Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận Tick xanh trách nhiệm
Nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối, các sở, ngành TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên ký kết thỏa thuận Tick xanh trách nhiệm.
Chiều 2/1, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) diễn ra hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Tham dự hội nghị có hơn 100 doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên. Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho rằng cần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm… trên thị trường.
Ông Trịnh Tấn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê hữu cơ Thuần Trịnh (Lâm Đồng) cho hay, điều trăn trở nhất khi các doanh nghiệp của Lâm Đồng đi xúc tiến thương mại tại TP. Hồ Chí Minh là chất lượng cà phê. Nhất là giá cả giữa cà phê chất lượng và chưa chất lượng.
“Công ty chúng tôi làm cà phê hữu cơ với quy trình chặt chẽ, nhưng rất chật vật trong việc tìm kiếm khách hàng. Trong khi đó, sản phẩm kém chất lượng lại lưu thông rất nhiều trên thị trường. Nên chăng cần có giải pháp để truyền thông cho người tiêu dùng nhận biết những sản phẩm bảo đảm chất lượng”, ông Vinh chia sẻ.
Liên quan đến Tick xanh trách nhiệm, anh Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Vương Thành Công (Đắk Lắk) cho rằng, khi tham gia chương trình, doanh nghiệp có được quyền lợi gì. Có chăng vẫn đang đánh đồng giữa những doanh nghiệp chân chính, sản xuất sản phẩm sạch với những doanh nghiệp khác.
“Chính quyền, đơn vị chức năng cần nâng cao kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Cần có cơ chế phân luồng sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn. Tránh tình trạng các sản phẩm thượng vàng hạ cám có mặt tràn lan tại các chuỗi cung ứng trên thị trường”, ông Vương chia sẻ.
Bà Hoàng Thị Thanh Hương, Giám đốc Khối Quản lý chất lượng Công ty WinCommerce (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Khi nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng, sản phẩm hàng hóa sẽ có chỗ đứng trên thị trường.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tình trạng sản phẩm nông sản, thực phẩm không an toàn luôn là vấn đề nóng. Nhiều ca ngộ độc thực phẩm, không ít cơ sở sản xuất sản phẩm mất an toàn bị phát hiện, xử lý.
“Các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng ngoài việc ứng dụng khoa học công nghệ, cần có kho dữ liệu để chia sẻ thông tin, kiểm tra, kiểm soát sản phẩm được tốt hơn”, ông Phương đề xuất.
Chương trình Tick xanh trách nhiệm được TP. Hồ Chí Minh phát động từ tháng 3/2024. Chương trình hướng đến mục tiêu định hướng sản xuất an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực.
Chương trình là cơ hội phát triển thị trường cho doanh nghiệp tuân thủ cam kết trách nhiệm về chất lượng. Đến nay, chương trình đã có 8 nhà bán lẻ đồng thuận, tiên phong với vai trò dẫn dắt nhà cung cấp thuộc hệ thống.
Tại chương trình, các địa phương, sở, ngành, doanh nghiệp, nhà phân phối đã ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên.