Thanh niên dân tộc thiểu số nỗ lực vì cộng đồng
Theo Tỉnh Đoàn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có khoảng 151.000 thanh niên, trong đó, thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 32%.

Theo Tỉnh Đoàn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có khoảng 151.000 thanh niên, trong đó, thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 32%.


Hình ảnh những thanh niên DTTS miệt mài lao động, sản xuất, với những công trình thanh niên, giúp dân phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa trên cao nguyên M’nông đã trở thành câu chuyện đẹp. Họ không chỉ là lực lượng xung kích trong các phong trào đoàn mà còn là những người dám nghĩ, dám làm, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nhận thức rõ vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế, nhiều bạn trẻ DTTS tại Đắk Nông đã không ngừng học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Họ mạnh dạn khởi nghiệp, cải tạo vườn tạp, phát triển mô hình nông nghiệp sạch, chế biến nông sản để nâng cao giá trị kinh tế.
Một trong những mô hình tiêu biểu là Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên phát triển kinh tế xã Ea Pô, huyện Cư Jút. Thành lập từ năm 2022, CLB đã hỗ trợ nhiều đoàn viên thanh niên DTTS tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã ra đời như trồng cây ăn trái, chăn nuôi dê, dế, trồng nấm…

Theo đó, khi tham gia CLB, mỗi thành viên đóng 1,5 triệu đồng/người/tháng để gây quỹ . Nguồn quỹ này sẽ được CLB xem xét, cho các thành viên vay xoay vòng với số vốn vay từ 10 - 50 triệu đồng trong vòng 3 năm với lãi suất 0,65%/tháng.
Từ nguồn vốn vay, bạn trẻ địa phương đã được trợ lực để phát triển kinh tế với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ phong phú, hiệu quả như: nuôi dê, dế, heo, trồng cây nông nghiệp, dịch vụ vệ sinh…

Anh Phan Anh Tuấn, Chủ nhiệm CLB Thanh niên phát triển kinh tế xã Ea Pô, huyện Cư Jút cho biết, từ 10 thành viên ban đầu, đến nay CLB có 39 thành viên tham gia sinh hoạt. Các thành viên đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tích cực, cần cù lao động để vươn lên trong cuộc sống. Không những vậy, họ còn chia sẻ, hướng dẫn cho nhiều bạn trẻ khác cùng nhau phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả. Trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục phát triển thêm thành viên; cùng với đó, học hỏi, áp dụng những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên và năng lực của các thành viên.

Nhiều thanh niên DTTS trong tỉnh đã dám nghĩ, dám làm, tìm tòi nhiều hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho bản thân và gia đình.
Điển hình như chị Mã Thị Tuyết Sương, dân tộc Tày, tổ dân phố 6, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa. Sau khi biết được mô hình trồng nấm, chị Tuyết Sương chủ động tìm hiểu thị trường tiêu thụ, liên kết đầu ra. Chị Sương trồng nấm theo hướng nông sản sạch, không hóa chất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Sau khi ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, năm 2024, gia đình chị Tuyết Sương đầu tư mô hình trồng nấm với diện tích trên 500m2. Các loại nấm được trồng gồm nấm bào ngư xám, nấm mèo, nấm linh chi. Thời gian trồng nấm bào ngư xám khoảng 2-2,5 tháng là thu hoạch; nấm mèo là 2,5 tháng; nấm linh chi khoảng 2,5-3 tháng là cho thu hoạch.
Vụ đầu tiên, chị trồng 20.000 phôi nấm bào ngư xám, đạt sản lượng 6.000kg khô, thu nhập gần 250 triệu đồng; nấm linh chi với số lượng 20.000 phôi, đạt sản lượng 400kg khô, thu nhập hơn 190 triệu đồng; nấm mèo với số lượng 30.000 phôi, đạt sản lượng 2.400 kg nấm khô, thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Bên cạnh sự nỗ lực, tự thân của các thanh niên, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn lập nghiệp từ các cấp Đoàn thanh niên cũng đã giúp nhiều bạn trẻ tự tin hơn trên con đường phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình.
Anh Hà Văn Cương (dân tộc Nùng), xã Long Sơn, huyện Đắk Mil còn tận dụng đất trống để trồng cỏ, phát triển đàn dê, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Ban đầu, anh Cương nuôi 6 con dê Boer lai và dê địa phương, tận dụng đất vườn để trồng cỏ làm thức ăn cho dê. Năm 2020, anh được vay 100 triệu từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông để đầu tư, mở rộng chuồng trại lên khoảng 3.000 m2 và phát triển thêm đàn dê. Nhờ làm chuồng trại cao ráo, cung cấp đủ thức ăn, nước uống, tiêm phòng đầy đủ nên đàn dê của anh phát triển nhanh, chất lượng thịt cao.

