Tây Nguyên ứng phó với hạn hán cục bộ

HOÀNG HÙNG - ĐINH SỸ TẠO| 27/03/2025 08:10

Nắng nóng kéo dài, nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi giảm nhanh khiến hạn hán xảy ra cục bộ, gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa ở một số địa phương khu vực Tây Nguyên. Theo dự báo, từ nay đến đầu tháng 4 là đỉnh điểm của hạn hán, thiếu nước tại khu vực này, nguy cơ sẽ có hàng nghìn héc-ta cây trồng bị ảnh hưởng.

Ảnh hưởng bởi hạn hán khiến nhiều diện tích lúa ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) bị thiệt hại.Ảnh hưởng bởi hạn hán khiến nhiều diện tích lúa ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) bị thiệt hại.

Tỉnh Gia Lai đang vào mùa khô, nắng nóng cộng với gió mạnh làm lượng nước tại các hồ chứa và đập dâng bốc hơi nhanh. Do nguồn nước sụt giảm, một số diện tích cây trồng đang bị thiếu nước, có nguy cơ giảm sản lượng hoặc mất trắng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa Nguyễn Kim Anh cho biết: “Do thiếu nước, cánh đồng thuộc xã A Dơk đã có hiện tượng nứt nẻ, một số diện tích lúa đang trổ bông không thể phát triển, người dân phải cắt về làm thức ăn cho bò. Thống kê sơ bộ, toàn huyện có 48,5ha lúa bị thiệt hại, trong đó xã A Dơk 46ha, xã Trang 2,5ha với mức độ từ hơn 70% đến mất trắng, ước thiệt hại gần 560 triệu đồng”.

Tương tự, tại cánh đồng xã An Phú, thành phố Pleiku, một số diện tích lúa cũng đang bị khô héo do nắng hạn. Nguồn nước tưới từ hệ thống đập dâng An Phú đang sụt giảm dẫn đến nguy cơ nhiều diện tích lúa có thể bị hạn vào cuối vụ. Còn tại huyện Chư Sê, nguồn nước ở đập dâng Ia Pet và suối Ia Pet đang xuống thấp khiến nhiều diện tích lúa trên địa bàn xã Bờ Ngoong bị khô héo.

Ông Rah Lan Hble, làng Amo, xã Bờ Ngoong chia sẻ: “Những ngày này, dân làng chúng tôi đang tích cực bơm nước tưới cho cây lúa nhưng lượng nước từ đập dâng và suối xuống thấp, không đủ để bơm tưới liên tục. Để cứu lúa, hằng ngày, tôi phải túc trực chờ có nước để bơm tưới, song với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay thì không biết có đủ lượng nước cho cây lúa trong giai đoạn cuối vụ hay không”.

Bà Rah Lan Hlơi, làng Phăm Klăh, xã Bar Măih cho hay: “Hiện nay, ba sào lúa của gia đình đang trong giai đoạn trổ bông nhưng thiếu nước tưới, phải đưa máy bơm nhỏ đặt dưới lòng suối chờ nước mạch rỉ ra để bơm nước cứu lúa. Nhưng khu vực này là nơi thường bị thiếu nước tưới vào cuối vụ đông xuân khiến gia đình tôi rất lo lắng về nguy cơ mất mùa”.

Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi cho biết, khu vực Tây Nguyên hiện đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô 2024-2025, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương.

Dự báo đỉnh điểm của hạn hán, thiếu nước tại khu vực Tây Nguyên sẽ diễn ra vào giai đoạn từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 và kết thúc đầu tháng 5. Vào thời gian đỉnh điểm hạn hán, dự kiến diện tích bị ảnh hưởng khoảng 4.300 đến 7.000ha ở các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Những diện tích này chủ yếu tập trung tại vùng ngoài hệ thống tưới của các công trình thủy lợi hoặc các công trình đập dâng nhỏ. Tính đến ngày 21/3 tại khu vực Tây Nguyên, bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 51% dung tích thiết kế. Hiện trong vùng có 18 hồ nhỏ mực nước đang ở dưới mực nước chết, trong đó tỉnh Kon Tum có 8 hồ, Đắk Nông 9 hồ...

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, hiện mực nước ở 17 hồ chứa thủy lợi và 28 đập dâng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý nhưng dung tích chứa nước chỉ đạt từ 21 đến 89%. Tại một số đập dâng như: Ia Vê, Ia Lốp (huyện Chư Prông), Phạm Kleo, Ia Pet (huyện Chư Sê), An Phú (thành phố Pleiku), lượng nước đang bắt đầu giảm so với cùng kỳ. Dự báo trong thời gian tới nếu không có mưa, nguy cơ thiếu nước ở một số địa phương sẽ diễn ra gay gắt hơn.

Tây Nguyên ứng phó với hạn hán cục bộ ảnh 2Một số hệ thống tưới của các công trình thủy lợi tại Gia Lai hiện đã cạn khô.

Bên cạnh đó, do nắng nóng kéo dài làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, trong tháng 2, toàn tỉnh xảy ra hai vụ cháy rừng, trong đó vụ cháy rừng tại huyện Chư Păh đã thiêu rụi 45ha. Từ đầu tháng 3 đến nay, gần 15ha mía của hơn 10 hộ dân tại huyện Kbang và thị xã An Khê đang thời kỳ thu hoạch cũng bị cháy, ước thiệt hại khoảng 34 triệu đồng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến khô hạn, nắng nóng để kịp thời ứng phó; khuyến cáo nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý... Ủy ban nhân dân huyện Đak Đoa khuyến cáo nhân dân không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi; tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp yêu cầu cây trồng.

Theo Phó Cục trưởng Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh, để ứng phó với hạn hán, các địa phương khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục nhận định tác động của hạn hán, thiếu nước để tổ chức vận hành công trình thủy lợi hiệu quả; phối hợp các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện xây dựng kế hoạch điều tiết chặt chẽ, bảo đảm bổ sung nguồn nước cho hạ du phù hợp khả năng lấy nước của công trình thủy lợi và tiết kiệm nước; chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng có nguy cơ thiếu nước do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tay-nguyen-ung-pho-voi-han-han-cuc-bo-post867932.html
Copy Link
https://nhandan.vn/tay-nguyen-ung-pho-voi-han-han-cuc-bo-post867932.html

Nổi bật

    Mới nhất
    Tây Nguyên ứng phó với hạn hán cục bộ
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO