Tập trung nguồn lực để phục hồi nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Phan Tân| 21/10/2021 14:04

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 21/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid 19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cùng các ĐBQH tỉnh tham dự tại điểm cầu Đắk Nông.

Cùng với nhất trí, thống nhất, đánh giá cao việc thực hiện kinh tế-xã hội năm 2021, công tác phòng chống dịch Covid-19 như báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Trung ương cần có giải pháp căn cơ, tập trung nguồn lực để phục hồi nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh đề nghị Trung ương cần tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, tăng đầu tư phục hồi, phát triển kinh tế

Phát biểu đóng góp ý kiến, đồng chí Ngô Thanh Danh nhận định, với việc thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế nên đời sống của người dân cơ bản được bảo đảm. Riêng đối với Đắk Nông, với sự vào cuộc quyết liệt, lãnh đạo đúng và trúng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân đã giúp địa phương vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khống chế dịch bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần có giải pháp căn cơ, sát và phù hợp với tình hình thực tế:

Trên cơ sở nhận định tình hình thực tế những tác động của đại dịch, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đưa ra những giải pháp căn cơ, xác đáng, tác động đến từng ngành, từng vùng miền, địa phương. Trong đó, Trung ương cần tập trung nguồn lực, đưa ra gói kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, tăng đầu tư phát triển kinh tế phù hợp với từng ngành, từng tỉnh, địa phương. Trung ương cân đối, điều tiết nguồn lực phù hợp, không để vùng miền nào để lại phía sau, cũng như không dàn đều mà phải có trọng tâm, trọng điểm. Kế hoạch xây dựng phải tính đến khả năng, nguồn lực phục hồi nền kinh tế, tránh thất thoát, lãng phí.

Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ, thống nhất hỗ trợ, thu hút người lao động trở lại lao động, sản xuất

Trung ương tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ. Trong quá trình thực hiện phải chủ động, quyết liệt và có kiểm tra, giám sát, tránh thất thoát, lãng phí, bảo đảm hiệu quả nguồn lực trong phục hồi, phát triển nền kinh tế.

Trong công tác phòng, chống dịch, nhất là qua thực tế đợt bùng phát dịch lần thứ 4, cần rút ra bài học kinh nghiệm là phải có sự đồng bộ, thống nhất  từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng với thực tế, hiệu quả. Bởi qua đợt dịch cho thấy, mỗi địa phương có những phương án, biện pháp khác nhau, chưa nhất quán. Hơn nữa, hệ lụy dịch để lại hết sức năng nề, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn nên rất cần cần sự hỗ trợ không những trước mắt mà còn về lâu dài.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông: “Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kìm chế lạm phát, đảm bảo ổn định chính sách an sinh xã hội, tăng cường quản lý nợ công…”

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, để bảo đảm phát triển kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ cần tăng cường xuất khẩu, giải quyết lượng hàng hóa đang ách tắc trong nước, tạo công ăn việc làm cho người dân. Người dân, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có giải pháp đồng bộ, thống nhất trong hỗ trợ, thu hút người lao động trở lại làm việc, nhất là lao động trở về từ các tỉnh, thành phố công nghiệp.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị rà soát, đánh giá các gói hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả, mức độ tiếp cận, thụ hưởng của người dân

Qua đợt dịch cần sớm định hình lại các khu, trung tâm công nghiệp theo hướng dàn đều ở các tỉnh thành để chủ động ứng phó thiên tai, dịch bệnh, giải quyết việc làm ngay tại chỗ. Trong công tác phòng chống dịch bệnh, cùng với tăng cường ngoại giao cần đẩy mạnh sản xuất vắc xin trong nước để sớm tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19. Chính phủ cần quan tâm, ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở y tế cấp xã, phường, thị trấn để bảo đảm khám chữa bệnh từ cơ sở, giảm bớt vIỆC đi lại của người dân, không tạo gánh nặng cho tuyến trên.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 có mức độ nguy hiểm, tác động mạnh đến tất cả các lĩnh vực nên cần có chính sách giảm thuế, đồng hành cùng các doanh nghiệp đang gánh chịu tổn thất nặng nề. Các gói hỗ trợ cần phải rà soát, đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp cận, thụ hưởng của người dân, tránh các trường hợp tư lợi làm mất ý nghĩa, giảm niềm tin, gây dư luận không tốt…

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông: "Giải quyết tốt các phát sinh khi người dân từ các thành phố lớn trở về quê…”

Chiều 21/10, Kỳ họp thứ 2 tiếp tục thảo luận tại tổ Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/tap-trung-nguon-luc-de-phuc-hoi-nen-kinh-te-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-89704.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/tap-trung-nguon-luc-de-phuc-hoi-nen-kinh-te-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-89704.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Tập trung nguồn lực để phục hồi nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO