Tạo thêm sức mạnh cho Đảng(Kỳ 2): Những trở ngại phát triển đảng ở khu dân cư
Với Nghị quyết đề ra hàng năm tỷ lệ phát triển đảng viên đạt 3% tổng số đảng viên, nhiều tổ chức cơ sở đảng, nhất là khu dân cư, đồng bào có đạo đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ khó hoàn thành
Khan hiếm nguồn
Chi bộ thôn Đắc Lộc, xã Đắk Lao hiện có 22 đảng viên đang sinh hoạt. Theo Chi ủy Chi bộ thôn Đắc Lộc, nhiệm kỳ 2020 – 2022, tất cả các chỉ tiêu nghị quyết đề ra đều đạt, một số chỉ tiêu vượt. Riêng chỉ tiêu về phát triển đảng viên thì 4 năm nay, Chi bộ thực hiện không đạt.
Đồng chí Nguyễn Bá Lộc, Bí thư Chi bộ cho biết: “Với đặc thù là Chi bộ nông thôn, quần chúng trong thôn hầu hết đã lớn tuổi, không đủ tiêu chuẩn, trong khi đó thanh niên trong độ tuổi lao động chủ yếu đi làm ăn xa ảnh hưởng không nhỏ đến bồi dưỡng, tạo nguồn cho Đảng. Chưa kể, một số quần chúng sau khi cử đi học lớp nhận thức về Đảng thì không chịu viết hồ sơ lý lịch, nên việc phát triển đảng viên thật sự rất khó mà đạt được”.
Không riêng Chi bộ thôn Đắc Lộc, năm 2022, dù quan tâm, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, song Đảng bộ xã Đắk Lao chỉ phát triển được 8/10 đảng viên. Năm 2023, đối chiếu nghị quyết 3% tổng số đảng viên, Đảng bộ xã Đắk Lao cần phát triển được 12 đảng viên. Con số này là một thách thức không nhỏ đối với xã.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Lao Trần Nguyên Long cho biết: “Giao chỉ tiêu này thực sự rất khó đạt. Nguyên nhân là do khu vực nông thôn, lao động trẻ có trình độ đi làm ăn xa. Người ở lại địa phương thì không đủ điều kiện. Mặt trận, đoàn thể chủ yếu là những người cao tuổi nên không đáp ứng được yêu cầu. Nguồn trong độ tuổi quy định thì nhiều nhưng lại chưa sẵn sàng để đứng vào hàng ngũ của Đảng”.
Được biết, năm 2023, Đảng ủy xã đã cử 15 quần chúng theo học lớp nhận thức về Đảng đợt 1. Đảng ủy cũng xây dựng kế hoạch thực hiện phát triển đảng năm 2023 và lộ trình cho những năm tiếp theo. Trong đó, cấp ủy các cấp chú trọng tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú tham gia các phong trào nòng cốt ở thôn; tổ chức cho đi học các lớp nhận thức về Đảng đối với những người đủ điều kiện nhưng để đạt được chỉ tiêu này rất khó. Chưa kể, mỗi năm số đảng viên toàn Đảng bộ tăng lên, đồng nghĩa với việc con số đảng viên mới cần phát triển sẽ tăng...
Không riêng Đắk Lao, qua tìm hiểu, Đắk Mil là địa phương nhiều năm liền không đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên theo kế hoạch, mặc dù chỉ tiêu do địa phương đề xuất và thực hiện thấp hơn so với nghị quyết mới rất nhiều. Năm 2023, với việc phát triển 3% tổng số đảng viên, Đảng bộ Đắk Mil cần phát triển 112 đảng viên, tức là gấp 1,5 lần của năm 2022.
Theo Huyện ủy Đắk Mil, việc phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, cái khó của huyện chính là tạo nguồn. Nguồn hiện nay rất khan hiếm, muốn bồi dưỡng, tạo nguồn không đơn giản mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, sâu sát cơ sở nhưng vẫn không khả quan. Nghị quyết đề ra, địa phương sẽ nỗ lực, bằng nhiều giải pháp để thực hiện đạt kết quả cao nhất.
Cần thời gian để gieo hạt
Không riêng gì Đắk Mil, hiện nay, công tác phát triển đảng viên ở các địa phương khác, nhất là khu dân cư gặp rất nhiều khó khăn.
Tại TP. Gia Nghĩa, nguồn phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư rất hạn chế. Nguyên nhân do phần lớn đoàn viên, thanh niên trẻ có trình độ đi làm ăn ở địa phương khác, dẫn đến khó theo dõi, giúp đỡ. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp THPT đa số chọn ở lại thành phố để lập nghiệp. Tại khu dân cư, người tích cực tham gia hoạt động các đoàn thể hầu hết lớn tuổi và không đạt yêu cầu.
Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức Tạ Chí Thông chia sẻ: “Năm 2021, Chi bộ phát triển được 1 đảng viên mới; năm 2022 thì không. Chi bộ cũng rất cố gắng trong khâu tìm nguồn, tạo nguồn, nhưng rất khó vì ai cũng có những lý do riêng. Nhiệm kỳ 2022 – 2025, Chi bộ đề ra chỉ tiêu kết nạp từ 1 – 2 đảng viên. Hiện nay, Chi bộ đã triển khai nhiều giải pháp trong khâu tạo nguồn, cử đi học lớp nhận thức về Đảng. Khi nguồn chín, Chi bộ phân công đảng viên trực tiếp giúp đỡ trong làm hồ sơ để đạt được chỉ tiêu đề ra.
Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức Tạ Chí Thông chia sẻ: “Năm 2021, Chi bộ phát triển được 1 đảng viên mới; năm 2022 thì không. Chi bộ cũng rất cố gắng trong khâu tìm nguồn, tạo nguồn, nhưng rất khó vì ai cũng có những lý do riêng. Vào Đảng là tự nguyện, vào để cống hiến, trưởng thành và phát huy vai trò của người đảng viên. Do đó, Chi bộ động viên, tuyên truyền, phân tích nhằm nâng cao nhận thức là chính. Còn khi mình đã làm rất nhiều, nhưng quần chúng chưa nhận thức rõ, hoặc chưa tự nguyện để làm đơn xin vào Đảng thì không thể ép buộc được”.
Nhiệm kỳ 2022 – 2025, Chi bộ đề ra chỉ tiêu kết nạp từ 1 – 2 đảng viên, nên hiện nay đã triển khai rất nhiều giải pháp trong khâu tạo nguồn, cử đi học lớp nhận thức về Đảng. Khi nguồn chín, Chi bộ phân công đảng viên trực tiếp giúp đỡ trong làm hồ sơ để mong sao đạt được chỉ tiêu đề ra.
Theo đồng chí Hoàng Công Hội, Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đức, Đảng bộ hiện có 279 đảng viên. Như vậy, năm 2023, Đảng bộ cần phát triển 8 đảng viên. Thế nhưng hiện nay, nguồn của địa phương rất thiếu. Nguyên nhân một phần là do cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để quyết liệt thực hiện. Nghĩa Đức đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nên thanh niên đi làm ăn xa nhiều. Trong khi, một bộ phận thanh niên ở tại địa phương nhận thức còn hạn chế, chưa tích cực với hoạt động xã hội. Mặt trận, đoàn thể chưa thu hút được lực lượng đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào hoạt động. Chính những yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ tiêu phát triển đảng nhiều năm qua của phường.
Do đó, để thực hiện chỉ tiêu năm 2023, Đảng ủy phường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như giao mỗi chi bộ giới thiệu ít nhất 1 quần chúng tham gia lớp nhận thức về Đảng; Mặt trận, đoàn thể phối hợp giới thiệu đoàn viên, hội viên tham gia tốt các phong trào của địa phương... Giải pháp đề ra là vậy, nhưng để kết nạp được 8 đảng viên rất nan giải, khó khả thi. Bởi phát triển đảng viên không phải chỉ về số lượng mà cần bảo đảm chất lượng. Việc đánh giá quần chúng ưu tú cần phải có thời gian, đánh giá toàn diện về mọi mặt, không phải học xong đều đủ điều kiện kết nạp, không thể chín ép.
Do khó khăn chung, nên từ năm 2020 đến nay, mặc dù Đảng bộ Gia Nghĩa đề ra chỉ tiêu phát triển đảng viên khá thấp, nhưng chỉ có 1 năm thực hiện đạt. Cụ thể, năm 2020, Đảng bộ phát triển được 34/40 đảng viên; năm 2021 là 35/40 đảng viên và năm 2022 là 40/40 đảng viên.
Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Gia Nghĩa Vũ Mạnh Trung cho biết: “Năm 2023 này, Đảng bộ cần phát triển 81 đảng viên thì mới đạt, con số này cao gấp 2 lần so với những năm qua. Hiện nay, nguồn phát triển chủ yếu ở cơ quan Đảng, Nhà nước, còn khu dân cư rất khó”.
Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2020 đến 2022, cấp ủy các cấp đã tập trung phát triển đảng ở khu dân cư và đã có chuyển biến tích cực. Nhưng trên thực tế, việc phát triển đảng viên ở thôn, bon chưa tương xứng với nguồn lực đông đảo. Năm 2020, toàn tỉnh phát triển 69/731 đảng viên; năm 2021 là 86/658 đảng viên; năm 2022 là 98/629 đảng viên ở các thôn, bon, buôn, bản.
Có thể nói, công tác phát triển đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, không chỉ kịp thời bổ sung về số lượng mà để chuẩn bị cho lớp cán bộ kế cận. Do đó, yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay là các tổ chức cơ sở đảng, nhất là khu vực dân cư phải quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, làm một cách quyết liệt thì mới có thể khắc phục được những khó khăn này.
Kỳ 3: Không bàn lùi, phải quyết tâm thực hiện