Đất và người Đắk Nông

Thanh niên dân tộc thiểu số vươn lên với nghề từ quê hương Đắk Nông

Minh Huyền-Y Krăk 31/03/2023 05:00

Thời gian qua, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đắk Nông đã không quản ngại khó khăn, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế. Họ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và là tấm gương, động lực cho nhiều than niên khác tự tin vươn lên xây dựng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả. 

ADQuảng cáo

Cô gái M’nông thoát nghèo từ rượu cần

Theo lời giới thiệu của Bí thư Huyện đoàn Đắk R’lấp, từ trung tâm thị trấn Kiến Đức, chúng tôi vượt qua con đường dài khoảng 15km để đến được nhà chị Thị Hà Ri Na, dân tộc M’nông, thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở bon Jráh, xã Nghĩa Thắng. Đến đây chúng tôi mới thấy được hết sự nỗ lực vươn lên của chị Thị Hà Ri Na và gia đình. Không cam chịu đói, nghèo nơi vùng quê cằn cỗi, chị đã tìm mọi cách để phát triển kinh tế gia đình.

Sau khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó có nghề làm rượu cần, năm 2017, chị bắt đầu làm rượu cần với số lượng 50 ché/lần, vừa để giữ nghề truyền thống và có thêm thu nhập cho gia đình. Nhận thấy hiệu quả, năm 2019, chị mạnh dạn vay vốn thanh niên khởi nghiệp đầu tư thêm 200 ché để làm rượu cần và kinh doanh chuối hột.

Để có rượu cần ngon, Thị Hà Ri Na không sử dụng men rượu bán ngoài chợ mà dùng men truyền thống của người M’nông, được làm từ vỏ và lá cây rừng. Gạo nấu rượu cần phải là mới, đem nấu chín, đổ ra nia để thật nguội rồi mới trộn đều men, sau đó cho vào ché ủ từ 10-15 ngày là có rượu cần. Rượu cần ủ (để trong ché) càng lâu thì càng thơm, ngon đậm đà.

Đến nay, chị đã xây dựng thành công thương hiệu “Rượu cần M’nông” với số lượng 50-100 ché/lần nấu. Giá bán từ 500.000-1.500.000 đồng/ché, tùy theo kích cỡ lớn, nhỏ. Mỗi năm, chị làm rượu cần từ 2-3 lần, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

071555img_5027(1).jpg
Chị Thị Hà Ri Na khởi nghiệp từ làm rượu cần, mang lại thu nhập kinh tế khá cao

Thời gian qua, “Rượu cần M’nông” của Thị Hà Ri Na được giới thiệu, tham gia các cuộc thi do đoàn thanh niên, hội phụ nữ tổ chức. Chị vinh dự được các cấp đoàn thanh niên, hội phụ nữ công nhận là đoàn viên, hội viên khởi nghiệp tiêu biểu.

Bên cạnh đó, chị còn thu mua, sơ chế, đóng gói chuối hột phục vụ người dân trong vùng.

070932img_5074(1).jpg
Chuối hột được Thị Hà Ri Na phơi khô, đóng gói để phục vụ khách

Chị Thị Hà Ri Na chia sẻ: Để có được mô hình kinh tế phát triển như hôm nay, tôi đã tích cực tham gia các hoạt động đoàn, được Đoàn xã tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả khác. Do vậy, tôi đã có hướng đi đúng, cùng gia đình vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế.

070914hin1(1).jpg
Rượu cần M’nông của chị được giới thiệu, tham gia các cuộc thi do đoàn, hội tổ chức
ADQuảng cáo

Chàng trai người Nùng xây nhà mới từ 2 cặp dê

Đến thăm mô hình chăn nuôi dê của anh Hà Văn Cương, thôn Tây Sơn, xã Long Sơn (Đắk Mil), nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước mô hình nuôi dê của chàng thanh niên 28 tuổi. Đặc biệt, đây là mô hình chăn nuôi dê kiểu mẫu tại vùng đất khó Long Sơn.

Nhận thấy nhiều loại cây như mít, gòn, keo dậu... được người dân cắt tỉa cành bỏ đi, lại rất phù hợp để nuôi dê, năm 2015, anh Cương bắt đầu tìm hiểu thông tin và tự học tập kỹ thuật chăn nuôi dê ở các tài liệu và trên mạng. Trên diện tích 150 m2, anh Cương đầu tư xây dựng chuồng nuôi dê khá bài bản. Sàn nuôi dê cách mặt đất khoảng 1m, bảo đảm độ khô ráo, thoáng mát.

Theo anh Cương, dê chủ yếu ăn cỏ, lá cây, rau và các phụ phẩm nông nghiệp như bắp, chuối… Ngoài thành phần thức ăn xanh, anh còn bổ sung thêm thức ăn công nghiệp cho dê nhanh lớn.

152712dsc_6855(1).jpg
Mô hình nuôi dê của anh Hà Văn Cương mang lại nguồn thu nhập ổn định

Anh Cương kể lại: “Vào năm 2017, với số tiền tích góp được từ những năm đi làm, cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ, tôi đầu tư khoảng 12 triệu đồng để mua 2 cặp dê giống. Ban đầu, do chưa quen nên dê bị bệnh. Tôi tìm đọc thông tin, nghiên cứu kỹ về các bệnh có thể gặp đối với dê để rút kinh nghiệm. Nhờ đó, quá trình chăn nuôi về sau thuận lợi hơn do kiểm soát và xử lý kịp thời các bệnh tật”.

Vài năm sau, khi đã tích lũy được kinh nghiệm chăn nuôi, anh Cương được vay vốn từ "Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" 100 triệu đồng để nhân rộng đàn dê. Qua thời gian chăm sóc gây đàn, vừa bán thịt, đàn dê của anh Cương đã có khoảng 150 con, trong đó có hơn 40 con dê sinh sản. Mỗi năm anh xuất bán 2-3 lứa với khoảng 100 con dê giống, dê thịt.

152704dsc_6881(1).jpg
Với nỗ lực lập thân, lập nghiệp, năm 2021, anh Cương đã tự tay gây dựng ngôi nhà khang trang gần 1 tỷ đồng

Anh Hoàng Dầu Quý, Bí thư Đoàn xã Long Sơn đánh giá: “Mô hình nuôi dê của anh Hà Văn Cương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Ngoài ra, anh Cương còn tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệp sản xuất, chăn nuôi cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Thời gian tới, đoàn xã sẽ tiếp tục hỗ trợ để nhiều thanh niên trong xã tiếp cận nguồn vốn, mở rộng quy mô sản xuất”.

Có thể thấy, bằng sự sáng tạo và khát khao lập thân, lập nghiệp, không riêng chị Thị Hà Ri Na, anh Hà Văn Cương,... mà còn có nhiều thanh niên DTTS đã có những bước đi vững chắc hơn, trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương.

152658dsc_6874(1).jpg
Anh Cương được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen gương học tập và làm theo lời Bác giai đoạn 2018 - 2020

Theo Tỉnh đoàn Đắk Nông, thời gian qua, các cấp đoàn, hội đã tập trung hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực, với những việc làm cụ thể, như: Hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; hỗ trợ thanh niên nông thôn xây dựng dự án... Từ những việc làm cụ thể trên cùng với sức trẻ, khát khao khởi nghiệp, thanh niên DTTS đã thực hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại thu nhập cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên dân tộc thiểu số vươn lên với nghề từ quê hương Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO