Thảm họa tàu Titan: Vụ nổ trong lòng biển thảm khốc đến mức nào?

(Vietnam+)| 23/06/2023 17:34

Tuần duyên Mỹ nhận định các nạn nhân đã thiệt mạng trong một sự cố dường như là “một vụ nổ khủng khiếp” - khép lại cuộc tìm kiếm những người sống sót kéo dài một tuần được thế giới theo dõi sát sao.

Tham hoa tau Titan: Vu no trong long bien tham khoc den muc nao? hinh anh 1Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân OceanGate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hành trình được cho là kéo dài 10 giờ của tàu lặn Titan của hãng OceanGate đến xác tàu Titanic đã kết thúc trong thảm kịch, tất cả 5 hành khách trên chiếc tàu lặn mất tích đã thiệt mạng trong một vụ nổ thảm khốc.

Hải quân Mỹ đã phát hiện âm thanh của một vụ nổ vào ngày tàu Titan mất tích, và đến ngày 22/6, các đội cứu hộ xác nhận đã tìm thấy những mảnh vỡ của con tàu, ngay gần xác tàu Titanic.

Lực lượng Tuần duyên Mỹ nhận định các nạn nhân đã thiệt mạng trong một sự cố dường như là “một vụ nổ khủng khiếp” - khép lại cuộc tìm kiếm những người sống sót kéo dài một tuần được thế giới theo dõi sát sao.

Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra lúc này, khi các nhà chức trách tiếp tục tìm kiếm các mảnh vỡ, bao gồm đâu là thời điểm vụ nổ xảy ra, và chính xác là điều gì đã xảy ra với chiếc tàu ngầm.

Hãng tin CNN đề cập một số vấn đề sau:

Vụ nổ thảm khốc đến mức nào?

Một vụ nổ dưới nước có thể hiểu như một sự sụp đổ đột ngột hướng vào phần lõi con tàu, dưới áp suất cực lớn.

Không rõ Titan đang ở đâu và ở độ sâu bao nhiêu khi vụ nổ xảy ra, nhưng chúng ta biết xác tàu Titanic nằm ở độ sâu gần 4.000m dưới mực nước biển. Tàu Titan lặn được khoảng 1 giờ 45 phút, sau khi được hạ xuống khoảng 2 giờ, thì mất liên lạc.

Rick Murcar, Giám đốc Đào tạo Quốc tế tại Hiệp hội Quốc gia về Thợ lặn Hang động, cho biết ở độ sâu mà Titanic đang “yên nghỉ,” áp suất đạt tới 5.600 PSI - đồng nghĩa với việc mỗi mét vuông trên thân tàu Titan chịu sức ép khoảng 4.200 tấn - gấp hàng trăm lần áp suất trên mặt nước.

Aileen Maria Marty, cựu sỹ quan Hải quân và Giáo sư tại Đại học Quốc tế Florida, cho biết một vụ nổ thảm khốc sẽ diễn ra “nhanh kinh ngạc” chỉ trong vài phần nghìn giây. “Mọi thứ sẽ sụp đổ trước khi những người bên trong kịp nhận ra có vấn đề - nó không gây đau đớn,” bà nói.

Các chuyên gia cho biết sẽ khó có thể tìm thấy thi thể nào, trong khi Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho hay họ sẽ tiếp tục “tìm kiếm những gì có thể” trong “một môi trường cực kỳ khắc nghiệt dưới đáy biển.”

Điều gì tiếp theo?

Bên cạnh việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân, nhà chức trách cũng sẽ tiếp tục dò tìm đáy biển với hy vọng có thêm manh mối về nguyên nhân vụ nổ.

Cho đến nay, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã xác định được vị trí của mũi tàu Titan và một đầu vỏ kháng áp của nó trong một bãi mảnh vụn lớn. Đầu kia của vỏ kháng áp nằm trong một đám mảnh vụn thứ hai, nhỏ hơn.

Tom Maddox, Giám đốc Điều hành của Underwater Forensic Investigators, người từng tham gia cuộc thám hiểm Titanic năm 2005, cho biết: “Những gì họ sẽ làm bây giờ là trở lại địa điểm đó, cố gắng tìm ra dấu vết từ những ‘vụn bánh quy.’”

Theo ông Maddox, một số mảnh vỡ có thể vẫn trôi nổi và bị dòng hải lưu mang đi xa hơn. Vì vậy, việc quan trọng ngay bây giờ là cố gắng thu thập những mảnh vụn đó.

Nhìn lại các mốc thời gian

Đoàn thám hiểm khởi hành từ Newfoundland (Canada) hôm 16/6, tàu hỗ trợ Polar Prince đã đưa đoàn tới địa điểm nơi có tàu Titanic bên dưới.

Ngày 18/6, tàu Titan chở theo năm hành khách bắt đầu lặn.

Theo Miawpukek Maritime Horizon Services - công ty đồng sở hữu Polar Prince, nhóm thám hiểm bắt đầu lặn vào khoảng 9h sáng và lần cuối cùng họ liên lạc với “mặt nước” là lúc 11h47 sáng.

Nhóm dự kiến trở lại mặt nước vào 6h10 chiều, nhưng đã không trở lại; các nhà chức trách nhận thông báo vào 6h35 chiều, bắt đầu hoạt động cứu hộ.

Đã có một tia hy vọng ngắn ngủi sau khi có báo cáo rằng, các đội tìm kiếm hôm Thứ Ba đã nghe thấy những tiếng gõ, cứ 30 phút một lần, mặc dù không thể xác định được tiếng động phát ra từ đâu.

Nhưng chiếc tàu lặn chỉ được trang bị để cấp oxy trong vòng 96 giờ, vì vậy ngày Thứ Năm trở thành thời điểm then chốt cần phải xác định được vị trí và trục vớt con tàu. Đến chiều Thứ Năm, nhà chức trách xác nhận tàu lặn Titan đã phát nổ.

Hiện vẫn chưa rõ thời điểm chính xác khi con tàu nổ tung. Hải quân đã phát hiện một âm thanh có thể phát ra từ một vụ nổ vào Chủ Nhật, nhưng "không chắc chắn" có liên quan đến Titan hay không, vì vậy việc tìm kiếm những người sống sót hoặc và con tàu vẫn tiếp tục sau đó.

Lực lượng Tuần duyên Mỹ hôm Thứ Năm cho biết họ đã triển khai các phao sonar trong ít nhất 72 giờ - nghĩa là ít nhất từ hôm Thứ Hai trở đi - nhưng họ không ghi nhận bất kỳ dấu hiệu nào của vụ nổ.

Tham hoa tau Titan: Vu no trong long bien tham khoc den muc nao? hinh anh 2Tàu cứu hộ tham gia chiến dịch tìm kiếm tàu lặn Titan, ngày 22/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những ai đã ở trên tàu?

Năm người trên tàu gồm có giám đốc điều hành của công ty điều hành tour, một doanh nhân người Anh, một thợ lặn nổi tiếng người Pháp, một tỷ phú Pakistan và con trai của ông.

OceanGate Expeditions, hãng điều hành tàu Titan, hôm Thứ Năm cho biết họ tin rằng Giám đốc Điều hành Stockton Rush cùng các hành khách khác đã “mất tích,” và các nhân viên của hãng đã “kiệt sức và vô cùng đau buồn trước mất mát này.”

Rush, 61 tuổi, thành lập OceanGate vào năm 2009. Trong một loạt các cuộc phỏng vấn, Rush cho biết ông tin tưởng sâu sắc rằng đại dương, chứ không phải bầu trời, sẽ mang đến cho loài người cơ hội sống sót tốt nhất nếu có một ngày bề mặt Trái Đất không còn là nơi cư trú.

Theo tiểu sử của Rush, ông tốt nghiệp Đại học Princeton năm 1984 với bằng kỹ sư hàng không vũ trụ, giám sát “chiến lược tài chính và kỹ thuật” của công ty và đưa ra “tầm nhìn phát triển” về tàu lặn có người lái.

Doanh nhân người Anh Hamish Harding cũng có mặt trên tàu. Harding là Chủ tịch Action Aviation - một công ty môi giới máy bay có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, nhưng được biết đến nhiều hơn với những chuyến thám hiểm.

Ông từng là thành viên của phi hành đoàn đã phá kỷ lục thế giới đi vòng quanh địa cầu nhanh nhất qua cả hai cực Trái Đất; là một trong những người đầu tiên lặn xuống vực sâu Challenger ở Thái Bình Dương - nơi được tin là điểm sâu nhất trong các đại dương; ông cũng đã lên vũ trụ trong chuyến bay của Blue Origin; và là thành viên trong hai chuyến đi phá kỷ lục đến Nam Cực.

Thợ lặn người Pháp Paul-Henri Nargeolet đã có hàng chục năm kinh nghiệm thám hiểm tàu Titanic. Ông từng là giám đốc nghiên cứu dưới nước tại RMS Titanic Inc. - một công ty có độc quyền trục vớt cổ vật từ con tàu huyền thoại.

Theo website của công ty này, Nargeolet đã hoàn thành 35 lần lặn xuống xác tàu Titanic và giám sát việc thu hồi 5.000 hiện vật. Ông cũng từng có 22 năm phục vụ trong Hải quân Pháp.

Với gia đình Nargeolet, ông là một trong những nhà thám hiểm biển sâu vĩ đại nhất trong lịch sử. “Điều chúng tôi sẽ nhớ nhất ở ông là trái tim nhân hậu, tính hài hước và ông ấy yêu gia đình biết nhường nào.”

Cuối cùng, Shahzada Dawood và con trai Suleman Dawood của ông, xuất thân từ một gia đình kinh doanh nổi tiếng ở Pakistan.

Doanh nghiệp của họ - Dawood Hercules Corp. - là một trong những tập đoàn lớn nhất ở Pakistan, hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, hóa dầu, phân bón, công nghệ thông tin, thực phẩm và nông nghiệp.

Trong một phát biểu trực tuyến, thân nhân của hai cha con nói: “Xin hãy cầu nguyện cho những linh hồn đã khuất và gia đình chúng tôi trong thời gian đau buồn này.”./.

(Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/tham-hoa-tau-titan-vu-no-trong-long-bien-tham-khoc-den-muc-nao/870910.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/tham-hoa-tau-titan-vu-no-trong-long-bien-tham-khoc-den-muc-nao/870910.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thảm họa tàu Titan: Vụ nổ trong lòng biển thảm khốc đến mức nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO