Thu hút vốn đầu tư lớn của doanh nghiệp
Dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên đã vận hành phát điện thương mại là Trang trại Phong điện Tây Nguyên tại huyện Ea H’leo, công suất 28,8 MW, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Công trình điện gió tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk |
Nhà máy điện gió Tây Nguyên là công trình thuộc giai đoạn 1 của dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên do Công ty Giải pháp năng lượng gió HBRE làm chủ đầu tư. Nhà máy có 14 trụ tua bin gió có công suất 2,4MW mỗi trụ. Sau gần 3 năm khởi động (từ tháng 10/2017), vào tháng 10/2020, giai đoạn 1 của dự án đã tiến hành hoàn thiện các bước cuối cùng để vận hành thương mại, cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện thương phẩm bình quân 109 triệu kWh mỗi năm. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 2 của dự án với công suất 110MW dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2022 và giai đoạn 3 dự kiến 300MW cũng đang được triển khai khảo sát, thiết kế trình phương án đầu tư.
Cũng tại Đắk Lắk, 2 nhà máy điện gió tổng công suất 70 MW, vốn đầu tư hơn 2.210 tỷ đồng thuộc Công ty TNHH Đầu tư VNM (Singapore) cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 1/2021. Trong đó, Nhà máy điện Alpha VNM được đầu tư tại xã Ea Sol, Đliê Yang và Ea Hiao (huyện Ea H’leo), diện tích gần 6,5 ha, công suất 20 MW, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng.
Nhà máy điện gió Beta đầu tư tại các phường Đạt Hiếu, An Bình, Đoàn Kết, Thống Nhất, Bình Tân và xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) và xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), diện tích 10,9 ha, công suất 50 MW, tổng mức đầu tư 1.560 tỷ đồng. Thời gian tiến hành thực hiện 2 dự án này là 24 tháng kể từ thời điểm được cấp quyết định chủ trương đầu tư, thời gian hoạt động 50 năm, được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu theo quy định.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian qua, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với điện gió.
Không riêng Đắk Lắk, các địa phương khác tại khu vực Tây Nguyên cũng ghi nhận làn sóng đầu tư vào năng lượng điện gió. Tại Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ia Boòng với công suất 50 MW tại huyện Chư Prông. Theo đó, dự án do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Chư Prông làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại các xã Ia Me, xã Ia Boòng, xã Ia Drang, xã Ia O, huyện Chư Prông với diện tích đất sử dụng là 28,8 ha, thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án có công suất 50 MW với các hạng mục như trụ gió, đường giao thông nội bộ, đường dây 22/220 kV trên không, đường dây 220 KV mạch đơn… Thời gian hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng dự án bắt đầu từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021. Thời gian xây dựng dự án từ tháng 2/2021 đến tháng 5/2021. Thời gian vận hành sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ từ tháng 5/2021 đến tháng 10/2021.
Nguồn động lực lớn của Đắk Nông
Đối với Đắk Nông, tháng 10/2020, 6 dự án điện gió đã được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây là những dự án điện gió đầu tiên của tỉnh và đều là những dự án có quy mô lớn. Tổng công suất của 6 dự án là 430 MW, đều được triển khai tại huyện Đắk Song, địa phương được đánh giá là có điều kiện, tiềm lực để phát triển loại năng lượng này.
6 dự án bao gồm Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3 với tổng công suất 300 MW, Nhà máy điện gió Asian Đắk Song 1 với công suất 50 MW, Nhà máy điện gió Đắk Hòa với công suất 50 MW và Nhà máy điện gió Nam Bình 1 với công suất 30 MW. Tổng mức đầu tư dự kiến của 6 dự án nêu trên lên đến gần 15.000 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2021, cả 6 dự án đều được đưa vào hoạt động.
Khi các dự án đưa vào vận hành sẽ góp phần cung cấp điện cho điện lưới quốc gia, cũng như gia tăng độ ổn định cho hệ thống điện tỉnh Đắk Nông, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các dự án này sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách và góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Theo Văn bản 693/TTg-CN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực. Theo đó, khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng đề nghị bổ sung quy hoạch tới 91 dự án, tổng công suất 11.733MW.
Theo các chuyên gia, với chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ngày càng được Chính phủ quan tâm, thì thời gian để hình thành một ngành công nghiệp chủ lực của đất nước từ Tây Nguyên chỉ còn là vấn đề thời gian. Qua đó, ngành công nghiệp mới này sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Theo PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những năm gần đây, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì xu hướng tiếp theo là tăng trưởng xanh. Theo đó, nguồn năng lượng tái tạo chiếm đa số và thay thế điện sử dụng năng lượng hóa thạch. Chính vì vậy, với chiến lược tăng trưởng chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, Việt Nam cần cụ thể hóa nhiều chính sách, tạo tiền đề thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.
Tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức vào đầu tháng 12/2020, các đại biểu nhận định, việc bổ sung các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô lớn trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sẽ tạo động lực phát triển mới cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông cũng xác định, việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời là một trong những nội dung trọng tâm mà tỉnh ưu tiên trong năm 2021 và các năm tiếp theo.