Hơn 2 năm nay, gần như ngày nào chị Vi Thị Sinh, xã Nam Dong (Cư Jút) cũng có mặt tại trang trại nấm của Công ty TNHH khoa học và công nghệ TOTA, xã Ea Pô (Cư Jút). Công việc của chị lúc thì xếp bịch nấm, tưới nước, lúc thì thu hoạch…
Sau một thời gian làm nghề, chị Sinh đã thuần thục các phần việc tại trang trại. Theo chị Sinh, việc làm nấm ổn định, đỡ vất vả hơn so với các công việc chị làm trước đây. Thu nhập của chị ổn định với mức hơn 200.000 đồng/ngày.
Trang trại nấm lắp pin điện mặt trời của Công ty TNHH khoa học và công nghệ TOTA |
Tương tự, anh Nguyễn Đông Thịnh, ở xã Ea Pô (Cư Jút) làm việc ở trang trại nấm này hơn 1 năm nay. Anh Thịnh tâm sự: Từ nhà tôi đến trang trại khá gần, tiếp xúc với ít người, nên công việc rất thuận lợi. Lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có được việc làm tại địa phương là điều khá may mắn.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều lao động hiện tại đang có việc làm ổn định tại trang trại nấm của Công ty TNHH khoa học và công nghệ TOTA. Năm 2019, công ty đã đầu tư xây dựng trang trại nấm công nghệ cao trên gần 1 ha đất cằn tại Ea Pô.
Trang trại nấm của Công ty TNHH khoa học và công nghệ TOTA góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương |
Theo ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH khoa học và công nghệ TOTA, việc trồng nấm có 4 khâu quan trọng cần lưu ý là: giá thể làm phôi nấm, hấp thanh trùng phôi nấm, cấy giống nấm và chăm sóc nấm sau khi phôi bắt đầu trắng.
Hiện công ty đã phát triển được các giống nấm như nấm mèo, nấm bào ngư, nấm linh chi… Mỗi năm, công ty cung cấp ra thị trường hàng chục tấn nấm thành phẩm các loại.
Mô hình trồng nấm dưới công trình điện mặt trời giúp tận dụng quỹ đất trống, tạo việc làm cho người dân địa phương |
Vào thời điểm Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái năm 2020, công ty đã tận dụng toàn bộ diện tích mái nhà của trang trại nấm để lắp đặt pin năng lượng mặt trời. Nguồn điện mặt trời được sử dụng trực tiếp cho sản xuất nấm, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Nguồn điện dư còn lại được công ty bán lại cho điện lực tại địa phương.
Hiện tại, doanh thu từ trồng nấm kết hợp điện mặt trời của công ty vào khoảng 3 tỷ đồng/năm. “Mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giúp công ty rút ngắn thời gian thu hồi vốn. Điều mà công ty vui nhất là đã góp phần tạo thêm việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”, ông Anh chia sẻ.
Công ty TNHH khoa học và công nghệ TOTA hiện đang tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương có thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng. Ðối với các công ty, trang trại trồng nấm dưới điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh cũng đang hoạt động có hiệu quả, đặc biệt tạo nhiều việc làm cho lao động ở địa phương với thu nhập khá ổn định. |
Theo lãnh đạo huyện Cư Jút, thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn đã tìm được việc làm tại các trang trại điện năng lượng mặt trời. Thông qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng nấm, trồng cây dược liệu dưới mái nhà..., nhiều doanh nghiệp điện năng lượng mặt trời đã mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Ngoài mô hình trên, tại Cư Jút, Krông Nô và các địa phương khác có nhiều đơn vị, cá nhân đã kết hợp hiệu quả việc trồng nấm dưới công trình điện mặt trời. Nhờ phần mái có sẵn, chủ các công trình chỉ cần đầu tư thêm khung sắt, dây treo nên tiết kiệm được chi phí.
Trồng nấm nói riêng, phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung dưới công trình điện mặt trời đang là những điểm sáng về hiệu quả kinh tế. Doanh nghiệp, người dân không chỉ tận dụng được quỹ đất trống để nâng cao thu nhập mà còn tiếp cận nguồn năng lượng sạch, bền vững.
Việc kết hợp sản xuất này đúng với định hướng, chính sách khuyến khích của Trung ương để phát triển năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người dân địa phương.