Tết và xu hướng xanh với thực phẩm
Sau vụ việc hàng ngàn tấn giá đỗ ở Đắk Lắk được sản xuất bằng chất cấm, người tiêu dùng càng cẩn trọng hơn với những thực phẩm được gắn mác tiêu chí “sạch, an toàn”.
Cẩn trọng hơn với thực phẩm
Thời điểm giáp tết, thị trường thực phẩm càng trở nên phức tạp hơn, các chiêu trò càng tinh vi hơn. Đặc biệt, sau sự việc một doanh nghiệp sản xuất giá đỗ với tiêu chí “sạch, an toàn” nhưng lại sử dụng hóa chất cấm, độc hại để thúc giá đỗ lớn nhanh, mẩy đẹp, bán số lượng lớn ra thị trường đã khiến người dân tỉnh Đắk Nông hết sức lo ngại.
Là người tiêu dùng thường xuyên lựa chọn các thực phẩm tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, chị Linh (TP. Gia Nghĩa) không khỏi bất ngờ khi thông tin một cửa hàng Bách Hóa Xanh tại tỉnh Đắk Lắk bán sản phẩm có chất cấm. Lo ngại về sản phẩm không bảo đảm chất lượng, chị Linh đã thay đổi thói quen mua sắm của mình, lựa chọn một cửa hàng thực phẩm khác để phục vụ nhu cầu gia đình.
Chị Linh chia sẻ: “Gia đình tôi rất thích ăn rau xanh nên hầu như ngày nào cũng phải mua rau. Mặc dù Bách Hóa Xanh đã thông tin giá đỗ “bẩn” chỉ được bán tại khu vực Đắk Lắk, với tỷ lệ 2% trên tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ nhưng điều đó đã phần nào làm mất niềm tin đối với người tiêu dùng. Đặt tiêu chí sức khỏe gia đình lên trên hết, tôi đã quyết định lựa chọn mua thực phẩm ở một đơn vị khác”.
Không chỉ rau xanh, gần Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng trong cả nước, càng phát hiện ra nhiều thực phẩm chứa chất cấm, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây nhất là vụ sản xuất chả chứa hàn the tại TP. Đà Nẵng hay hơn 1 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc ở phường Nghĩa Tân (TP. Gia Nghĩa)…
Chị Duyên, tổ 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa chia sẻ, dịp tết, người dân có thói quen tích trữ một số loại thực phẩm trong nhà. Đây là thời điểm chị Duyên lo ngại nhất về chất lượng của các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đông lạnh, chế biến ăn liền.
“Nắm bắt nhu cầu mua sắm của người dân, hàng loạt chợ online được mở ra dịp giáp tết. Chỉ cần lướt trên các trang mạng xã hội, dễ thấy từ thực phẩm tươi sống đến đồ ăn được nấu chín được rao rất phong phú. Tuy nhiên, tôi không yên tâm về các sản phẩm này vì phần lớn các cá nhân bán thực phẩm online đều tự phát, không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm”, chị Duyên cho hay.
Nhiều năm liền lựa chọn mua thực phẩm tại một hệ thống siêu thị lớn, chị Duyên cho rằng, giá cả có cao hơn so với bên ngoài hoặc mua online, tuy nhiên, nguồn gốc và chất lượng đều bảo đảm, giúp gia đình chị yên tâm đón tết.
Xu hướng xanh
Trong những năm gần đây, phong trào trồng rau tại nhà trở thành một xu hướng được nhiều hộ gia đình tại Đắk Nông hưởng ứng, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, nhiều gia đình muốn bổ sung vào không gian sống của mình những sản phẩm xanh, trong đó có rau xanh.
Những ngày này, bà Nông Thị Nguyệt, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa đang tất bật chăm sóc vườn rau xanh của gia đình. Trên khoảng đất rộng chưa đến 10m2, bà Nguyệt trồng đến 10 loại rau, loại nào cũng xanh, tươi mơn mởn, sẵn sàng cho bữa cơm ngày tết.
Bà Nguyệt cho biết, lo ngại về thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn vệ sinh nên hơn 1 tháng trước, bà đã cải tạo mảnh đất, mua giống rau xanh về trồng. Để có rau xanh liên tục từ nay tới Tết Nguyên đán, bà Nguyệt đã chọn những giống rau có thời gian sinh trưởng khác nhau và trồng theo phương pháp gối đầu. Trong quá trình trồng, bà Nguyệt không sử dụng thuốc hay phân bón hóa học mà chỉ sử dụng các sản phẩm sinh học, nhờ đó mà vườn rau xanh và phát triển tốt.
Bà Nguyệt chia sẻ: “Với mong muốn mang đến những bữa ăn an toàn hơn cho gia đình, tôi đã quyết định tự tay trồng rau. Tự trồng rau phục vụ cho ngày tết không chỉ mang lại nguồn thực phẩm an toàn mà còn tiết kiệm chi phí. Rau tự trồng thường có giá thành rẻ hơn so với mua ngoài chợ. Năm ngoái, tôi cũng trồng vài luống rau, ai đến nhà chơi tết đều được tặng một ít rau xanh về làm quà. Mọi người vui và bất ngờ lắm”.
Ghi nhận tại một số gia đình ở TP. Gia Nghĩa, không khí chuẩn bị cho tết trở nên sinh động hơn khi nhìn thấy những mảnh vườn nhỏ xanh mướt rau củ.
Chị Ly Na, một người dân tại phường Nghĩa Đức chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi đã trồng một số loại rau như su hào, rau xà lách, cải thảo và cải bẹ. Không chỉ để ăn tại nhà tôi còn tính tới việc biếu bố mẹ 2 bên để có thêm thực phẩm ngày tết. Đặc biệt, việc tự trồng rau xanh không chỉ giúp gia đình tôi chủ động nguồn rau mà còn giúp bản thân thư giãn đầu óc sau những giờ làm việc căng thẳng cuối năm”.
Nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng cao cũng khuyến khích nhiều nhà vườn tập trung sản xuất, phục vụ người tiêu dùng. Trong nhiều năm qua, các sản phẩm rau xanh, được trồng theo phương pháp hữu cơ thường được nhiều gia đình lựa chọn.
Chị Đỗ Thị Hương, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa đang sản xuất hơn 2ha rau, củ, trái cây và thảo dược theo phương pháp hữu cơ. Điều đặc biệt, tất cả các loại rau, củ, quả của chị Hương đều do chị tự nhân giống và trồng theo hướng thuận tự nhiên.
“Xu hướng sử dụng rau hữu cơ của người dân đang tăng mạnh trong những năm gần đây, nhờ vào nhận thức ngày càng cao về an toàn thực phẩm và sức khỏe. Nhu cầu ngày càng cao của thị trường là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, đồng thời tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng”, chị Hương đánh giá về nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán năm 2025 và cho biết, gia đình đã chuẩn bị nguồn hàng lớn phục vụ người dân.
Ngoài rau xanh, nhiều hộ dân trước đã nuôi thêm gà, heo, cá… để vừa làm phong phú bữa ăn ngày tết, vừa bảo đảm nguồn thực phẩm sạch.
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bà Nguyễn Thị Bình, thôn 11, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp đã nuôi khoảng 100 con gà thịt. Một nửa trong số này đã được người đặt mua, số còn lại để phục vụ nhu cầu của gia đình bà Bình và làm quà biếu tặng họ hàng.
Bà Bình chia sẻ: “Năm nay, gia đình nuôi gà thả vườn. Có mất công chăm sóc nhưng thực phẩm bảo đảm, mình cũng yên tâm làm quà biếu cho bố mẹ, bà con”.
Bên cạnh việc chuẩn bị rau, thịt, cá sạch để bảo đảm bữa ăn tết an toàn và đủ đầy, nhiều hộ dân ở Đắk Nông còn tự tay làm bánh kẹo truyền thống để phục vụ gia đình và đãi khách.
Những món như mứt gừng, kẹo lạc, hạt dinh dưỡng hay trà thảo mộc tự làm không chỉ thơm ngon, bảo đảm vệ sinh mà còn mang đậm hương vị ngày Tết.
Việc tự tay chuẩn bị, chế biến thực phẩm không chỉ giúp các gia đình kiểm soát chất lượng nguyên liệu mà còn không khí đầm ấm, vui tươi. Đây cũng là cách để nhiều người dân nơi đây giữ gìn và truyền lại nét văn hóa đặc trưng trong những ngày tết cổ truyền.