Tập trung gỡ ách tắc nguồn nguyên liệu cho Công ty Nhôm Đắk Nông
Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Để bảo đảm cho công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, UBND tỉnh Đắk Nông, các ngành, địa phương đang tập trung tháo gỡ.
Gỡ vướng về giải phóng mặt bằng
Để tháo gỡ khó khăn cho Công ty Nhôm Đắk Nông -TKV, UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập Tổ công tác xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Công ty Nhôm Đắk Nông (Tổ 1644). Sau hơn 5 tháng thành lập, Tổ 1644 đã tập trung tháo gỡ được nhiều tồn tại mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Đối với Khai trường năm thứ 4-6, trong tháng 2/2023, Tổ đã vận động được 18 hộ bàn giao 15 ha mặt bằng. Hiện diện tích còn lại còn khoảng 13,3ha, bao gồm diện tích của 4 hộ bị cưỡng chế thuộc xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp); 16 hộ đủ điều kiện tái định cư và 1 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Thời gian tới, Tổ 1644 sẽ tổ chức cưỡng chế 1 hộ dân tại xã Đắk Wer (Đắk R'lấp); hỗ trợ bảo vệ thi công đối với 5 hộ dân đã cam kết bàn giao mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao.
Huyện Đắk R’lấp tiếp tục tuyên truyền, vận động 16 hộ còn lại để bàn giao mặt bằng. Phấn đấu diện tích khai trường này sẽ bàn giao được khoảng 7-8 ha để phục vụ cho việc khai thác quặng.
Tại Khai trường năm thứ 7-8, Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk R'lấp đang phối hợp với Công ty Nhôm Đắk Nông ráo riết triển khai các hoạt động liên quan.
Cụ thể, UBND các xã được hỗ trợ xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Từ đó làm cơ sở lập dự thảo phương án thu hồi gần 75 ha của 77 hộ dân ở xã Đắk Wer và Nghĩa Thắng.
Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành việc cập nhật hồ sơ, xác minh thực địa và đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo phương án. Dự kiến thời gian hoàn thành phương án đối với 77 hộ dân trên trước ngày 31/3/2023.
Bố trí các khu tái định cư
Để có mặt bằng phục vụ hoạt động khai thác, việc bố trí các khu tái định cư (TĐC) cho người dân ảnh hưởng bởi dự án đang được các ngành, địa phương khẩn trương giải quyết.
Cụ thể, đối với 2 khu TĐC đầu tư xây dựng trên phần diện tích ngoài ranh hiện đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Trong đó, Khu TĐC ở thôn 13, xã Đắk Wer, chủ đầu tư đã trình Sở Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Khu TĐC thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng, chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi trình Sở Xây dựng thẩm định.
Riêng với 4 khu TĐC còn lại hiện đã có quy hoạch chi tiết, bao gồm Khu TĐC thôn 11, xã Nhân Cơ; khu TĐC thôn 7, xã Kiến Thành; Khu TĐC Bon Bu N’Doh, xã Đắk Wer và khu TĐC thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng.
Đến nay, 4 khu TĐC này đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến người dân về quy mô, mặt cắt ngang đường, diện tích lô TĐC theo chỉ đạo của UBND tỉnh để có thiết kế phù hợp với quy hoạch cũng như nguyện vọng của người dân. Đồng thời đã thẩm định dự toán chuẩn bị đầu tư và đang triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn theo quy định.
Đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Tổ trưởng Tổ 1644 cho biết, việc giải phóng mặt bằng tại Công ty Nhôm Đắk Nông là vấn đề cấp thiết, cần vào cuộc mạnh mẽ, nhất là vấn đề bố trí vốn.
“Nếu không có vốn thì không thể triển khai được các khu TĐC. Không có các khu TĐC thì không thể giải phóng được mặt bằng tại các khai trường để có nguyên liệu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên nhấn mạnh.
Việc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV. Công ty hiện đang thực hiện giảm tải công suất hoạt động Nhà máy Alumin Nhân Cơ từ 960m3/giờ xuống còn 920m3/giờ. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm tải xuống 880m3/giờ. Ngoài ra, nếu không giải phóng được mặt bằng, đơn vị sẽ không có nguyên liệu quặng tích kho theo kế hoạch và nguy cơ nhà máy có thể ngừng hoạt động sản xuất.