Năm 2024, anh đã hoàn trả lại vốn vay thanh niên khởi nghiệp. Hiện anh Cương nuôi thường xuyên hơn 300 con dê thương phẩm, dê giống để cung cấp cho người có nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn huyện. Với giá bán dê hiện nay là 130.000 – 140.000 đồng/kg, mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh Cương thu được khoảng 300 triệu đồng từ bán dê thịt và phân dê.





-----
Anh Trần Việt Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Nông cho biết, những năm qua, tổ chức đoàn, hội trong tỉnh đều tập trung hỗ trợ đoàn viên, thanh niên nói chung, thanh niên DTTS nói riêng khởi nghiệp, lập nghiệp ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, Tỉnh đoàn phát huy tốt vai trò cầu nối trong kết nối, hỗ trợ nguồn vốn vay giúp thanh niên DTTS phát triển kinh tế. Tổ chức đoàn tạo điều kiện cho các bạn trẻ DTTS tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế; chuyển giao khoa học công nghệ, giới thiệu việc làm cho thanh niên…

-----




Bên cạnh phát triển kinh tế, nhiều bạn trẻ DTTS còn ý thức được vai trò của mình trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tại các bon làng ở Đắk Nông, nhiều thanh niên DTTS đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa truyền thống, tổ chức các lớp học cồng chiêng, múa dân gian, dệt thổ cẩm để giữ gìn nét đẹp của dân tộc mình. Những lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, cúng bến nước, mừng sức khỏe, kết nghĩa bon làng… được duy trì với sự tham gia tích cực của lớp trẻ.

Đội Văn nghệ dân gian (VNDG) buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút hiện có 20 thành viên tham gia sinh hoạt, chủ yếu là các thanh niên. Vào các ngày cuối tuần, các thành viên cùng với nghệ nhân trong buôn luyện tập đánh cồng chiêng, mỗi khi địa phương có hoạt động gì thì tiếng cồng chiêng, điệu hát Ay ray lại ngân vang khắp buôn làng.

Đội văn nghệ hoạt động chủ yếu theo các nhóm như: Hát và truyền dạy các bài hát dân ca Ê đê; chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ; đánh cồng chiêng và sáng tác những bài chiêng mới; ẩm thực; dệt thổ cẩm; đội múa… Đặc biệt, với sự luyện tập không mệt mỏi, đội Đội VNDG buôn Nui đã đi biểu diễn nhiều tại các lễ hội, hội thi, hội diễn tại địa phương, tỉnh, khu vực và đạt nhiều thành tích cao.

Tương tự, Đội VNDG liên bon Bu Đắk-Sar Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil được thành lập trên cơ sở tập hợp những người yêu thích văn hóa truyền thống của người M’nông gồm 30 thành viên, chủ yếu là thanh niên. Ngoài việc tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức thì đội còn truyền dạy cho các bạn trẻ trong bon làng. Các đoàn viên thanh niên trong đội thường xuyên tham gia biểu diễn các hoạt động văn hóa truyền thống M’nông như đánh cồng chiêng, hát dân ca, múa xoang… tại các lễ hội văn hóa.

Anh Y A Rôn, Bí thư Đoàn xã, Chủ nhiệm Đội VNDG liên bon Bu Đắk-Sar Pa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil cho hay: “Chính niềm đam mê cồng chiêng, múa hát đã đưa các thành viên tụ họp, quây quần bên nhau để cùng học hỏi kinh nghiệm, truyền cho nhau nhiều kỹ năng biểu diễn quan trọng. Mỗi thành viên cũng tích cực trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng”.

-----
Không dừng lại ở đó, nhiều bạn trẻ còn tận dụng mạng xã hội để quảng bá văn hóa dân tộc. Những video về cách dệt thổ cẩm, làm rượu cần, cách đánh cồng chiêng hay các bài dân ca M’nông, Ê Đê, Mạ… được chia sẻ rộng rãi, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Anh Y Phích Priêng (SN 1992, dân tộc Ê đê), buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút hiện nay đang phát triển nhiều mô hình kinh tế đa dạng với thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm. Trong đó, Y Phích rất tâm huyết với việc làm rượu cần Ê đê, phần vì tăng thu nhập, nhưng phần chính là để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình.

Theo Y Phích, nguyên liệu để rượu cần thường là gạo, ngô, củ sắn hoặc chuối mốc.... trấu và men rượu. Cách phổ biến nhất hiện nay chính là từ gạo. Gạo được trộn với trấu tỷ lệ một phần hai, sau khi được nấu chín, cơm được rải ra nia. Men rượu được bóp nhuyễn rồi trộn đều.

Men rượu được làm từ nhiều nguyên liệu, trong đó có lá, rễ cây rừng là công thức riêng của từng người hoặc mua men sẵn có. Sau khi trộn đều với men rượu, nguyên liệu được cho vào ché, ở đáy và miệng ché có một lớp trấu. Sau đó ché được bịt kín bằng lá dong hoặc lá chuối đã hơ nóng cho mềm và mang đi ủ... Sau khi ủ từ 1 tháng trở lên là uống được và càng lâu rượu càng ngon. Với nghề làm rượu cần truyền thống, mỗi năm Y Phích có thêm thu nhập trên 50 triệu đồng.
Mong muốn giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, chị H’Her, bon Bu Đắk, xã Thuận An, huyện Đắk Mil đã chọn khởi nghiệp, phát triển nghề dệt may, đưa sắc màu thổ cẩm gắn với văn hóa truyền thống của người đồng bào M’nông vươn xa.

Sau khi hoàn thành khóa học may tại địa phương, chị H’Her đã chọn may trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc làm hướng đi cho riêng mình. Từ những mẫu truyền thống cộng với sự nghiên cứu, sáng tạo của bản thân, chị H’Her đã tự thiết kế, cắt may những chiếc váy, áo cách tân đẹp mắt, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Tiệm may của chị H’Her cung cấp vải thổ cẩm; may, thiết kế váy dự tiệc, áo dài thổ cẩm cùng các loại túi, ví, vật dụng nhỏ xinh từ thổ cẩm khác. Chị H’Her kết nối, tập hợp nghệ nhân, các bạn trẻ có tay nghề, cùng đam mê ở địa phương tham gia dệt, may thổ cẩm cung cấp vải cho cơ sở của mình. Với mẫu mã đa dạng, độc đáo, ưa nhìn, các sản phẩm của chị H’Her dần được mọi người biết đến, tìm mua.
“Qua các sản phẩm thổ cẩm, tôi muốn giữ gìn, phát huy và duy trì để mọi người biết nhiều hơn về thổ cẩm của người M’nông. Từ đó, mọi người, nhất là người M’nông thêm yêu mến và biết giữ gìn văn hóa, phong tục tập quán, đồ truyền thống của dân tộc. Mỗi sản phẩm làm ra được sự tin dùng, ủng hộ của khách hàng là nguồn động lực to lớn để tôi tiếp tục cố gắng, tạo thêm nhiều sản phẩm độc đáo, đẹp mắt hơn nữa”, chị H’Her cho hay.

Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên DTTS, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ về giáo dục, khởi nghiệp, tạo việc làm và nâng cao nhận thức chính trị. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần tiếp tục đồng hành, giúp đỡ để họ có thêm cơ hội cống hiến và phát triển.

Từ những nỗ lực không ngừng, thanh niên DTTS đang từng ngày làm đẹp thêm bức tranh quê hương, xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp hơn. Những đóng góp của họ không chỉ là hiện tại mà còn là tương lai vững bền cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện: Bảo Ngọc - Phong Vũ