Tập trung khai thác tiềm năng cây dược liệu

Bài, ảnh: Trần Lê| 09/02/2022 09:00

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nội dung trọng tâm thứ hai về phát triển kinh tế là trồng và chế biến dược liệu.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, với khí hậu ôn hòa, đất bazan màu mỡ, hệ sinh thái đa dạng, Đắk Nông có nhiều lợi thế về phát triển nhiều loại cây dược liệu.

Một số vùng sinh thái tự nhiên tập trung cây dược liệu với trữ lượng lớn như Vườn quốc gia Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và vùng rừng thuộc huyện Cư Jút. Tại những nơi này, có nhiều loài cây dược liệu quý như: hoàng cầm, sâm cau, một lá, mật nhân…

Những năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị cây dược liệu đã được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm. Thế nhưng, trên thực tế, ngành dược liệu ở Đắk Nông còn rất nhiều hạn chế, kém phát triển.

Nghệ bọ cạp đã được các hộ dân xã Đắk Ha (Đắk Glong) trồng hiệu quả từ nhiều năm nay

Đắk Glong là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển, chế biến các loại dược liệu. Từ những lợi thế về sinh thái, nơi đây có nhiều cây dược liệu bản địa quý, hiếm, được nhiều người dân phát triển, bảo tồn.

Một số cá nhân, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực dược liệu. Điển hình như HTX Dược liệu An Phúc Khang, xã Đắk Ha (Đắk Glong). Nhiều năm nay, đơn vị đã liên kết với nhiều hộ dân trồng xen canh, chuyên canh khoảng 50 ha cây dược liệu như nghệ bọ cạp, sâm bố chính, đương quy, nhàu...

Cây đàn hương đã được một số hộ dân tại huyện Đắk Glong trồng thành công

Theo bà Nguyễn Thị Băng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dược liệu An Phúc Khang, đến nay đơn vị đã hợp tác với một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trồng, chế biến được nhiều sản phẩm dược liệu, được thị trường đánh giá cao.

“Tiềm năng về phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đang còn lớn. Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục liên kết, mở rộng diện tích dược liệu để tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm mới”, bà Băng cho biết.

Sản phẩm sâm bố chính, đương quy của HTX Dược liệu An Phúc Khang (Đắk Glong)

Việc phát triển dược liệu, y học cổ truyền đã được Đắk Nông nhìn nhận, quan tâm từ nhiều năm nay. Tháng 7/2020, UBND tỉnh đã triển khai Chương trình phát triển y dược cổ truyền; kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh xác định phát triển nền y dược cổ truyền theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ với y dược hiện đại nhằm phòng, chống bệnh tật. Trong đó, việc bảo tồn các cây, con quý hiếm làm nguồn thuốc lâu dài sẽ được chú trọng.

Đắk Nông hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện y dược cổ truyền. Cụ thể, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh 95% bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế cấp huyện, thành phố có khoa y, dược cổ truyền; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám, chữa bệnh y dược cổ truyền.

Đắk Nông tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền được ứng dụng trong thực tiễn, tăng tỷ lệ dược liệu nuôi trồng trong tỉnh. Tỉnh khuyến khích dược liệu nuôi trồng đạt thực hành tốt, thu hái theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Đồng thời, tỉnh phát triển y dược cổ truyền khối tư nhân, tăng cường vai trò của hội đông y tỉnh, huyện. 

Tiềm năng về phát triển cây dược liệu vẫn còn lớn. Tuy nhiên, việc trồng, chế biến dược liệu vẫn còn theo hình thức tự phát nhiều. Đắk Nông chưa phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị đặc trưng, liên kết hình thành vùng hàng hóa bền vững.

Mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII là cơ sở, động lực để các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển ngành dược liệu một cách bài bản, bảo đảm tốt các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/tap-trung-khai-thac-tiem-nang-cay-duoc-lieu-91442.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/tap-trung-khai-thac-tiem-nang-cay-duoc-lieu-91442.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tập trung khai thác tiềm năng cây dược liệu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO