Thách thức và cơ hội việc làm mới ở Đắk Nông
Bước sang năm thứ ba kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mức độ ảnh hưởng lâu dài của đại dịch vẫn còn khá nặng nề đến phục hồi kinh tế và xu hướng việc làm.
Rõ nhất là trong năm 2023, các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với những thách thức trong sản xuất, kinh doanh khiến nhiều vị trí việc làm phải “bỏ trống".
Dịch chuyển việc làm hậu Covid-19
Mặc dù là tỉnh có nền kinh tế nhỏ, mức độ ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 không lớn so với các tỉnh, thành khác, song Đắk Nông cũng đang chịu sự tác động đáng kể đến lao động, việc làm. Theo khảo sát, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2022 và 2023, chỉ có khoảng 33% doanh nghiệp Đắk Nông cho biết sẽ tăng quy mô hoạt động; 53% doanh nghiệp sẽ hoạt động với quy mô hiện tại. Khoảng 9% doanh nghiệp Đắk Nông có kế hoạch giảm quy mô và 5% doanh nghiệp có kế hoạch đóng cửa do gặp khó khăn sau dịch Covid-19. Điều này đồng nghĩa, cơ hội việc làm khu vực này không có nhiều phát sinh, thậm chí sụt giảm vì quy mô sản xuất của doanh nghiệp cầm chừng hoặc thu hẹp.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, trong quý I năm 2023, toàn tỉnh có 112 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 28% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký là 636 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Số lao động đăng ký phát sinh khoảng 200 người. Có 19 doanh nghiệp giải thể, 92 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Từ con số trên cho thấy, phát sinh việc làm mới trong khu vực công nghiệp hiện nay là không nhiều. Trong khi, cơ hội việc làm ở các tỉnh, thành phố lớn cũng đang khá bấp bênh vì đầu ra của nhiều mặt hàng gặp khó khăn do tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng tỷ lệ thất nghiệp hậu Covid-19 trong cả nước nói chung đang có xu hướng tăng hoặc dịch chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Việc làm mang tính chất trực tiếp đang giảm nhẹ và dịch chuyển sang một số lĩnh vực dịch vụ gián tiếp nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.
Cũng từ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, lao động ở các lĩnh vực đang có sự chuyển dịch khá rõ nét. Đơn cử, năm 2008, lao động khu vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn Đắk Nông chiếm 81,49%, công nghiệp và xây dựng chiếm 3,36% và thương mại, dịch vụ là 15,14% thì hiện nay, lao động khu vực nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ dưới 60%, lao động ngành công nghiệp và xây dựng là trên 16 % và lao động khu vực thương mại, dịch vụ chiếm trên 23%. Điều này cũng đang phản ánh khá sát xu thế phát triển nhìn từ góc độ việc làm.
Dư địa việc làm còn lớn
Một tín hiệu đáng mừng là trong điều kiện bình thường mới, trật tự về mô hình sản xuất truyền thống đang có sự dịch chuyển mạnh sang các loại hình trực tuyến hoặc tự động hóa. Từ đây, xác định nhu cầu việc làm ở một chiến lược dài hơi chính là vấn đề cần thiết để có kế hoạch đào tạo lao động hợp lý.
Nông nghiệp vẫn đang là lĩnh vực tạo ra khối lượng việc làm lớn cho lao động Đắk Nông. Tuy nhiên, phần lớn lao động trong lĩnh vực này là việc làm thời vụ. Sau đại dịch, nhiều nông dân đã chuyển đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình hợp tác, tổ hợp tác với cơ hội việc làm lớn hơn do đầu ra sản phẩm ổn định hơn.
Theo các nhà phân tích, đến năm 2030, để sản phẩm nông nghiệp ứng dụng hoàn toàn công nghệ cao đạt 15% giá trị nông sản, Đắk Nông sẽ cần đủ lao động nông nghiệp, nhất là lao động có trình độ. Trong đó, cần khoảng 60.000 lao động thường niên và khoảng 120.000 lượt lao động thời vụ. Phần đông lao động không cần qua đào tạo, tuy nhiên cần có kiến thức về kỹ thuật canh tác qua tuyên truyền, phối hợp với HTX, cán bộ nông nghiệp. Trong đó, cần khoảng 3.000 lao động có trình độ cao hơn để giúp vùng sản xuất tiếp cận kỹ thuật mới, liên kết với thị trường. Lực lượng này bao gồm cán bộ quản lý nông nghiệp, cán bộ HTX nông nghiệp, nông dân có trình độ hoặc đã qua đào tạo.
Ngoài ra, cũng cần trên 100 lao động có chuyên môn để thực hành công tác quản lý, ứng dụng kỹ thuật như kỹ sư nông nghiệp, người chuyên ngành kế toán, kinh doanh.
Về chế biến nông sản, ước tính để sản xuất khoảng 400.000 tấn nông sản mỗi năm, bao gồm các mặt hàng chế biến sâu, lực lượng lao động chế biến nông sản cần khoảng 16.000 người, bao gồm nhân công thường niên và nhân công thời vụ.
Đối với Ngành năng lượng tái tạo, ước tính sẽ đem lại khoảng 2.100 – 2.500 việc làm mới cho tỉnh Đắk Nông, với giả định là sẽ cần 5 công nhân/1 MW trong giai đoạn xây dựng công trình và sẽ tạo ra từ 7 – 11 việc làm lâu dài tại địa phương/100 MW. Trong đó, 1.600 việc làm mới mang tính chất ngắn hạn trong giai đoạn xây dựng; 500 – 900 việc làm mới mang tính chất dài hạn sau khi các dự án đưa vào vận hành.
Ngành công nghiệp nhôm ước tính sẽ đem lại khoảng 6.700 việc làm mới cho tỉnh Đắk Nông trên cơ sở các đề xuất dự án hiện hữu.
Riêng ngành du lịch, theo tỷ lệ lao động du lịch trên lượt khách du lịch, đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông sẽ cần khoảng 2.000-2.300 việc làm phục vụ du lịch, chủ yếu phân bổ ở khu du lịch sinh thái Tà Đùng và các khu du lịch ở huyện Cư Jút, Krông Nô.
Từ kịch bản trên cho thấy, dư địa việc làm ở Đắk Nông trong thời gian đến là khá lớn. Chưa kể đến, kinh tế phát triển, nhu cầu việc làm ở khu vực thương mại, dịch vụ sẽ tăng cao, nhất là việc làm thời vụ, bán thời vụ.
Xác định dư địa việc làm để đào tạo, thu hút nguồn lực đang là yêu cầu cần thiết hiện nay của Đắk Nông. Bởi vì, trên thực tế, trình độ lao động của Đắk Nông mặc dù có tăng nhưng khá chậm hoặc chưa tương xứng. Lao động có trình độ thường đang tìm kiếm cơ hội việc làm ngoài tỉnh. Lao động trong tỉnh phần lớn ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp, cần qua các lớp đào tạo căn bản để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch việc làm trong thời gian đến.