Tháng Tám về thăm quê Bác

Lam Giang| 01/09/2016 10:33

Một ngày giữa tháng Tám lịch sử, hòa trong dòng người ngược xuôi từ khắp mọi miền đất nước, chúng tôi về thăm quê Bác Hồ-xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Mới hơn 8 giờ sáng, Cụm di tích Hoàng Trù (hay còn gọi là làng Chùa - quê ngoại của Bác) đã có khá nhiều người dân từ khắp nơi đổ về.

Đông đảo du khách tham quan quê ngoại Bác Hồ

Cái nắng nóng oi ả của mảnh đất miền Trung không ngăn nổi tâm trạng háo hức của dòng người trên khắp các lối đi, từ những cụ già râu tóc bạc phơ đến những em nhỏ mới chập chững biết đi. Từng đoàn người kiên nhẫn đội nắng xếp hàng nghiêm trang nối nhau chờ đến lượt vào thăm ngôi nhà nơi Bác sinh ra. Ai cũng hồi hộp mong chờ được tận mắt ngắm nhìn những kỷ vật gắn bó với thời niên thiếu của một vĩ nhân-vị Cha già của dân tộc Việt Nam.

Bước qua cổng với liếp tre đơn sơ là con ngõ dẫn lối vào nhà, với bờ rào bằng chè mạn hảo, cây dâm bụt được cắt tỉa ngay ngắn, kế bên là những luống khoai lang, đậu xanh mướt. Bên trong ngôi nhà 3 gian ở quê ngoại-nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời và trải qua những ngày thơ ấu vẫn còn lưu giữ những kỷ vật quý, như khung cửi dệt vải, bộ phản, chiếc án thư, chiếc rương gỗ, chiếc võng gai...

Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách các kỷ vật gắn bó với tuổi thơ của Bác tại quê ngoại

Rời Hoàng Trù quê ngoại, men theo con đường uốn lượn chạy vắt qua những cánh đồng xanh yên ả, chúng tôi đến làng Sen quê nội khi nắng mỗi lúc một gắt hơn. Vẫn những hình ảnh quen thuộc là hàng người nối tiếp nhau đội nắng về thăm những địa danh, kỷ vật gắn bó với Bác như: Nhà Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác), giếng Cốc, lò rèn Cố Điền, nhà cụ cử Vương Thúc Quý (thầy dạy học khai tâm của Bác), Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Ngôi nhà lá 5 gian đơn sơ nằm nép mình dưới những tán cây xanh ở quê nội là nơi đã chứng kiến sự trưởng thành của các anh chị em Bác. Ngôi nhà vốn được bà con làng Sen cất công dựng nên để mừng ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, theo phong tục của làng. Chính tại nơi này, đã nuôi dưỡng lòng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc và nhân cách vĩ đại của Người-Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trực tiếp chiêm ngưỡng những hiện vật gắn liền với cuộc sống sinh hoạt bình dị hàng ngày của Bác Hồ thời thơ ấu, được nghe giọng kể ngọt ngào đậm chất xứ Nghệ của cô hướng dẫn viên duyên dáng, những kỷ niệm về gia đình Bác hiện lên sinh động đã giúp du khách càng hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nghe nhắc đến những kỷ niệm lần về thăm quê, về những hy sinh thầm lặng của Bác cũng như tình cảm sâu nặng của Người đối với quê hương...

Cây mít sau nhà gắn liền với tuổi thơ Bác Hồ ở quê ngoại

Trong số những người đến thăm Khu di tích lịch sử Kim Liên, có người là lần đầu tiên, có người đã đến nhiều lần, nhưng tất cả đều chung một tâm trạng bồi hồi, xúc động.

Bà Nguyễn Thị An, đến từ Hải Dương chia sẻ: "Đã sống quá nửa đời người, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có dịp về thăm quê Bác. Xúc động lắm khi được ngắm nhìn những kỷ vật, vật dụng sinh hoạt trong gia đình Bác, giản dị, gần gũi và thân thương”.

Anh Trần Phong Vũ, một du khách đến từ Quảng Bình tâm sự: “Từ thời học sinh, khi được tuyên dương Cháu ngoan Bác Hồ, chúng tôi đã được thầy cô giáo đưa về thăm quê Bác. Lần này, trở lại, tôi đưa con, cháu đến tham quan để các cháu hiểu thêm về cuộc đời của Bác Hồ và mong muốn các cháu luôn nuôi dưỡng lòng yêu nước cũng như tinh thần vượt khó, vươn lên”.

Tháng Tám về thăm quê Bác, không chỉ đến với “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống yêu nước, với những câu chuyện cảm động về Bác Hồ mà đó còn là sự trở về với những hình ảnh bình dị, thân thương của làng quê Việt Nam xưa, với những tình cảm ấm áp, thân tình của người dân Kim Liên hôm nay.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/thang-tam-ve-tham-que-bac-49067.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/van-hoa/thang-tam-ve-tham-que-bac-49067.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Tháng Tám về thăm quê Bác
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO