Ý nghĩa của Tết mùa mưa
Tết mùa mưa của người dân tộc Hà Nhì là nghi lễ cầu mưa, diễn ra vào tháng 5 âm lịch hàng năm thể hiện sự ứng xử hài hòa giữa con người với thiên nhiên, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa.
Tết mùa mưa được người Hà Nhì tổ chức trong 4 ngày, đồng thời là 4 ngày kiêng kỵ. Mọi người trong gia đình không được đi làm mà chỉ vui chơi và cùng nhau ăn uống, múa hát vui vẻ. Đây cũng chính là thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức lao động sau một năm làm lụng vất vả.
Ăn Tết mùa mưa của người Hà Nhì |
Nghi lễ ngày Tết
Người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà, hoặc có vai trò nhân tố quan trọng trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ. Mâm cúng thần mưa ngày Tết, ngoài thịt heo còn có cơm, rượu, bát chè gừng, trà, mía, chuối và hoa mào gà… Lễ cúng diễn ra từ sáng, lúc mặt trời đã tỏ và đến gần trưa thì kết thúc. Người Hà Nhì tin rằng vào thời điểm đó các thần linh mới lắng nghe được lời cầu khấn của họ. Sau lễ cúng, con cháu trong dòng họ đều ăn một chút lễ vật để “lấy lộc” cầu may.
Một nghi thức trong Tết mùa mưa của người Hà Nhì |
Trong Tết mùa mưa, các nghi thức, lễ thức chủ yếu diễn ra trong ngày đầu tiên, các ngày tiếp theo diễn ra phần hội. Vào ngày Tết mùa mưa còn có các tiết mục diễn xướng dân gian và các trò chơi. Trước ngày diễn ra lễ cúng sẽ có lễ dựng cây đu, đây là phong tục cổ truyền lâu đời của người Hà Nhì ở vùng cao Tây Bắc. Hai cây đu được dựng lên trong đó cây đu trong nhà cho trẻ nhỏ, còn người lớn cùng nhau chơi cây đu ở khu đất giữa bản.
Kế thừa truyền thống và những đổi mới
Tổ chức Tết mùa mưa của đồng bào Hà Nhì hiện nay đã có nhiều thay đổi và mang tính chất lễ hội nhiều hơn. Không gian Tết mùa mưa cũng có sự thay đổi. Trước đây nghi lễ cúng thường diễn ra tại ruộng nương, thì giờ đây nghi lễ có thể được tổ chức trong khuôn viên gia đình ông trưởng thôn, hay gia đình người sản xuất giỏi trong bản.
Tết mùa mưa là một nét văn hóa tinh thần độc đáo của người Hà Nhì, góp vào kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam một di sản quý.