Bộ Tài chính Nga, ngày 6/6, cho biết nước này đã đạt thặng dư ngân sách cận biên trong tháng Năm, đưa thâm hụt ngân sách trong 5 tháng đầu năm xuống còn 3.410 tỷ ruble (41,9 tỷ USD).
Trong khoảng thời gian từ tháng 1-5/2022, Nga đạt thặng dư ngân sách 1.590 tỷ ruble (20 tỷ USD), nhưng các khoản chi hỗ trợ cho chiến dịch quân sự của nước này với Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga đã khiến ngân sách chính phủ cạn kiệt. Trong 5 tháng đầu năm nay, mức bội chi của Nga đã bằng 117% kế hoạch năm.
Bộ Tài chính Nga đã ngừng công bố dữ liệu chi tiêu ngân sách hàng tháng vào năm ngoái, nhưng dựa trên các số liệu công bố ngày 6/6, thặng dư ngân sách trong tháng Năm được xác định là 13 tỷ ruble (16 triệu USD).
Bộ này cho biết chi tiêu trong tháng Năm đạt mức thấp nhất trong năm nay, thấp hơn 1.100 tỷ ruble (140 triệu USD) so với tháng trước đó. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chi ngân sách 29.100 tỷ ruble (36 tỷ USD) của năm nay, Nga cần phải tiếp tục cắt giảm mạnh hơn nữa.
5 tháng đầu năm nay doanh thu từ các ngành phi dầu khí của Nga đã tăng hơn 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng doanh thu từ dầu và khí đốt quan trọng lại thấp hơn 49,6%, dẫn đến thu ngân sách giảm 18,5% và chi tiêu chính phủ tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhiều lần khẳng định thâm hụt ngân sách trong năm nay sẽ không vượt 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong thông báo ngày 6/6, Bộ Tài chính Nga cho biết chính phủ kỳ vọng doanh thu thuế từ lĩnh vực dầu mỏ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay, nhờ giá dầu tăng và động thái bán dầu dự trữ quốc tế để bù đắp phần doanh thu thâm hụt của Nga.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Nga sẽ chứng kiến thâm hụt ngân sách lớn hơn nhiều mục tiêu đề ra cho năm nay./.