Đời sống

Tạo sinh kế cho phụ nữ vùng biên

Tuệ An 12/06/2023 13:27

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khu vực biên giới.

ADQuảng cáo

Nhiều mô hình sinh kế

Trên tinh thần chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN các huyện biên giới phối hợp với các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn rà soát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và lựa chọn các mô hình hiệu quả giúp chị em phát triển kinh tế gia đình.

dsc09619(1).jpg
Vườn cà tím của hội viên phụ nữ xã Đắk Búk So (Tuy Đức)

Đến nay, các cấp hội huy động nguồn lực, phối hợp triển khai hỗ trợ xây dựng 40 mô hình sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn vay phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong đó, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 2 mô hình trồng và chăm sóc cây cà phê cho 4 chị tại xã Đắk Wil (Cư Jút) và xã Thuận Hạnh (Đắk Song), với tổng kinh phí 40 triệu đồng. Hội phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ tỉnh hỗ trợ 3 mô hình sinh kế, bằng việc cho 20 hộ vay vốn để chăn nuôi heo, bò, dê, trồng và chăm sóc cây cà phê, với tổng kinh phí 200 triệu đồng.

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN tỉnh Bình Dương hỗ trợ 3 mô hình sinh kế cụ thể 1 mô hình nuôi dê cho 25 hộ gia đình; 1 mô hình nuôi bò cho 10 hộ gia đình; 1 mô hình nuôi gà cho 1 hộ gia đình tại xã Quảng Trực (Tuy Đức) với tổng kinh phí 283 triệu đồng.

dsc09436(1).jpg
Hội LHPN tỉnh thăm hộ gia đình hội viên phụ nữ được nhận hỗ trợ sinh kế.
ADQuảng cáo

Hội LHPN huyện Đắk Song phối hợp hỗ trợ 3 mô hình sinh kế cho 15 hộ gia đình chăn nuôi, trồng trọt với tổng kinh phí hơn 225 triệu đồng.

Hội LHPN huyện Đắk Mil hỗ trợ 2 mô hình sinh kế cho 16 chị,  với tổng kinh phí 80 triệu đồng và hiện nay đang tiếp tục quay vòng cho các hội viên khác…

Đặc biệt, mô hình nuôi bò xoay vòng do hội phụ nữ triển khai rất hiệu quả. Qua 5 năm thực hiện, đã có 16 con bò được nuôi quay vòng. Mô hình tạo điều kiện giúp đỡ các hộ gia đình, hội viên, phụ nữ khó khăn tại địa bàn biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, các hội viên phụ nữ còn thành lập nên các câu lạc bộ, tổ nhóm theo sở thích để cùng nhau hỗ trợ các thành viên để phát triển kinh tế.

Bà Phạm Thị Vỹ, Hội LHPN xã Đắk Búk So (Tuy Đức) cho biết, chị em hội viên phụ nữ xã  đã có nhiều sáng kiến trong việc hỗ trợ nhau cùng phát triển như đổi công để phụ nhau chăm sóc, thu hái; tạo nguồn quỹ để xoay vòng, giúp nhau mỗi khi khó khăn...

Tạo hiệu ứng rõ rệt

Từ những mô hình sinh kế được triển khai, đa số chị em ở các xã biên giới đã sử dụng đúng mục đích, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhiều gia đình phụ nữ biên giới có điều kiện tăng thu nhập, có nhà mới để ở, thêm việc làm ổn định, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo, khẳng định bản thân.

dsc09708(1).jpg
Hội viên phụ nữ các cấp đã có nhiều sáng kiến, cách làm cách nghĩ rất hay trong việc hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Bà H’Vi Êban, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông khẳng định, những mô hình sinh kế được triển khai ở các xã biên giới đã tạo hiệu ứng rõ rệt. Không những tạo việc làm mà còn giúp phụ nữ nâng cao vai trò, tiếng nói trong gia đình, cộng đồng.

Cái được lớn nhất trong quá trình triển khai đó là không những khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực, huy động sự chung tay, góp sức của xã hội trong xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh mà còn đưa phong trào, nhiệm vụ của hội đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện chỉ tiêu nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ và nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo sinh kế cho phụ nữ vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO