Vững biên cương
Trong gần 65 năm chiến đấu và trưởng thành, nhất là trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, BĐBP Đắk Lắk (cũ) nay một phần thuộc tỉnh Đắk Nông có hơn 150 CBCS (Lịch sử BĐBP Đắk Lắk 1960-1995) đã hóa thân vào lòng đất mẹ để bảo vệ từng tấc đất ngọn cỏ bên phên dậu Tổ quốc, với những chiến tích lừng lẫy, điển hình là Đồn Biên phòng cửa khẩu Bu Prăng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Vì thế, tại nhiều đồn biên phòng của tỉnh đều có bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Đó là những “tượng đài máu” được tạc nên bởi sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ biên phòng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc.
Với bề dày truyền thống đó, giữ trọng trách là lực lượng giữ “phên dậu”, quản lý bảo vệ khoảng 141 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia) BĐBP tỉnh Đắk Nông đã bám sát các chủ trương, chính sách, thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, vận động quần chúng, xây dựng nền biên phòng và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Dang giúp người dân xã Quảng Trực (Tuy Đức) lao động, sửa chữa nhà cửa |
Đại tá Nguyễn Văn Lư, Chỉ huy Trưởng BĐBP tỉnh cho biết: “Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông một mặt tập trung quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn biên giới, mặt khác, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 28/9/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đến từng cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trên khu vực biên giới”.
Đảng ủy, Bộ Chỉ huy thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy thực hiện tốt việc quản lý, giáo dục, rèn luyện, gắn với phân công công tác cho đảng viên phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao. Hằng năm, việc đánh giá, xếp loại đảng viên được thực hiện tốt, trên cơ sở kết quả hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao hằng năm. Các chế độ nền nếp sinh hoạt Đảng trong BĐBP tỉnh được duy trì đúng quy định, đội ngũ cấp ủy viên, ủy ban kiểm tra các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn, thực hiện nghiêm các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Song song với việc quan tâm chăm lo, xây dựng lực lượng vững mạnh, trên cơ sở sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, BĐBP Đắk Nông đẩy mạnh triển khai xây dựng các công trình, dự án phục vụ quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm dân sinh, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống về mọi mặt cho bộ đội và Nhân dân trên biên giới.
Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk M'Bai xây dựng mô hình hũ gạo biên cương để giúp người nghèo trên biên giới |
Xây dựng “lũy thép” lòng dân
Để góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng “lũy thép” lòng dân ngày càng vững mạnh, bên cạnh làm tốt công tác tham mưu xây dựng, củng cố thực lực chính trị cơ sở, tăng cường cán bộ đảng viên xuống phụ trách địa bàn, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa lực lượng vũ trang với cấp ủy, chính quyền địa phương và đoàn thể Nhân dân trong khu vực biên giới..., Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Nông tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt phương châm ‘‘3 bám, 4 cùng’’, đồng hành, tiếp sức cho bà con Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế để cùng vượt khó vươn lên. Nhiều mô hình, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn được BĐBP Đắk Nông thực hiện hiệu quả. Tiêu biểu, mô hình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Hũ gạo tình thương”, “Tiết học vùng biên”, “Tay kéo Biên phòng”... đã lan tỏa nét đẹp nhân văn và ý nghĩa xã hội trên biên giới.
Đời sống của người dân vùng biên giới không ngừng được cải thiện, nâng cao, niềm tin được củng cố là cơ sở quan trọng để xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong “mái nhà chung” biên giới, nét đẹp của tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quân dân đã tạo nên “lũy thép” lòng dân ngày càng bền vững.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Song băng rừng tuần tra bảo vệ biên giới |
Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về quốc phòng an ninh xác định: bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Đắk Nông tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực phòng thủ; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Đắk Nông tập trung đẩy mạnh đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền, đối ngoại Nhân dân giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia. Trọng tâm, thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới của tỉnh với tỉnh Mondulkiri (Campuchia) nhằm thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các cửa khẩu, lối mở biên giới. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân biên giới, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật an toàn xã hội khu vực biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Tiên và người dân xã Thuận Hà (Đắk Song) tuần tra biên giới, phát quang, vệ sinh bảo vệ cột mốc biên giới |
Riêng đối với khu kinh tế cửa khẩu Đắk Peur (xã Thuận An, huyện Đắk Mil) giai đoạn 2026-2030, được tập trung phát triển thành khu tích hợp đa mục tiêu gồm kinh tế, an ninh - quốc phòng; tích hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giai đoạn sau 2030 (tầm nhìn 2050), hình thành các cụm kinh tế trong các khu kinh tế cửa khẩu, đầu tư các loại hình kho hàng hóa, kho ngoại quan và trung tâm logistics. Khu kinh tế cửa khẩu Bu Prăng, đến năm 2030, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại đồng bộ, hình thành khu chức năng trong các khu kinh tế cửa khẩu.
Đại tá Nguyễn Văn Lư cho biết thêm: phát huy truyền thống Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể, cùng với quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, nhất là Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 28/9/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Toàn lực lượng chủ động nắm chắc tình hình, tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới, không để xảy ra các điểm nóng, bị động, bất ngờ. Việc tham mưu đề xuất các chủ trương, nhiệm vụ bảo vệ biên giới, củng cố chủ quyền lãnh thổ, phân giới cắm mốc, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc tiếp tục được chú trọng.