Thách thức trong tiến trình chuyển đổi xanh

ANH THƯ| 28/09/2023 08:07

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo kêu gọi các nước giàu cũng như các nước đang phát triển tăng sử dụng năng lượng sạch nhằm cải thiện tình hình thực hiện các mục tiêu trung hòa khí thải.

Thách thức trong tiến trình chuyển đổi xanh

Theo đó, đến năm 2030, thế giới cần tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo, gấp đôi cơ sở hạ tầng năng lượng hiệu quả, tăng doanh số bán các thiết bị bơm nhiệt và doanh số xe điện.

Thế giới cần đầu tư 4.500 tỷ USD/năm cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch từ đầu thập niên tới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này là điều không dễ dàng.

Dấu hiệu khả quan

Báo cáo của IEA được đưa ra trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Theo Giám đốc IEA Fatih Birol, con đường tiến đến mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5oC đã bị thu hẹp dần trong hai năm qua, nhưng các công nghệ năng lượng sạch đang góp phần giúp đảo ngược xu hướng này.

Báo cáo chỉ ra tiến bộ đạt được thể hiện qua công suất điện mặt trời và doanh số bán xe điện tăng lên mức cao kỷ lục. Điều này phù hợp với lộ trình mà IEA vạch ra để đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon cũng như các kế hoạch của ngành công nghiệp triển khai phương thức sản xuất mới phù hợp.

Theo IEA, ngành năng lượng đang thay đổi nhanh hơn tưởng tượng, các công nghệ năng lượng sạch đang đảm nhận một phần ba trọng trách giảm khí thải cần được thực hiện đến năm 2030.

Trong tháng này, IEA cũng công bố dự báo nhu cầu dầu mỏ, khí đốt và than đá sẽ đạt đỉnh trong thập niên này trước khi bước sang giai đoạn thoái trào nhờ các công nghệ năng lượng sạch và ô-tô điện tăng trưởng đáng chú ý.

Gần 70% số người được hỏi ủng hộ sử dụng năng lượng mặt trời, cao gấp 5 lần so với tỷ lệ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch.

Kết quả khảo sát toàn cầu, do Công ty nghiên cứu Glocalities phối hợp với Tổ chức Global Citizen thực hiện tại 21 quốc gia trên thế giới trong sáu tháng đầu năm nay, cho thấy, gần 70% số người được hỏi ủng hộ sử dụng năng lượng mặt trời, cao gấp 5 lần so với tỷ lệ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch.

Theo đó, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng được ưa chuộng nhất, với 68% số người ủng hộ, tiếp theo là năng lượng gió (54%), thủy điện (35%) và năng lượng hạt nhân (24%). Tỷ lệ ủng hộ nhiên liệu hóa thạch là 14%.

Điều này củng cố kết quả của các cuộc thăm dò trước đó cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nguồn năng lượng tái tạo ở châu Âu và Mỹ. Theo kết quả khảo sát mới nhất của Viện nghiên cứu Eurobarometer của Liên minh châu Âu (EU) thực hiện trong hai tháng 5 và 6 vừa qua, 85% số người châu Âu được hỏi ủng hộ đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Trong khi đó, kết quả thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew công bố đầu năm 2022 cho thấy, 69% số người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ phát triển các nguồn năng lượng thay thế, thay vì tăng cường sản xuất dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên.

Nghịch lý đáng lo ngại

Tình trạng mở rộng đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch trong khi phát thải vẫn duy trì ở mức cao trong giai đoạn kinh tế thế giới phục hồi hậu Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây lo ngại tới thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu.

Tiếp tục phát triển nhiên liệu hóa thạch không phù hợp với mục tiêu phi carbon hóa toàn cầu vào giữa thế kỷ này và mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5oC. Theo nhà đồng sáng lập Global Citizen - ông Michael Sheldrick, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 77% tổng mức tiêu thụ năng lượng của thế giới năm 2022.

Ở nhiều nước thuộc nhóm gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, tiến trình cắt giảm khí phát thải trong lĩnh vực năng lượng chưa đủ nhanh để đáp ứng mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ theo cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo kết quả phân tích của Climate Action Tracker (CAT) - nhóm giám sát khoa học đánh giá tiến bộ trong tiến trình thực hiện mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris, phân tích số liệu của Australia, Brazil, Anh, Chile, Trung Quốc, EU, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Maroc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Mỹ cho thấy, trong nhóm này, chưa có nước hay khối nào thực sự có bước tiến trong thực hiện mục tiêu trên.

Các chính phủ vẫn đang trì hoãn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch bất chấp cơ hội mở rộng năng lượng gió và mặt trời.

Theo CAT, để làm sạch ngành điện vào năm 2040, các quốc gia phát triển phải dần loại bỏ than đá cho đến năm 2030 và khí hóa thạch “không suy giảm” (thuật ngữ đề cập việc khai thác nhiên liệu hóa thạch nhưng không có công nghệ thu giữ khí thải) đến năm 2035. Thời hạn đặt ra với các nước đang phát triển là năm 2040.

Thêm vào đó, tất cả các quốc gia phải sử dụng hơn 80% điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời vào năm 2035 và từ 90 đến 100% vào năm 2050 nếu muốn đáp ứng các tiêu chuẩn CAT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không quốc gia nào trong báo cáo phân tích có kế hoạch rõ ràng về giảm dần sử dụng khí đốt.

IEA cho rằng thế giới đã trì hoãn hành động khí hậu quá lâu nên giờ chỉ còn lại những lựa chọn khó khăn. Các nước giàu phải đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2045, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu hiện nay.

IEA cho rằng thế giới đã trì hoãn hành động khí hậu quá lâu nên giờ chỉ còn lại những lựa chọn khó khăn. Các nước giàu phải đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2045, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu hiện nay.

Theo IEA, đi đúng hướng đồng nghĩa rằng hầu hết các quốc gia đều phải đẩy sớm hơn thời hạn đạt mục tiêu trung hòa khí thải, tăng mạnh công suất năng lượng sạch với chính sách cụ thể, giảm 25% nhu cầu nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Thế giới cũng cần cắt giảm 75% khí thải methane trong lĩnh vực năng lượng, với mức chi phí chỉ khoảng 75 tỷ USD (chỉ bằng 2% thu nhập ròng của ngành dầu mỏ và khí đốt năm 2022).

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, CAT nhấn mạnh, các quốc gia đang phát triển rất cần được viện trợ tài chính để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Tỷ lệ sử dụng năng lượng hóa thạch tại nhiều nước hiện nay cho thấy một nghịch lý đáng lo ngại, đó là bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng đối với năng lượng tái tạo, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng chiếm ưu thế.

Mặc dù các nước đang nỗ lực tập trung cho quá trình chuyển đổi xanh, song thực tế trên cho thấy tiến trình xanh hóa vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thach-thuc-trong-tien-trinh-chuyen-doi-xanh-post774783.html
Copy Link
https://nhandan.vn/thach-thuc-trong-tien-trinh-chuyen-doi-xanh-post774783.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thách thức trong tiến trình chuyển đổi xanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO