Đời sống

Tết xưa và… tết nay

Hồ Đức Diệu 02/02/2024 - 09:09

Nhiều người không khỏi đặt ra những câu hỏi dạng tết ngày nay có còn như tết xưa? Hay liệu tết cổ truyền có mất đi giá trị cốt lõi trong xã hội hiện đại…? Câu trả lời ở đây là trong cách thức, hình thức tết xưa và tết nay có khác bởi sự vận động và phát triển từ chính nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, bản chất Tết thì xưa, nay vẫn vậy.

ADQuảng cáo

Từ… "ăn tết"

Khi bàn đến sự khác nhau giữa tết xưa và tết nay, người ta thường nói nhiều về sự khác nhau cách thức, hình thức của sự kiện này. Trong đó, sự khác nhau dễ nhận thấy đó là hình thức chuẩn bị cho cái tết ngày xưa và ngày nay có những thay đổi.

Theo quan niệm dân gian, Tết Nguyên đán là thời điểm gặp gỡ của con người với thần linh trong nhà, ông bà đã khuất. Dù đi đâu, làm gì thì ngày này mọi người trong nhà cũng về ngồi quây quần, chuẩn bị chu tất các lễ vật thờ cúng, đồ ăn thức uống. Tùy từng vùng miền, song chung quy, tết là thời điểm nông nhàn, khi mùa vụ kết thúc, người dân bắt đầu nghỉ ngơi, bước vào những ngày lễ hội.

Ngày xưa, khi nhắc đến tết, chúng ta thường nghe quen câu cửa miệng, chuẩn bị ăn tết, hay chuẩn bị đi ăn tết nhà ngoại, nhà nội…. chuẩn bị được ăn tết. Từ “ăn tết” ở đây xất phát ở ngay nhu cầu thực tiễn ngày xưa.

Ngoài ý nghĩa văn hóa, tâm linh, ba ngày tết còn là dịp để chúng ta thỏa sức ăn uống với nào bánh chưng, thịt, cá…. Những thứ mà ngày thường ít có. Cuộc sống ngày xưa đang khó khăn, nên ăn uống là cả một vấn để lớn trong cân đối chi tiêu của từng gia đình. Nhiều gia đình, ngày thường cơm không đủ ăn, huống chi thịt, cá. Thế nhưng, dù khó khăn đến mấy, đa phần các gia đình đều chuẩn bị chu tất cho những ngày tết với đủ đẩy đồ ăn thức uống ở thời kỳ đó. Trông chờ tết, không chỉ trông chờ được đắm mình trong không khí hội hè, du xuân, những lời chúc tụng, người ta còn trông chờ để được những bữa ăn thịnh soạn mà ít phải đắn đo… Từ nhu cầu thực tế đó, khi nhắc đến tết, người ta hay nhắc đến cụm từ “ăn tết”. Nhà này ăn tết to, nhà kia ăn tết sang…

Từ yếu tố đó mà việc chuẩn bị tết ngày xưa cũng khá đặc biệt và thú vị. Nhiều gia đình nuôi con lợn, con gà cả năm không giám ăn, chỉ để dành đến tết. Trong bồ, trong chum, dù đói đến mấy cũng dự phòng vài chục cân gạo nếp, gạo tẻ lạo ngon để đến tết, trước là làm mâm cổ cúng gia tiên, sau để ăn tết. Nhiều nhà, từ đầu tháng chạp, công việc tích trữ lương thực cho ngày tết đã được chuẩn bị như củ quả, dưa hành, củi nấu bánh chưng… Bắt đầu từ tết ông Công, ông Táo trở đi, việc sắm tết bắt đầu vào dịp cao điểm. Với đặc trưng của nền kinh tế thuần nông, cái tết của ngày xưa ở vùng nông thôn đa phần tự cung, tự cấp. Công tác chuẩn bị cũng vì thế mà vui hơn, sum vầy hơn. Trong mấy ngày tết, người người, nhà nhà râm ran với tiếng lợn kêu eng éc, tiếng bằm, chặt để chế biến món ăn ngày tết. Tối đến, cả gia đình quây quần bên bếp lửa hồng chờ nồi bánh chưng chín để vớt ra, làm xanh màu lá bánh, ép khô, chọn những cặp bánh đẹp để lên bàn thờ cúng gia tiên….

Thời gian gần tết, cũng là dịp của thanh niên tất bật với việc cuốn pháo nổ, cuốn thuốc vê, làm hoa dấy, lồng đèn trang trí tết.

Tất cả các hoạt động đó đã tạo nên nét đặc trưng của tết xưa mà ngày nay khó tìm lại được.

Tết gắn liền với chữ tiết trong 24 tiết trong năm. Khoảng thời gian này, Bắc bán cầu dần dần dịch chuyển đến gần mặt trời hơn, thời tiết ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc. Tết không chỉ là dịp để mọi người trang hoàng, dọn dẹp lại nhà cửa mà còn có ý nghĩa tâm linh thiêng liêng, hướng về cội nguồn.

Đến "chơi tết"

Nếu như ngày xưa, chúng ta quen với cụm từ “ăn tết” thì nhiều năm trở lại đây, cụm từ “chơi tết” lại trở nên quen thuộc khi nói về tết.

ADQuảng cáo

“Năm nay nhà bác chơi tết sang thế…” hay “năm nay chơi tết thế nào bác…” Cũng là câu nói về tết nhưng từ “ăn tết” đến “chơi tết” là cả một quá trình vận động của quy luật phát triển. Khi con người khó khăn, cái ăn, cái mặc là vấn đề trọng tâm trong đời sống thường ngày. Khi cuộc sống được nâng lên, khi cái ăn, cái mặc đã không còn là mối quan tâm trọng yếu thì con người ta lại quan tâm đến chơi tết. Có lẽ đó là sự khác biệt dễ thấy nhất, bao quát nhất khi so sánh tết xưa và tết nay.

Trước đây, nhà nào tết mổ lợn, mổ bò ăn tết thì được gọi là “ăn tết to”. Ngày nay, những nhà chịu chơi tậu cả cây mai, cây đào hàng chục triệu, duyệt luôn vé đi du lịch đâu đó mấy ngày người ta gọi là “chơi tết sang”.

Ngày nay, dù vẫn đầy đủ lễ nghi nhưng chuẩn bị cho tết không còn là quan tâm lớn như ngày xưa vì dịch vụ cung ứng hàng hóa rất tiện lợi. Có thể chỉ cần vài cái nhấp chuột, cú bấm điện thoại là có ngay cái tết. Vì vậy, người dân không lo lắng nhiều về chuẩn bị cho tết, họ dành thời gian tết để vui chơi, nghỉ ngơi hay sum vầy cùng gia đình.

Từ sự vận động này, những người đã trải qua những cái tết xưa, họ cho rằng ý nghĩa của tết nay thiếu đi vị tết. Đó là không khí của sum tụ, tất bật chuẩn bị; đó là tâm trạng háo hức mong chờ tết…

Cuộc sống đủ đầy hơn, nhu cầu con người cũng vì thế được đáp ứng nhiều hơn. Tết không còn là dịp đặc biệt để chúng ta chờ được ăn ngon, mặc đẹp như trước. Thay vào đó, người ta trông chờ đến tết với những khoảng thời gian thư thái hưởng thụ ngày xuân.

Tết vẫn vẹn nguyên

Nhiều ý kiến cho rằng tết ngày nay nhạt hơn, thiếu ý nghĩa hơn tết xưa… Từ đây, họ đặt ra câu hỏi đặt ra là liệu dần dần có mất đi cái tết vì nhu cầu con người không cần đến nó.

Trước hết, để tồn tại và phát triển, dù phát triển theo hướng hiện đại, bản thân tết có một giá trị tâm linh, tinh thần to lớn, trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân Việt Nam dù ở thời đại nào. Cuộc sống phát triển, hình thức, cách thức chuẩn bị cho ngày tết có khác, song giá trị của nó vẫn vẹn nguyên.

Dù là xưa hay ngày nay, dù là tuổi cao hay trẻ nhỏ, khi đến tết cũng mang một tâm trạng hồi hộp, trông ngóng khó tả. Bởi vượt qua nhu cầu tầm thường về ăn tết, chơi tết, tết vừa mang ý nghĩa văn hóa đậm nét của dân tộc xuyên suốt qua từng thời kỳ, giai đoạn, trở thành mạch ngầm ngấm sâu trong máu thịt từng thế hệ. Tết cùng là thời khắc thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới; là thời khắc chuyển tiết từ tiết đông lạnh buốt sang tiết xuân ấm áp, đầy sức sống. Với những nét đặc biệt đó, dù tết xưa hay tết nay, sau một năm lao động, đến thời khắc giao thừa, thắp nén nhang thơm lên bàn thờ gia tiên, trong lòng mỗi người cảm nhận được giây phút thiêng liêng đặc biệt khó tả. Đó cũng chính là cảm giác mà tết mang lại cho mỗi người dân Việt từ xưa đến nay và mãi sau này.

Ngày 22/12, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hàng năm của Liên hợp quốc.
Việc Đại hội đồng thông qua Nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức kỷ niệm Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết xưa và… tết nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO