An sinh - Cuộc sống

'Tết này nói không với… nhậu' liệu có khả thi?

Lê Việt Dũng 09/02/2024 15:22

Nhiều người trẻ đặt ra mục tiêu là không nhậu trong dịp tết này và cố gắng thực hiện được. Đâu là lý do?

Quyết tâm không nhậu

Trần Đình Chiến (28 tuổi), ngụ tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, cho biết tết này sẽ không lặp lại cảnh "người đầy men bia" như các năm trước. "Hầu như tết năm nào cũng uống bia. Khách đến nhà, mình mời bia. Mình đi chúc tết, cũng được mời bia. Chưa kể những dịp họp lớp cũng phải uống. Có khi người chỉ mệt mệt. Nhưng có lúc say bí tỉ", Chiến nhớ lại.

Và thế là chàng trai này quyết tâm: "Chắc chắn là tôi tuyệt giao với bia, rượu. Tôi có nói điều đó với nhiều người bạn và chắc chắn sẽ thực hiện được".

Không riêng Chiến, mà nhiều người trẻ cũng ưu tiên việc nói không với bia, rượu trong những ngày tết.

Lê Nguyễn Hùng Cường (30 tuổi), ngụ tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, nói rằng "tết này ngưng nhậu". Hỏi lý do, Cường trả lời: "Ngày tết, nên tỉnh táo để có thể chúc những lời hay ý đẹp với người thân, họ hàng, láng giềng. Chứ khi ngà ngà men say, có thể buột miệng, rơi vào tình cảnh "rượu nói", "bia nói", chứ không phải người nói".

nhau1.jpg
Sử dụng bia vào dịp tết khá phổ biến

Đặng Thanh An (26 tuổi), ngụ tại TP.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, bảo rằng: "Cả năm đi làm xa quê. Tết về là dịp để gặp gỡ mọi người. Nếu say xỉn phải nghỉ ngơi thì sẽ vô tình rút ngắn thời gian đi chúc tết".

"Tôi có cam kết với bản thân mình và vợ, là tết này sẽ không uống một giọt bia, rượu nào. Tôi tin là mình thực hiện đúng cam kết đó", An cho hay.

Anh Nguyễn Như Trung (34 tuổi), ngụ tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, cũng cho biết tết này sẽ thay đổi bản thân. Mà rõ nét nhất là sẽ từ chối những lời mời uống bia, rượu.

Theo anh Trung: "Uống rượu, bia vào mà lái xe là rất nguy hiểm. Từ chối thức uống có cồn là cách để đảm bảo sự tỉnh táo, sức khỏe cũng như giúp… tiết kiệm. Vì hơi thở có nồng độ cồn, lỡ bị kiểm tra thì chắc chắn bị phạt, tốn tiền".

Còn anh Đỗ Trung Dũng, ngụ ở đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM, nói: "Cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra nồng độ cồn cả tết. Nếu sử dụng bia, rượu rồi sau đó điều khiển phương tiện giao thông thì có nguy cơ gây tai nạn. Cần nói không với bia, rượu để đảm bảo sự an toàn cho bản thân và người khác".'

nhau2.jpg
Bia thường xuất hiện trên bàn tiệc trong dịp tết

Thay đổi những thói quen

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Nguyễn Bích Phượng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vào mỗi dịp tết, mọi người có xu hướng mời nhau sử dụng bia, rượu. "Trong bất cứ hoàn cảnh nào, như đi mừng tuổi, khách đến nhà chúc tết, họp lớp đầu năm… thì nhiều người có thói quen mời nhau ly rượu, lon bia. Tuy nhiên, có thể thay đổi thói quen ấy bằng cách mời nhau ly trà, lon nước ngọt", chị Phượng nói.

Chị Phượng cũng cho rằng: "Suốt thời gian qua, ở nhiều đám cưới, cô dâu chú rể đã thay thế bia rượu thành nước khoáng, trà để mời khách. Và phong cách "đám cưới không rượu bia" đang được nhiều người trẻ áp dụng, thu hút sự hưởng ứng tích cực. Nói vậy để thấy, thói quen nào cũng có thể thay đổi được. Và việc không mời nhau đồ uống có cồn trong dịp tết là hoàn toàn khả thi. Và nếu mỗi người tự giác nói không với bia, rượu, có sự quyết tâm cao độ thì họ sẽ thực hiện được cam kết ấy".

Nguyễn Thị Tuyết Thảo, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, nói rằng: "Nên chăng thay đổi thói quen rủ nhau họp lớp ở... quán nhậu. Thay vào đó, hãy hẹn nhau đi quán cà phê, du xuân ở những danh lam thắng cảnh. Có như vậy sẽ tránh được việc sử dụng rượu, bia ngày tết".

Đặng Thanh Quang, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, thắc mắc: "Nếu lỡ bị mời sử dụng bia, rượu vào dịp tết thì phải từ chối như thế nào? Nhất là khi bị "gài" bằng những câu trách cứ kiểu bâng quơ như: đầu năm sao anh mời mà em không uống? Ai lại từ chối lời mời vào dịp tết bao giờ…".

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Hồ Nhân, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, khuyên: "Có thể áp dụng nhiều cách để thoái thác, chối từ những lời mời uống bia, rượu. Như khi họp lớp, có thể kể về câu chuyện thời sự là cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn để lưu ý bạn bè. Qua đó có thể đề xuất thay đổi thức uống trong buổi tiệc. Còn khi khách đến chúc tết, trong vai trò chủ nhà, có thể mời ly trà, nước khoáng, nước ngọt. Trường hợp đến nhà người khác và trong tình thế bị mời sử dụng bia, rượu, có thể nói rằng sẽ phải tiếp tục đi chúc tết nhiều nơi khác nên mong gia chủ thông cảm. Hoặc thử nói đang phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nên phải tuyệt giao với bia, rượu…".

Anh Nhân nói: "Khi nói về những cái cớ hợp tình hợp lý thì có lẽ người nghe sẽ thông cảm, không ép uống".

Cũng theo chuyên gia tâm lý, tết là dịp để gặp gỡ, chúc những điều tốt đẹp. Vì thế, đừng viện cớ tết để ép nhau uống rượu, bia.

Theo thanhnien.vn
https://thanhnien.vn/tet-nay-noi-khong-voi-nhau-lieu-co-kha-thi-185240208125323853.htm
Copy Link
https://thanhnien.vn/tet-nay-noi-khong-voi-nhau-lieu-co-kha-thi-185240208125323853.htm
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        'Tết này nói không với… nhậu' liệu có khả thi?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO