P.V: Bà có thể khái quát kết quả giảm nghèo của TP. Gia Nghĩa trong giai đoạn 2015-2020. So với năm 2015 (thời điểm áp dụng giảm nghèo đa chiều) thì tỷ lệ hộ nghèo của thành phố năm 2021 đã thay đổi như thế nào, thưa bà?
Bà Bùi Thị Kim Thư: Trong những năm qua, với sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể, công tác giảm nghèo trên địa bàn TP. Gia Nghĩa đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ đến đối tượng thụ hưởng, giúp người nghèo, người cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Việc kết hợp, lồng ghép, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng được triển khai có hiệu quả, tạo cơ hội và động lực để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm từ 2,5% năm 2015 xuống 0% năm 2021, bình quân hằng năm giảm 0,5%, vượt mục tiêu đề ra.
Đồ họa: B.M-T.H |
P.V: Để có được kết quả trên, thành phố đã tranh thủ được sự đóng góp từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác giảm nghèo ?
Bà Bùi Thị Kim Thư: Bên cạnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác giảm nghèo thì địa phương đã huy động được các nguồn lực từ xã hội. Hàng năm, UBND thành phố đều ban hành kế hoạch tập trung nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và sử dụng, phân bổ các nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh trùng lặp với các chương trình, kế hoạch khác.
Từ năm 2016 đến nay, TP. Gia Nghĩa đã kêu gọi, vận động 295 lượt các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân với số tiền hơn 2 tỷ đồng từ phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Từ số tiền trên, thành phố đã hỗ trợ, giúp đỡ 763 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng các hình thức như nhà ở, bảo hiểm y tế, vật nuôi, công cụ sản xuất…
P.V: Thành phố đã kịp thời biểu dương các cá nhân, tổ chức đóng góp cho công tác giảm nghèo, cũng như tuyên dương, khích lệ những hộ giảm nghèo điển hình. Chính điều này đã góp phần mang lại kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo của địa phương?
Bà Bùi Thị Kim Thư: Đúng vậy. Để kịp thời động viên, tuyên dương, ghi nhận sự đóng góp của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc chương trình giảm nghèo, Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa đã tặng giấy khen cho 13 cá nhân và 2 doanh nghiệp. Mặt khác, để tránh tâm lý ỷ lại, trông chờ thì ý thức thoát nghèo vẫn là điều quan trọng nhất. Chính vì thế, ngoài biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có đóng góp trong công tác giảm nghèo, thành phố cũng kịp thời khen thưởng 8 hộ dân vươn lên thoát nghèo, thoát nghèo bền vững. Sự khen thưởng này là động lực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khác thoát nghèo, đồng thời hình thành phong trào giúp đỡ nhau thoát nghèo trong Nhân dân.
P.V: Bước sang giai đoạn mới, thành phố đặt mục tiêu gì trong công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững?
Bà Bùi Thị Kim Thư: Theo kết quả tổng rà soát tháng 9 năm 2021, TP. Gia Nghĩa có 146 hộ nghèo với 610 khẩu, chiếm tỷ lệ 0,77% so với tổng số hộ dân cư. Trên cơ sở đó, TP. Gia Nghĩa phấn đấu bình quân hàng năm giảm tối thiểu 0,1% tỷ lệ hộ nghèo, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 1,5% (so với tổng số hộ dân tộc thiểu số tại chỗ).
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong thời gian tới thành phố sẽ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo theo từng năm.
Đặc biệt, thành phố chú trọng thực hiện công tác giảm nghèo theo từng hộ nghèo, từng nhóm hộ nghèo; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, động viên, hướng dẫn hộ nghèo về kiến thức, kinh nghiệm lao động, sản xuất, chủ động vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, không trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; gắn công tác giảm nghèo với giải quyết việc làm cho người lao động.
P.V: Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn.