Kinh tế

Thanh niên Đắk Nông lan tỏa giá trị sản phẩm OCOP

Hưng Nguyên 27/02/2024 - 06:03

Nhiều thanh niên Đắk Nông đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo ra các sản phẩm OCOP, góp phần tạo thu nhập, phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo

Anh Trần Văn Phú gắn bó với mảnh đất Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp từ khi còn nhỏ. Anh quen với nỗi vất vả của người nông dân trồng cà phê. Anh Phú đã tự mày mò, học hỏi và vận động nhiều thành niên địa phương thay đổi thói quen canh tác cà phê. Từ đó, cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu, sản phẩm cà phê đặc sản mang thương hiệu Đắk Ru.

frd(1).jpg
Cà phê bột đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của HTX Nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Ka

Anh đã giúp nhiều thanh niên trên địa bàn từ bỏ thói quen thu hoạch cà phê đại trà, chú trọng tới chất lượng, thu hái quả chín 100%. Họ cũng được hướng dẫn sơ chế và chế biến cà phê chuyên sâu để cho ra sản phẩm mang hương vị đặc trưng của vùng đất Đắk Ru.

Anh Phú đã thành lập HTX Nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Ka, với hơn 40 thành viên tham gia. HTX có vùng nguyên liệu 100ha cà phê. HTX đã cung cấp cà phê chất lượng cao ra thị trường và xây dựng thành công sản phẩm cà phê bột Fine Robusta Dak Nong (FRD) đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được thị trường đón nhận.

Anh Trần Văn Phú chia sẻ: "Tôi muốn đóng góp sức mình vào việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương. HTX đang từng bước nâng cao giá trị nông sản và kết nối tiêu thụ ổn định, tạo thu nhập cho người dân".

Tương tự, năm 2017, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa bắt đầu hành trình khởi nghiệp với dự án chế biến hạt mắc ca.

Nhận thấy mắc ca có tiềm năng lớn, năm 2018, chị Hương quyết định đầu tư thiết bị, máy móc để chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

ADQuảng cáo
kn3-1-.jpg
Sản phẩm trái cây sấy khô của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông)

Sản phẩm mắc ca sấy của chị Hương dần được người tiêu dùng đón nhận. Thành công ban đầu đã tạo niềm tin giúp chị Hương tìm tòi nghiên cứu, chế biến các loại trái cây sấy khô khác như: mít, sầu riêng, măng cụt…

Đến nay, các sản phẩm trái cây sấy thăng hoa của chị Hương đã có mặt ở hầu hết các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam. Công ty đã sở hữu 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao gồm: mắc ca, mít, sầu riêng, măng cụt.

Chị Hương cho biết: "Tôi mong muốn sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm đặc trưng để kết nối tiêu thụ, giúp người sản xuất có thể dễ dàng tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho các loại cây trồng".

Chương trình OCOP ra đời vào năm 2018 để phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Từ khi chương trình ra đời đến nay, Đắk Nông đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, hướng tới mục tiêu góp phần tạo ra nhiều sản phẩm OCOP cho địa phương.

Theo anh Trần Việt Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Nông, các tổ chức đoàn luôn đồng hành, hỗ trợ các thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Thông qua các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại do tổ chức đoàn các cấp thực hiện, nhiều sản phẩm OCOP của thanh niên được biết đến nhiều hơn. Từ đó gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài nước.

dji_fly_20240125_145232_714_1706169311405_photo_optimized(1).jpg
Nhiều người trẻ tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, từng bước khẳng định được giá trị trên thị trường

Đắk Nông hiện có 95 sản phẩm OCOP của 79 chủ thể được công nhận, trong đó có 16 sản phẩm 4 sao, 79 sản phẩm 3 sao. Tỉnh có 2 sản phẩm đang đề nghị cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP mà chủ thể là của những thanh niên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên Đắk Nông lan tỏa giá trị sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO