Thuốc Fah Talai Jone bào chế từ thảo mộc đã được Thái Lan sử dụng để điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhẹ. (Ảnh: Bưu điện Bangkok) |
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri ngày 11/6 cho biết, bản kế hoạch 5 năm với định hướng thúc đẩy việc sử dụng các loại thuốc thay thế và y học cổ truyền địa phương nhằm tạo thêm thu nhập cho đất nước, đã được Bộ Y tế Thái Lan báo cáo với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
Theo ông Anucha, bản kế hoạch của Bộ Y tế Thái Lan có ba mục đích chính. Đầu tiên nhằm phát triển các loại dược liệu cho những người bị đau mãn tính, rối loạn giấc ngủ và nghiện ma túy. Tiếp đó, bảo đảm cho các bệnh viện và nhà máy sản xuất các loại dược phẩm thảo mộc đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP).
Hiện trong số 61 bệnh viện công của Thái Lan đang sản xuất các loại dược phẩm bằng thảo mộc, chỉ có 45 bệnh viện đáp ứng tiêu chuẩn GMP trong khi 7 bệnh viện đang được nâng cấp.
Mục đích cuối cùng của dự án là nhằm phát triển các trung tâm chăm sóc sức khỏe truyền thống để thu hút cả du khách trong nước và nước ngoài. Đến nay, đã có 160 trong tổng số 570 trung tâm chăm sóc sức khỏe được cấp chứng nhận theo kế hoạch này.
Ngoài ra, bản kế hoạch cũng hướng tới mục tiêu tăng cường sự tin tưởng của người dân vào các y học cổ truyền Thái Lan. Từ đó, tăng số người sử dụng thảo dược trong việc điều trị các loại bệnh nhẹ từ 1,45% lên 15% dân số Thái Lan, đồng thời tăng tỷ lệ người áp dụng các biện pháp điều trị truyền thống từ 4,58% dân số hiện nay lên 20%.
Mục tiêu cuối cùng là nhằm tăng giá trị thảo dược được tiêu thụ trên toàn Thái Lan lên mức 90 tỷ bạt vào năm 2027.
Ông Anucha cho biết, Thủ tướng Thái Lan bày tỏ tin tưởng kế hoạch của Bộ Y tế sẽ giúp thúc đẩy kiến thức về y học cổ truyền ở các địa phương, đồng thời nâng cao sự tin tưởng của du khách quốc tế đối với ngành du lịch chăm sóc sức khỏe của Thái Lan.