chị tham gia đội tuyển để tập luyện và thi đấu cho trung tâm. Năm 2017, chị Hiền vào Đắk Nông sinh sống cùng gia đình tại tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa. Thay đổi môi trường sống, chị Hiền vẫn cố gắng sắp xếp thời gian, vượt qua khó khăn về sức khỏe để tham gia luyện tập và thi đấu cầu lông.
Đến nay, chị Hiền đã 5 lần tham dự ASEAN Para games (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á) và giành được 4 huy chương bạc. Mới đây, chị Hiền được Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Nông tuyên dương là gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2024.
Chị Hiền tâm sự: "Tai nạn giao thông đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi. Mọi ước mơ, hoài bão và dự định hoàn toàn bị thay đổi. Tôi dần chấp nhận thực tế và đối diện với khiếm khuyết để tìm lại niềm tin, tạo dựng loại hoài bão của mình. Đây cũng là cơ duyên đưa tôi đến với môn cầu lông và trở thành vận động viên".
Do Đắk Nông chưa có đội tuyển và điểm tập luyện chính cho vận động viên người khuyết tật nên chị Hiền vẫn đang đầu quân thi đấu cho đội Đà Nẵng. "Tôi mong rằng có thể tập hợp các bạn khuyết tật có năng khiếu, đam mê thể thao của tỉnh Đắk Nông để giao lưu, tham gia thi đấu tại các giải đấu lớn trong và ngoài nước", chị Hiền mong muốn.
Vượt khó đi đến ước mơ
“Nếu nói người nghèo có xuất phát điểm từ con số 0 thì điểm xuất phát của tôi là số âm”, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Huyền, ở xã Đức Minh, huyện Đắk Mil với đôi tay, đôi chân không được lành lặn từ lúc sinh ra.
Gạt đi những tự ti, chị Huyền đã tập trung vào việc học, nỗ lực không ngừng để thi đậu vào đại học tại khoa Công nghệ phần mềm, Đại học Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh. Cố gắng trong học tập, chị Huyền còn gặp nhiều khó khăn vì tình trạng sức khỏe khi 3 lần phải phẫu thuật “mổ sống” do đôi chân không phản ứng với thuốc tê.
Không cho phép mình gục ngã, chị Huyền vẫn tiếp tục học tập, làm việc và tìm kiếm những con đường khác để đạt ước mơ của bản thân, xây dựng giá trị bản thân, kiếm tiền để báo hiếu cho bố mẹ.
Từ một người khuyết tật, chị Huyền đã không ngừng nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Hiện tại, chị Huyền là chuyên viên đào tạo Content SEO (nghề viết nội dung trên các kênh truyền thông), tiktoker và là cô giáo chủ nhiệm lớp tình thương Nhật Thiện. Chị Huyền có 20 nhân viên cùng tham gia thực hiện các dự án lớn nhỏ như thiết kế web, chạy quảng cáo, viết bài SEO… Chị Huyền đạt được nhiều giải thưởng, được Hội LHTN Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Nông tuyên dương và trở thành người truyền cảm hứng cho mọi người.
Chị Huyền chia sẻ: "Tôi mong rằng mỗi bạn trẻ ở Đắk Nông và khắp nơi luôn giữ trong mình ngọn lửa đam mê, sự kiên trì và lòng tin rằng chúng ta đều có khả năng vượt qua mọi giới hạn. Không có gì là không thể nếu bạn đủ quyết tâm. Nếu bạn cảm thấy mình không đủ “chuẩn” để thành công, hãy nhớ rằng ngay cả một chiếc xe lăn cũng có thể trở thành một chiếc “siêu xe” nếu bạn biết cách lái. Khuyết tật chỉ bất tiện chứ không hề bất hạnh. Chim cánh cụt vẫn có thể bay nếu chúng ta có đủ niềm tin và nghị lực. Tôi làm được, các bạn làm được, chúng ta đều có thể làm được".
Đồng hành với thanh niên khuyết tật
Những năm qua, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm đồng hành, định hướng, hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, các thanh niên yếu thế, thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng trong cuộc sống.
Tổ chức đoàn, hội các cấp quan tâm hỗ trợ học bổng, tặng quà, trang thiết bị cần thiết giúp các thanh niên yếu thế, thanh niên khuyết tật vươn lên trong học tập, rèn luyện. Các đơn vị thường xuyên động viên, khuyến khích thanh niên yếu thế tham gia học nghề, hỗ trợ vốn vay, tạo sinh kế để giúp họ có công việc, thêm thu nhập cho bản thân. Những chương trình, hoạt động trên không chỉ hỗ trợ vật chất mà còn động viên tinh thần, truyền cảm hứng, giúp các thanh niên yếu thế, thanh niên khuyết tật tự tin hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống.
5 năm qua, các cấp bộ đoàn, hội tỉnh Đắk Nông tổ chức 75 hoạt động hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo lập thân, lập nghiệp; 56 hoạt động hỗ trợ thanh niên yếu thế; 119 hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; 15 cuộc tư vấn sức khỏe, pháp luật, kỹ năng; 22 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho thanh niên công nhân… với tổng giá trị các hoạt động gần 1 tỷ đồng, thu hút 37.000 lượt thanh niên tham gia.
Anh Phạm Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Nông cho biết, tại tỉnh Đắk Nông, đã có nhiều thanh niên khuyết tật bằng nghị lực phi thường đã vươn lên khẳng định giá trị bản thân khi có nhiều đóng góp cho xã hội. Cùng các chương trình, hoạt động đồng hành, hỗ trợ, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Nông đã tổ chức tuyên dương, lan tỏa các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu trên địa bàn. Các anh chị là những người truyền cảm hứng, không chỉ cho cộng đồng người khuyết tật mà còn cho toàn xã hội, khẳng định rằng mỗi con người đều có giá trị và khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.