Văn hóa

Tết của các dân tộc Tây Nguyên

Hà An 17/01/2023 11:10

(DakNong) - Tây Nguyên là nơi sinh sống của hàng chục dân tộc anh em, đông nhất là các dân tộc Kinh, Ba Na, Gia Rai, Ê-đê, M’Nông, Xơ-đăng, H’rê... Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng và hàng năm đều có tổ chức những ngày lễ Tết cho buôn làng sau khi gặt hái đã hoàn tất.

Khi mưa rừng đã tạnh hẳn, hoa dã quỳ vàng rực khắp các triền đồi, cũng là lúc mùa màng đã xong và mùa “Ăn năm uống tháng - hoă blăm mnăm thun”, hay là “tháng nghỉ ngơi - khai ning nơng” cũng đến với mọi nhà.

cungthandat.jpg
Ảnh minh họa

Vì nhiều dân tộc cùng sinh sống nên sắc màu lễ Tết ở Tây Nguyên cũng vì thế mà rất phong phú. Ngoài Tết Nguyên đán của người Kinh, các dân tộc ở Tây Nguyên còn có các Tết như: Tết Cơm mới, Tết Bỏ mả, Tết Lúa, Tết Nước, Tết Lửa… Đây là những lễ hội sôi động, náo nhiệt nhất trong năm.

Tết Lửa và Tết Nước là của dân tộc Sê Đăng ( sống nhiều ở tỉnh Kon Tum). Quan niệm của người Sê Đăng là hai vị thần quan trọng nhất là Thần Nước và Thần Lửa. Đó là hai vị thần của mùa màng và sự sống. Tết Lửa thực ra là Tết Cơm mới, mừng mùa gặt mới. Tết Nước là lễ cúng Thần nước ( Yang Dak) thường tổ chức vào tháng 3 dương lịch.

 Mùa “ăn năm uống tháng, mùa nghỉ ngơi”, mùa các lễ, hội dày đặc được coi như là mùa Tết của người Tây Nguyên. Chúng kéo dài từ tháng 11 cho đến hết tháng 3 của năm sau.

Sau mùa gặt, người ta bắt đầu sửa sang máng nước, lau chùi các dụng cụ đựng nước, sau đó làm lễ “ cúng máng” trong từng gia đình và lễ chung cả buôn. Người ta mang nồi, thùng, quả bầu khô ra máng hoặc suối lấy nước mới, mời thầy về cúng, rồi tổ chức ăn, uống rượu cần, đánh cồng chiêng, ca hát, vui chơi suốt mấy ngày liền.

lecommoi.jpg
Cồng chiêng, rượu cần là những thứ không thể thếu của nhiều dân tộc bản địa ở Tây Nguyên (ảnh tư liệu)

Tết Bỏ mả là Tết của người Gia Rai, sống nhiều nhất ở tỉnh Gia Lai. Lễ Bỏ mả của họ giống như tục tảo mộ tiết thanh minh của người Kinh ở dưới xuôi, là hình thức cúng viếng tổ tiên, tưởng niệm, sửa sang mồ mả những người thân đã mất. Trong những ngày Tết Bỏ mả, bà con trong buôn kéo nhau đến từng nhà để góp vui. Khi lễ Bỏ mả bắt đầu, ngoài nghĩa địa vang lên tiếng cồng, chiêng, thanh la, trống.

Mọi người kéo nhau về bên các nhà mồ, trên tay cầm đuốc cháy rực. Trước nhà mồ, người ta cắm một cây nêu treo bằng những lá bùa xanh đỏ, ông thầy cúng hoặc gia chủ lầm rầm khán vái Giàng, mong linh hồn người chết về chung vui cùng người thân đang sống. Ở khu nhà mồ, người ta tổ chức rượu cần, thịt, đốt lửa ăn uống, cồng chiêng, nhảy múa, vui chơi ca hát thâu đêm suốt sáng.

Dân tộc Stiêng có Tết mừng lúa mới. Ngày Tết Mừng lúa mới, nhà nào cũng sắm váy mới, áo mới cho thanh niên.Phụ nữ ai cũng đeo hết các trang sức mà mình có để khoe với mọi người trong buôn. Các gia đình đều có hàng chục ché rượu cần và cũng mổ trâu, bò, heo để thiết đãi bà con buôn làng.

Trong Tết mừng lúa mới, buôn làng tổ chức lễ đâm trâu, cồng chiêng hò reo sôi động. Người Stiêng có tục lệ ngày Tết mừng lúa mới là lấy dây mây song đập nát trộn với đất, rồi đắp lên cơ thể mỗi người để nhắc nhở con cháu rằng thời tiền sử loài người sinh ra chỉ có thịt mà không có xương. Tết mừng lúa mới của người Stiêng kéo dài hai ba ngày.

Dân tộc K'ho ở Tây Nguyên có Tết Nholir-bông. Tết Nholir-bông cũng là loại Tết mừng lúa mới, cơm mới nhưng không diễn ra đôi ba ngày như các dân tộc khác mà kéo dài cả tháng trời, là tháng nghỉ ngơi sau vụ gặt. Trước khi diễn ra Tết Nholir-bông, người ta tổ chức Lễ cúng thần gió, cầu cho gió ngày tại nương rãy, cầu cho gió mạnh để giên lúa mới thật sạch. Vào Tết Nholir-bông, nhà nào cũng giết trâu, bò, lợn, gà làm thịt, rượu cần cúng mừng cót thóc mới. Người K'ho có tục lệ trong ngày Tết này cắt tiết con gà, lấy máu gà bôi lên bồ đựng thóc, các cửa lớn, cửa sổ.

Trộn máu gà với củ nghệ, mối đất, vỏ cây đa, cỏ tranh giã nhỏ, sau đó bôi lên ngực, lên trán của những người thân trong gia đình, bôi lên các đò gia dụng với ý nghĩa cầu may, trừ tà. Trong tháng Tết cả buôn làng kéo nhau đi từ nhà này sang nhà khác ăn uống, chúc mừng, nhảy múa rất sôi động.

Ngày nay, với sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ sản xuất lúa rẫy sang trồng cây công nghiệp dài ngày hoặc cây lúa nước, những lễ hội truyền thống gắn với nông lịch hay vòng đời đều còn rất ít.

Với sự du nhập của người Kinh từ mọi vùng, miền của tổ quốc về mái nhà chung Tây Nguyên, các dân tộc ở Tây Nguyên cũng đang dần thích ứng với văn hóa người Kinh, trong đó có Tết Nguyên đán.

Chuẩn bị đón Tết, bà con cũng dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng lại nhà cửa với những bức tranh, tờ lịch có hình ảnh, sắc màu ấm áp. Hầu như nhà nào cũng sắm cho con trẻ tấm áo mới, gói bánh tét, nấu xôi bằng gạo thơm mới, chuẩn bị sẵn vài con gà, thậm chí những con heo giống bản địa thịt ngọt thơm, chắc nịch đã được nuôi sẵn từ vài tháng trước đó, mua một ít các loại mứt, bánh kẹo, bia, nước ngọt. Chị em phụ nữ làm vài ché rượu cần nhỏ, để có một bữa ăn đoàn tụ gia đình, nghỉ ngơi sum họp vài ngày cùng con cái đi làm xa trở về.

Không chỉ có gia đình, bạn bè, người thân, mà cả chính quyền, đoàn thể ở địa phương cũng hình thành tập quán thăm hỏi bà con dân tộc các ngày Tết, tạo một không khí đầm ấm, thân thiện. Mấy năm gần đây, đời sống kinh tế khá hơn, nhiều gia đình, dòng họ thuê xe, tổ chức những chuyến du lịch thăm thú các miền vài ba ngày. Đó là những nét mới trong Tết ở Cao Nguyên.

Tuy không phong phú, hấp dẫn như những lễ hội truyền thống xưa kia, nhưng không khí Tết Nguyên đán ở Tây Nguyên cũng rộn ràng và đầm ấm. Hơn thế, sắc màu Tết ở Tây Nguyên cũng vì thế mà đa dạng, phong phú hơn nhiều.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Tết của các dân tộc Tây Nguyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO