Tết động viên!

Ngô Đồng| 31/01/2022 13:34

Hơn bao giờ hết, Tết đến, xuân về, ai cũng mong được đoàn tụ, sum họp với gia đình, người thân sau những tháng ngày xa nhà. Tuy nhiên, thay vì đoàn viên, Tết Nhâm Dần 2022, nhiều gia đình có những người con, người chồng, người cha vẫn đang bám trụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 lại mang ý nghĩa "Tết động viên".

ADQuảng cáo

Động viên con giữ gìn sức khỏe

Có mặt tại nhà của bác Huỳnh Thị Thúy ở xã Quảng Tín (Đắk R’lấp)-mẹ của bác sĩ Lê Văn Thương đang trực chiến tại Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vào chiều cuối năm âm lịch, chúng tôi cảm nhận thêm sự hy sinh, chia sẻ của những gia đình có con, em là những chiến sĩ áo trắng trên mặt trận chống dịch.

Bố mẹ bác sĩ Lê Văn Thương chuẩn bị hoa trưng Tết

Bác Thúy rơm rớm nước mắt: “Hơn 3 tháng rồi gia đình chưa được gặp con và cũng chưa có năm nào đón Tết mà nhà lại neo người như năm nay. Mọi năm, những ngày giáp Tết, bác có con trai phụ giúp trang trí, dọn nhà cửa, không khí rộn ràng, ấm cúng. Năm nay, chỉ có hai vợ chồng ở nhà, công việc rẫy nương cũng bận rộn nên không có thời gian sắm sửa, trang hoàng nhiều. Hơn nữa, dịch bệnh hiện vẫn còn phức tạp, con trai lại đang làm nhiệm vụ tại Khu điều trị Covid-19 nặng của tỉnh nên gia đình chuẩn bị Tết cũng đơn giản hơn so với mọi năm”.

Bác Huỳnh Thị Thúy dâng nén hương cầu mong bình yên cho cả gia đình

Với đôi mắt ngấn lệ khi nhắc về con trai, bác Thúy tâm sự thêm: “Mấy tháng trước, khi con trai gọi về thông báo sẽ đi tăng cường công tác chống dịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), tôi thật sự nhiều đêm mất ngủ bởi nhìn dòng người ngày đêm chạy về quê tránh dịch mà con mình lại đi vào chỗ nguy hiểm. Rồi đến thời điểm này, Thương lại ngày đêm túc trực  tại Khu điều trị Covid-19 nặng của tỉnh, là một người mẹ, tôi không thể tránh khỏi những lo lắng cho con.

Tuy nhiên, gạt qua những lo âu, muộn phiền, gia đình luôn gọi điện động viên con giữ gìn sức khỏe, bằng trách nhiệm của một người thầy thuốc, hãy tận tâm giúp những bệnh nhân nặng qua cơn nguy hiểm, có cơ hội sớm trở về sum họp với người thân”.

ADQuảng cáo
Bác Huỳnh Thị Thúy khóc khi chỉ được nói chuyện với con trai qua chiếc điện thoại

Thấu hiểu, thông cảm cho nhau

Tương tự, chị Trần Thị Ngân ở TP. Gia Nghĩa có chồng công tác tại Đồn biên phòng Đắk Dang (Tuy Đức) vẫn đang bám trụ nơi biên cương, bảo vệ biên giới và  phòng, chống dịch Covid-19.

Chị Trần Thị Ngân chia sẻ: “Là vợ lính biên phòng nên gần như tôi và các con đã quen cảm giác vợ xa chồng, con xa cha. Nhưng Tết đến xuân về , mấy mẹ con cũng không khỏi chạnh lòng khi thấy người người nhà nhà sum họp, đứa con nhỏ cứ hỏi "mẹ ơi, khi nào bố về" mà thấy nhói cả lòng. Vợ chồng tôi lấy nhau được 6 năm nhưng chỉ có 2 năm được đón Tết cùng nhau thôi.

Luôn xác định tư tưởng chồng có thể nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào nên chúng tôi rất trân quý những giây phút gia đình được sum vầy, quây quần bên nhau và cũng động viên nhau cùng cố gắng, cùng sẻ chia và thấu hiểu, thông cảm cho nhau. Tôi luôn động viên chồng yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ, cùng đồng đội giữ vững biên cương. Dịch bệnh bùng phát, vợ chồng tôi thường xuyên gọi điện trò chuyện, dặn dò mỗi người một nhiệm vụ, cùng nhau góp sức phòng, chống dịch”.

Những chiến sĩ biên phòng vẫn luôn chắc tay súng bảo vệ biên cương, ngăn chặn dịch từ xa

Cũng như gia đình bác Thúy, chị Ngân, còn rất nhiều gia đình khác có những người con, người chồng, người vợ, người mẹ, người cha đã và đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn kế hoạch, dự định đoàn tụ của biết bao người, bao gia đình.

Buồn có, lo lắng có, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, lực lượng tuyến đầu và cả người thân luôn động viên nhau cùng cố gắng vượt qua, với hy vọng một ngày không xa, khi dịch bệnh bị đẩy lùi sẽ được đoàn tụ, được gần gũi với những người thân yêu của mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết động viên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO