Ảnh minh họa. (Nguồn: Bangkok Post)
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Ủy ban Phòng chống tham nhũng quốc gia (NACC) ở Thái Lan đã kêu gọi khu vực tư nhân không đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ và khuyến nghị họ áp dụng các biện pháp nội bộ để hạn chế hành vi bất hợp pháp.
Tổng thư ký NACC Niwatchai Kasemmongkol nhận định tham nhũng là một vấn đề quốc gia và có những trường hợp đưa hối lộ để đổi lấy lợi ích kinh doanh xuyên biên giới.
Nhấn mạnh nạn hối lộ đang ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả chi tiêu ngân sách của đất nước, ông Niwatchai cho biết NACC đang thúc đẩy quản trị tốt trong khu vực công để tạo ra văn hóa “Không tặng quà.”
Cho đến nay, Trung tâm Dịch vụ tư vấn chống hối lộ (Abas) do NACC thành lập đã bắt đầu cung cấp kiến thức và hướng dẫn cho khu vực tư nhân liên quan đến luật đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ. Abas sẽ đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn hối lộ.
Ngoài ra, ông Niwatchai cho biết NACC đã ban hành các quy tắc mới cho phép họ truy tố các công ty thuộc khu vực tư nhân liên quan đến việc hối lộ các quan chức chính phủ và những người làm việc trong các cơ quan quốc tế.
Theo ông, hối lộ nên được ngăn chặn ở cả hai phía: khu vực tư nhân, người đưa hối lộ, quan chức chính phủ hoặc người nhận hối lộ.
Tổng thư ký NACC nêu rõ những người đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ phải bị xử phạt theo Mục 176 của Đạo luật Chống tham nhũng B.E. 2561.
NACC đã tư vấn cho các pháp nhân dễ dính đến hối lộ công phải xác định rõ ràng các khoản chi của họ cho các cơ quan chính phủ và áp dụng các biện pháp kiểm tra các khoản chi này.
Theo Đạo luật Chống tham nhũng, giá trị của món quà tặng cho các quan chức chính phủ không được vượt quá 3.000 baht (88 USD).
Tổng thư ký NACC cũng khuyến cáo các pháp nhân hoặc doanh nghiệp không trả tiền hoa hồng cho các quan chức chính phủ vì bất kỳ lý do gì để tránh rủi ro vi phạm luật chống hối lộ.
NACC là một tổ chức độc lập được 9 ủy viên được tuyển chọn từ nhiều ngành nghề khác nhau giám sát.
NACC được ủy quyền thực hiện công việc ngăn chặn và trấn áp hành vi sai trái, đặc biệt là trong các cơ quan chính phủ, điều tra tài sản, cũng như giám sát đạo đức và phẩm chất của những người nắm giữ vị trí chính trị.
Bên cạnh đó, ủy ban này cũng có thẩm quyền đưa ra các cáo buộc trước tòa và hỗ trợ cũng như nâng cao nhận thức về các hình phạt đối với hành vi tham nhũng.
Kể từ năm 1997, các tòa án Thái Lan đã ra phán quyết chống lại và trừng phạt các chính trị gia, cựu bộ trưởng, quan chức chính phủ cấp cao, cũng như các giám đốc điều hành của khu vực tư nhân trong hàng nghìn vụ kiện do NACC đệ trình./.