Tập trung "Vừa chạy vừa xếp hàng" trong tinh gọn tổ chức bộ máy
Với tinh thần “tỉnh không chờ huyện, huyện không chờ cơ sở”, các địa phương trong tỉnh đã và đang nhập cuộc, chủ động trong việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiền đề để tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy
Thực hiện chủ trương, định hướng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Huyện ủy Đắk Glong đã chủ động tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Theo đó, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa, ban hành 1 kế hoạch, 2 đề án, 1 chương trình, 3 công văn. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành 2 kế hoạch để triển khai thực hiện.
Qua 7 năm triển khai thực hiện, đến nay, địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bộ máy trong hệ thống chính trị cơ bản đã được tinh gọn. Huyện đã giảm được 2 đảng ủy trực thuộc Huyện ủy; giải thể 7 chi bộ cơ quan của 7 xã; giảm 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện; giảm 5 cấp trưởng, 2 cấp phó.
Vấn đề tinh giản biên chế được huyện thực hiện theo lộ trình, quy định. Đến nay, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Huyện ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, Trung tâm Chính trị huyện giảm 4 biên chế. Các phòng, ban thuộc HĐND, UBND huyện giảm 17 biên chế. Tổng số biên chế được giao năm 2024 là 83 biên chế, giảm 6 biên chế (9%) so với năm 2017.
Địa phương cũng đã giảm 11 cán bộ cấp xã, giảm 42 người hoạt động không chuyên trách cấp xã so với số lượng được cấp có thẩm quyền giao; giảm 204 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bon.
Theo đồng chí Mai Văn Tùng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đắk Glong, thời gian qua, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được địa phương thực hiện quyết liệt, khẩn trương, khoa học, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu, hướng dẫn. Mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhưng việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp.
Hiện nay, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị từng bước được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, khắc phục dần tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được cơ cấu, chuẩn hóa theo ngạch, nghề nghiệp, vị trí việc làm, phù hợp chức năng nhiệm vụ được giao. Đây là những tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong giai đoạn mới một cách quyết liệt hơn, khoa học hơn và hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mạnh hơn.
Chủ động rà soát, đề xuất phương án tinh gọn bộ máy
Thực hiện chỉ đạo, định hướng của Trung ương, tỉnh về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong giai đoạn mới, hiện nay, huyện Đắk Glong đã kịp thời tổ chức quán triệt các văn bản, nội dung, yêu cầu đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, các cơ quan, đơn vị. Trước yêu cầu cấp bách, khẩn trương của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy lần này, Huyện ủy yêu cầu các đơn vị cần chủ động nắm bắt triển khai thực hiện một cách quyết liệt hơn, gọn hơn, mạnh hơn.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Glong cho biết: “Huyện Đắk Glong triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo, yêu cầu của cấp trên về sáp nhập các đơn vị khối Đảng. Đối với khối Nhà nước, huyện đã xây dựng phương án triển khai thực hiện chuyển giao chức năng các phòng, ban để bảo đảm thống nhất với tỉnh”.
Bên cạnh đó, huyện nhận thấy có 3 trung tâm biên chế đông, không có nguồn thu dẫn đến hoạt động hiệu quả chưa cao nên dự kiến đưa về đơn vị hành chính, phòng chuyên môn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, giải thể Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Phòng GD - ĐT huyện; sáp nhập Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện về Phòng VH - TT huyện; sáp nhập Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện về Phòng Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
Dự kiến cấp huyện Đắk Glong sẽ còn 11 cơ quan chuyên môn, giảm 2 phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc UBND huyện; giảm 3 đơn vị sự nghiệp.
Theo Huyện ủy Đắk Glong, việc sáp nhập các lĩnh vực tương đồng nhằm tăng tính liên kết, giảm cấp trung gian, đơn giản hóa quá trình làm việc, bảo đảm bộ máy nhanh, linh hoạt, khắc phục được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ và gắn với tinh giản biên chế. Quá trình triển khai thực hiện sẽ tác động đến tư tưởng của cán bộ, công nhân, viên chức, nhất là tại các đơn vị thuộc diện tinh gọn.
Huyện Đắk Glong tăng cường nắm bắt tư tưởng, động viên cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, đồng thuận với chủ trương chung. Ngoài ra, địa phương chỉ đạo các đơn vị thuộc diện sắp xếp chủ động xây dựng dự thảo đề án để khi Trung ương, tỉnh thống nhất chủ trương thì tiến hành thực hiện.
Tập trung cho nhiệm vụ đặc biệt
Không riêng Đắk Glong, hiện nay, tất cả các địa phương khác trong tỉnh cũng đã và đang chủ động, tập trung cho nhiệm vụ đặc biệt, ưu tiên hàng đầu hiện nay là sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Các huyện, thành phố đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế qua 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18.
Theo đó, 7 năm qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, các đơn vị, địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Các địa phương đều tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời sắp xếp lại tổ chức bên trong nhằm giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, tạo sự thông thoáng, gọn, nhẹ để bộ máy vận hành trôi chảy.
Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn cũng quyết liệt, khẩn trương trong sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cấp xã, cấp thôn theo hướng tinh, gọn.
Sau 7 năm, toàn tỉnh Đắk Nông đã sắp xếp, sáp nhập 171 thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định (giảm 76 thôn, tổ dân phố); giảm 245 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và giảm 6.905 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Điều đáng mừng, dù bộ máy cấp xã, cấp thôn tinh giảm, một người cùng lúc đảm nhận từ 2-3 đầu việc, nhưng hiệu quả của các công việc không giảm mà tăng hơn. Từ đó, niềm tin của Nhân dân vào tổ chức bộ máy cấp xã, cấp thôn ngày càng được củng cố. Điều này cũng cho thấy, các địa phương rất quan tâm, chú trọng khâu lựa chọn cán bộ. Đó là chọn người có đủ năng lực, phẩm chất, ý thức trách nhiệm cao, vì cái chung.
Từ thực tế, kinh nghiệm qua 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, khi Trung ương, Tỉnh ủy có yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, các địa phương đã khẩn trương, chủ động triển khai bảo đảm lộ trình, tiến độ, yêu cầu. Tất cả các địa phương đều đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, làm công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động, nhất là những đơn vị thuộc diện sáp nhập, kết thúc hoạt động đợt này.
Các địa phương cũng chủ động xây dựng phương án đi đôi với chuẩn bị xây dựng dự thảo đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng dẫn để xin ý kiến, xem xét. Khi Trung ương, tỉnh có chủ trương thống nhất và thông qua thì sẽ tiến hành triển khai ngay, không để gián đoạn hoạt động, bảo đảm vận hành thông suốt, bộ máy mới sẽ hơn bộ máy cũ.
Đề xuất không thành lập 2 đảng bộ cơ sở cấp huyện
Một trong những chỉ đạo, yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 2019 về việc chỉ đạo triển khai, thực hiện Công văn số 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 là Khối cơ quan Đảng cấp huyện nghiên cứu đề xuất thành lập 2 đảng bộ cơ sở gồm Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp và Đảng bộ cơ quan chính quyền. Tuy nhiên, các địa phương thống nhất đề xuất không thành lập hoặc tiếp tục nghiên cứu.
Đồng chí Võ Phạm Xuân Lâm, UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Gia Nghĩa chia sẻ, trước đây, Gia Nghĩa đã thành lập 3 đảng bộ của khối Đảng, khối Nhà nước và Khối Mặt trận đoàn thể. Tuy nhiên, quá trình hoạt động phát sinh nhiều vấn đề về khâu trung gian, thủ tục chồng chéo dẫn đến không hiệu quả. Từ đó, địa phương đã quyết định chấm dứt hoạt động của Đảng bộ khối Chính quyền và khối Mặt trận đoàn thể. “Đối với việc thành lập 2 đảng bộ cơ sở cấp huyện, địa phương đề nghị cho tiếp tục nghiên cứu, chưa vội làm ngay”, đồng chí Võ Phạm Xuân Lâm đề nghị.
Đồng quan điểm với Thành ủy Gia Nghĩa, đồng chí Dương Huy Toàn, TUV, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức đề xuất không thành lập 2 đảng bộ cơ sở (Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp và Đảng bộ cơ quan chính quyền) đối với cấp huyện. Bởi thực tế, khi 2 đảng bộ cơ sở này thành lập thì đồng nghĩa với việc vừa tăng khâu trung gian, vừa tăng thêm biên chế, vừa khó cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Nguyên, UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các huyện ủy, thành ủy thì chỉ có 1 huyện đề nghị thành lập 2 đảng bộ cơ sở này, còn 7/8 huyện, thành phố đều đề xuất không thành lập. Thực tế cũng cho thấy, việc thành lập 2 đảng bộ cơ sở này ở cấp huyện sẽ không mang lại hiệu quả vì thêm khâu trung gian, thêm thủ tục, thêm con người. Quan điểm của Ban Tổ chức Tỉnh ủy là không đề xuất thành lập 2 đảng bộ cơ sở (Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp và Đảng bộ cơ quan chính quyền) cấp huyện và sẽ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.
Liên quan vấn đề này, tại Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, từ nay đến hết quý I/2025, nhiệm vụ tinh gọn sắp xếp tổ chức bộ máy được xếp vào nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Theo yêu cầu của Trung ương, thứ 5 hàng tuần, tỉnh phải báo cáo về việc này với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “tỉnh không chờ Trung ương, Trung ương không chờ tỉnh; huyện không chờ xã, xã không chờ huyện”. Nghĩa là cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải đồng thời triển khai. Tháng 2/2025, Trung ương, Quốc hội sẽ họp bàn về tinh gọn bộ máy. Khi Quốc hội thông qua và ban hành quyết định thì việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ thực hiện. Do đó, cấp huyện cũng cần chủ động rà soát để triển khai thực hiện không chờ tỉnh.