Thanh niên khởi nghiệp từ các mô hình chăn nuôi

Đức Hùng| 26/03/2020 09:42

Mạnh dạn, triển khai các mô hình chăn nuôi bài bản, nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công, đưa lại nguồn thu nhập cao.

ADQuảng cáo

Thu nhập ổn định từ nuôi thỏ

Chỉ với hơn 20 triệu đồng vốn đầu tư mô hình chăn nuôi thỏ, sau hơn 7 tháng, anh Nguyễn Xuân Linh (SN 1988), ở thôn 3, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) đã có nguồn thu nhập ổn định từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Giống thỏ New Zealand có thể nặng từ 3 - 4 kg

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường Đại học Đà Lạt, thay vì xin việc ở nơi khác, anh Linh đã về nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế. Đến tháng 8/2019, Linh đầu tư chuồng nuôi thỏ sau khoảng thời gian mày mò, tìm hiểu kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng và trị bệnh cho thỏ. Linh chia sẻ, mô hình nuôi thỏ đến với anh khá tình cờ. Có người quen cho một cặp thỏ về nuôi chơi, qua quá trình chăm sóc, anh thấy thỏ phát triển tốt, thức ăn, cách phòng bệnh đơn giản. Thỏ sinh sản nhanh và nhiều, có thể phát triển thành mô hình chăn nuôi thỏ thịt. Từ đó, anh quyết định đầu tư chăn nuôi thỏ một cách bài bản, quy mô.

Linh bắt tay xây dựng mô hình nuôi thỏ dựa trên hệ thống chuồng trại chăn nuôi heo trước đây của bố mẹ để lại. Chỉ hơn 20 triệu đồng, anh đầu tư mua 30 con thỏ giống New Zealand và xây dựng khu chăn nuôi thỏ quy mô 45 lồng sắt và hệ thống máng ăn, cấp nước uống tự động. Chuồng nuôi thỏ được đặt cách mặt bê tông khoảng 50 - 60 cm. Trên mỗi mặt chuồng có bảng ghi thông tin từng con thỏ như ngày nuôi, ngày sinh sản, ngày lấy giống.

Các thông số được ghi trên mỗi chuồng nuôi

Anh Linh cho biết, thỏ New Zealand là loài mắn đẻ. Thỏ giống sau 5-6 tháng thì bắt đầu sinh sản. Bình quân mỗi năm thỏ sinh sản từ 6-7 lứa, mỗi lứa trung bình từ 5-7 con. Thỏ con sinh trưởng nhanh, sau 1 tháng có thể bán thỏ giống, sau 3 tháng bán thỏ thịt. Loại thỏ thịt nặng trung bình 2,5 - 4 kg. Thỏ vừa nuôi con, vừa mang bầu, nên từ 5 - 15 ngày sau sinh đã có thể phối lứa mới, nên khả năng tăng đàn là rất nhanh. Vừa bán thỏ thịt, thỏ giống, vừa gây đàn, đến nay anh Linh đang có tổng đàn thỏ trên 400 con.

Theo kinh nghiệm của anh Linh, nuôi thỏ chỉ cần chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông thì thỏ sẽ phát triển tốt. Thỏ rất nhạy cảm, nên cần lưu ý thức ăn cho thỏ để tránh các bệnh đường ruột. Thức ăn chủ yếu của thỏ hiện nay là một số loại cám có độ đạm thấp và các loại lá cây như: lá vông, lá mít, cỏ... Ngoài ra, để phòng bệnh cho thỏ, anh Linh trồng chè để cho thỏ ăn phòng bệnh đau bụng.

Hệ thống nước uống của thỏ được anh Linh tự thiết kế tự động, vừa cung cấp nước sạch vừa đỡ tốn công thay nước

Linh cho hay, nhiều người cho rằng thỏ không cần uống nước là sai lầm vì nó rất cần nước để trao đổi chất. Thỏ chết không phải do uống nước hay ăn cỏ ướt mà vì uống phải nước bẩn và ăn rau bị nhiễm độc. Mỗi ngày thỏ cần từ 0,1 – 0,5 lít nước sạch. Về thức ăn, mỗi con thỏ cần lượng thức ăn bằng 30 – 40% trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Sau 12 giờ, thức ăn không được thỏ ăn hết cần loại bỏ và thay thức ăn mới để tránh ôi thiu, ẩm mốc làm thỏ bị tiêu chảy.

Công việc nuôi thỏ tương đối nhàn hạ, có thu nhập khá cao

Hiện nay, để phục vụ đa dạng khách hàng trên địa bàn, Linh vừa bán giống vừa bán thỏ thịt. Loại thỏ thịt được anh bán với giá 80 ngàn đồng/kg. Với việc cung cấp cho các nhà hàng, hộ gia đình, mỗi tháng anh Linh bán ra thị trường từ 1,5 - 2 tạ thỏ thịt và khoảng 10 cặp thỏ giống (từ 100 - 150 ngàn đồng/kg thỏ giống), mang lại nguồn thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng sau trừ chi phí.

Linh cho biết với số lượng thỏ này, gia đình anh chỉ cần một nhân công cho thỏ ăn, vệ sinh chuồng trại và chuẩn bị thức ăn cho thỏ, công việc rất nhàn. Trong thời gian tới, Linh sẽ tiếp tục mở rộng mô hình và tận dụng diện tích đất sẵn có trồng các loại cây để tạo nguồn thức ăn cho thỏ, giảm thức ăn công nghiệp, từng bước chuyển dần mô hình sang nuôi thỏ hữu cơ.

ADQuảng cáo

Thành công với mô hình nuôi dúi

Chỉ sau hai năm, anh Hán Sơn Trường, sinh năm 1990, ở thôn Nam Ninh, xã Nâm N'Đir (Krông Nô), đã phát triển thành công mô hình nuôi dúi, đem lại mức thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Sau khi học hết lớp 10, Trường đi học nghề cơ khí với dự định mở cơ sở sửa chữa xe ô tô. Nhưng khi học xong, về địa phương thấy nhu cầu không lớn, tiềm năng ít, nên Trường tìm hướng khác lập nghiệp.

Năm 2012, sau khi mua được 40 con dúi của người dân với giá 5 triệu đồng, Trường dành 1 khoảng đất chừng 50m2 làm chuồng nuôi. Ngay khi bắt tay vào nuôi dúi, Trường vấp phải khó khăn do thiếu kinh nghiệm, dúi phát triển chậm. Việc ghép đôi dúi để nhân giống cũng khó khăn, nên con đực và con cái không giao phối được.

Mô hình nuôi dúi đang cho thấy phù hợp với thanh niên khởi nghiệp tại địa phương

Thất bại trong việc nhân giống khiến việc nuôi dúi của Trường trở nên bế tắc. Không nản chí, Trường tìm hiểu thông tin trên mạng internet, mày mò học hỏi kỹ thuật, cách nuôi dúi. Qua đó, Trường hiểu được quá trình phát triển của dúi, nhất là quá trình ghép con đực, con cái để có những điều chỉnh cách nuôi phù hợp. Sau nhiều ngày tháng "ăn ngủ với dúi", Trường đã nhân giống thành công, dúi liên tục tăng đàn và phát triển tốt. Từ đây, Trường tuyển lựa những con dúi giống chất lượng để ghép đôi, sinh sản.

Trường cho biết, phải qua thế hệ F3, dúi mới phát triển ổn định, sinh sản và chăm con tốt trong môi trường chuồng nuôi. Năm 2018, Trường đã đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô 300m2 và duy trì 500 cặp dúi giống và dúi thịt. Chuồng nuôi ở vị trí yên tĩnh, kín gió, không để nắng chiếu trực tiếp. Trong chồng, Trường sử dụng gạch ốp nền nhà để ngăn thành từng ô cho mỗi con dúi. Đây là cách làm đơn giản nhưng rất hiệu quả vì hạn chế được khả năng đục khoét, đào bới của dúi. Trường chia sẻ kinh nghiệm: "Hai điều cần chú ý khi nuôi dúi là chuồng trại phải tốt (vì liên quan đến môi trường sống cho dúi) và thứ hai là con giống phải thuần chủng".

Thức ăn cho dúi sẵn có trong tự nhiên

Về quá trình sinh trưởng, khi nuôi được 7 - 8 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Trong quá trình ghép đôi, cần theo dõi thường xuyên, nếu hai cá thể không xung đột, cắn nhau thì ghép đôi với nhau. Sau ghép đôi 15 ngày phải tiến hành tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm...

Theo Trường, mỗi năm dúi sinh sản 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con. Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng đạt khoảng 500-700g, dúi thương phẩm nuôi 8 tháng xuất chuồng có trọng lượng đạt từ 1 - 1,2 kg. Thức ăn cho dúi chủ yếu thân cây tre, mía, cỏ voi, bắp hạt khô… Nói chung, nguồn thức ăn cho dúi rất sẵn có tại địa phương, có thể tận dụng để chăn nuôi.

Đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô, nên thường 3 - 5 ngày mới phải dọn chuồng một lần. Dúi chịu lạnh tốt. Mùa hè có thể phun sương trên mái che tạo nhiệt độ dưới 330C để dúi sinh trưởng, phát triển tốt. Để chủ động lượng thức ăn cho dúi, Trường đã trồng 3 sào mía và thuê nhân công lên rừng chặt tre 2 lần mỗi tháng để cung cấp thêm cho dúi. Bên cạnh đó, mỗi tuần Trường cho dúi ăn thêm xương heo, xương trâu, bò hoặc giun đất để cung cấp thêm khoáng chất.

Nuôi dúi tốn ít công, thời gian chăm sóc

Thịt dúi thuộc diện món ăn đặc sản, thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Trong khi đó, dúi là con vật dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, gia đình Trường đang bán cho các đầu mối thu mua dúi thịt và dúi giống với giá 500 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của Trường, năm vừa qua, doanh thu của mô hình nuôi dúi của anh đạt khoảng 700 triệu đồng, trong đó trừ 150 triệu chi phí.

Anh Trần Anh Ba, Phó Bí thư Huyện đoàn Krông Nô đánh giá, mô hình nuôi dúi của Trường là điểm sáng về khởi nghiệp hiệu quả của thanh niên trên địa bàn huyện. Một trong những ưu điểm lớn của mô hình này là chuồng trại đơn giản, kỹ thuật nuôi không khó, thức ăn có thể tận dụng và sẵn có tại địa phương và hiệu quả kinh tế mang lại là rất lớn. Thời gian qua, mô hình nuôi dúi của Trường đã trở thành điểm thăm quan, học tập kinh nghiệm khởi nghiệp của nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. "Trường là thanh niên cởi mở và sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật nuôi dúi cho các thanh niên muốn khởi nghiệp bằng nuôi dúi", anh Ba cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên khởi nghiệp từ các mô hình chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO