Chính trị

Tháng Ba về đất Tổ

Hà Nhung 17/04/2024 19:34

Vào những ngày đầu tháng 3 âm lịch, hàng triệu con Lạc cháu Hồng đều hướng về Đền Hùng trên đỉnh núi linh thiêng Nghĩa Lĩnh, ở xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thắp nén tâm hương, tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

ADQuảng cáo

Qua bao đời nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm, tạo động lực, sức mạnh, sự đoàn kết để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và phát triển.

Linh thiêng cội nguồn dân tộc

Phú Thọ, vùng đất cội nguồn dân tộc, nơi các Vua Hùng khởi nghiệp sơn hà, dựng đất đóng đô và khởi nguồn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức diễn ra từ ngày 9 - 18/4 (tức 1 – 10/3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

h4-5f761900a519990bc470135e2a5e1031.jpg
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn du khách quyét mã QR tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để tìm hiểu thông tin về lịch sử, kiến trúc, văn hóa

Những ngày này, Đền Hùng đang dịp chính hội. Trong tiết trời xuân mát mẻ, thi thoảng có lất phất mưa, từng đoàn du khách về đỉnh núi Nghĩa Lĩnh hành hương ngày càng đông. Mỗi người một tâm trạng, nhưng trên khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, mong ước được thắp nén tâm nhang để bày tỏ lòng biết ơn, sự thành kính với tổ tiên.

Đứng dưới bóng cây cổ thụ, nhìn dòng người hối hả, nối đuôi nhau thành hàng dài, bước theo từng bậc đá dẫn lên Ðền Hùng, ông Hà Đức Lưu, ở Yên Bái cùng con cháu về hành hương chia sẻ: Hàng năm, vào dịp này, tôi cùng con cháu đều về đây dâng nén hương thơm thảo lên các Vua Hùng và các bậc tiền nhân, bày tỏ tấm lòng tri ân, biết ơn các bậc tiền bối đã vất vả gây dựng nên non nước này. Được chứng kiến tận mắt hàng triệu đồng bào, du khách về đất Tổ dâng hương Vua Hùng, tìm hiểu đời sống tâm linh, với nguồn cội của dân tộc, tôi càng thêm yêu, tự hào về lòng yêu nước, sự đoàn kết của dân tộc Việt.

h2.jpg
Đông đảo du khách thập phương hành hương về đất Tổ

Theo trình tự, du khách thập phương đến thắp hương, vái Tổ tại Đền Thượng (nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh), cũng là ngôi đền nằm ở vị trí cao nhất. Tiếp đến là Đền Trung - nơi các vua Hùng thuờng họp bàn việc nước cùng các Lạc hầu, Lạc tướng; rồi đến Đền Hạ- ngôi đền được xây dưới triều nhà Lê (khoảng thế kỷ 17-18). Ngoài ra, còn rất nhiều đình, đền, miếu... thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về miền Đất Tổ vào dịp tháng Ba, khi những bông hoa gạo nở đỏ rực cả một góc trời, du khách còn được nghe, thưởng thức các làn điệu hát Xoan có từ thủa các Vua Hùng dựng nước, chất chứa nội dung, ngợi ca công đức các Vua Hùng và những người có công với làng, với nước và trở thành nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang ý nghĩa cội nguồn không thể thiếu trong các lễ hội và trong cuộc sống của người dân đất Tổ.

h5-5f5b6b2f2002bdcccc991f8290b4726e.jpg
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc được trình diễn tại Lễ hội Đền Hùng phục vụ Nhân dân và du khách khi về hành hương, vãn cảnh

Những giai điệu Xoan mượt mà, sâu lắng được các nghệ nhân thể hiện với tấm lòng thành kính của con dân đất Việt với Vua Hùng, với tổ tiên. Niềm tự hào ấy lại được nhân lên khi hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2017.

Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm nay, Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hát Xoan, tạo điều kiện cho du khách trong nước và ngoài nước có dịp được thưởng thức di sản qua các cuộc liên hoan hát Xoan tại Ðền Hùng và tại các làng Xoan cổ, phường Xoan gốc nhằm gắn với điểm du lịch di sản văn hóa tại TP. Việt Trì như : Miếu Lãi Lèn (xã Kim Ðức); đình Hùng Lô (xã Hùng Lô); đình An Thái (xã Phượng Lâu)...

Nét độc đáo trong lễ hội Đền Hùng

Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, trong đó, phần lễ gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ (diễn ra vào ngày 14/4, tức ngày 6/3 âm lịch); Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương (diễn ra vào ngày 18/4, tức ngày 10/3 âm lịch); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, diễn ra suốt từ ngày 9 - 18/4 (mùng 1 - 10/3 âm lịch)...

Phần hội với điểm nhấn là Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ có nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, hấp dẫn, thu hút khách du lịch, như: Trình diễn hát Xoan làng cổ tại các phường Xoan gốc An Thái, đình Thét, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô; giải bóng chuyền các đội mạnh tranh cúp Hùng Vương; Hội chợ thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP; Hội thi bơi chải mở rộng tại hồ Công viên Văn Lang, TP. Việt Trì; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Đặc biệt là chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao tại hồ Công viên Văn Lang, diễn ra vào tối 17/4 (ngày 9/3 âm lịch)…

Từ những ngày đầu khai hội, trên khắp nẻo đường của đất Tổ Hùng Vương, đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, lòng người cũng hân hoan, đón chào du khách. Các hoạt động kinh doanh – dịch vụ thương mại cũng sẵn sàng phục vụ, tận tình, chu đáo và an toàn.

new-cac-hoat-dong-gio-to.jpg

Trong khuôn khổ các hoạt động nghệ thuật, văn hóa, thể thao phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng, từ ngày 1/3 âm lịch, Phú Thọ đã khai mạc Hội trại văn hóa và trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương. Mỗi trại văn hóa được thiết kế mang đậm nét truyền thống của từng vùng, tái hiện khung cảnh sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Trong mỗi trại, bố trí khu vực trưng bày tranh ảnh, tư liệu, giới thiệu về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá tiềm năng du lịch và trưng bày, giới thiệu nông sản, hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP địa phương như: Chè xanh, mật ong rừng, thịt chua, bưởi... để phục vụ người dân, du khách.

h8(1).jpg
Du khách được tham quan, thưởng thức các sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ tại khu vực đồi Núi Bùng, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

Ngoài ra còn có các hoạt động trưng bày hiện vật, di sản tư liệu, sách báo, tư liệu ảnh tại Thư viện tỉnh Phú Thọ, Bảo tàng Hùng Vương; Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì Livemusic” tại Công viên Văn Lang; Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ; đánh trống đồng, đâm đuống tại Nhà công quán ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng khẳng định: Tỉnh Phú Thọ tập trung cao độ chỉ đạo để bảo đảm lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc. Phần hội kết hợp hài hòa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, các sự kiện thể thao và du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về thăm viếng Đền Hùng.

h1-310f01e0d8b2c6a80d9c4cd6741df792.jpg
Trình diễn hoạt động giã bánh giầy tại Hội trại huyện Thanh Ba

Những hoạt động sôi nổi hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Cũng theo Ban tổ chức Lễ hội, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, hậu cần, lưu trú, ăn nghỉ, an toàn vệ sinh thực phẩm...được chú trọng triển khai, bảo đảm cho du khách được an toàn, vui vẻ trong chuyến hành hương về đất Tổ. Năm nay, Đền Hùng đã và sẽ đón hàng triệu du khách và Nhân dân về dâng hương, thăm quan vãn cảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng Ba về đất Tổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO