Đời sống

Tảo hôn ở Đắk Glong - giảm nhưng vẫn nhiều mối lo

Mỹ Hằng 06/11/2023 21:52

Khi thực hiện nhiều giải pháp, tình trạng tảo hôn (TH) và hôn nhân cận huyết thống ở huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã giảm nhưng vẫn còn nhiều điều rất lo ngại.

Mới đây, người dân thôn 1, xã Quảng Khê (Đắk Glong) phát hiện nhóm người lạ mang theo gà đến một hộ gia đình trong thôn. Nghi ngờ hai gia đình đang tính chuyện cưới xin cho con cái, người dân đã thông báo với chính quyền địa phương để kịp thời can thiệp.

Ngay khi nhận được tin báo của người dân địa phương, Tổ tuyên truyền về pháp luật hôn nhân gia đình xã Quảng Khê đã kịp thời có mặt để vận động hai bên gia đình. Tại đây, cán bộ tư pháp, các đoàn thể cùng với trưởng bon đã phân tích, khuyên bảo 2 gia đình không nên để con cháu kết hôn khi chưa đủ tuổi. Sau quá trình vận động, gia đình nhà trai đã đồng ý mang lễ vật về, 2 cháu nhỏ tiếp tục đến trường và không còn giữ liên hệ với nhau.

tao-hon(1).jpg
Tình trạng tảo hôn vẫn là vấn đề nhức nhối tại vùng dân tộc thiểu số của huyện Đắk Glong

Bà Nguyễn Thị Vân, cán bộ Tư pháp UBND xã Quảng Khê chia sẻ, theo phong tục của đồng bào Mạ, khi con cái tìm hiểu nhau, gia đình nhà trai sẽ mang một con gà hoặc một ché rượu tới nhà gái để “nói chuyện người lớn”. Nếu gia đình nhà gái đồng ý, họ sẽ nhận số lễ vật trên, đồng thời cho phép đôi nam nữ được gặp gỡ, trước khi tiến tới giai đoạn hôn nhân.

Chia sẻ về trường hợp nêu ở trên, bà Vân nói thêm: “Đây là một phong tục của dân tộc Mạ, nếu gia đình nhà gái nhận lễ vật rồi thì sẽ rất khó can thiệp. Rất may mắn, tổ tuyên truyền đã có mặt kịp thời để vận động người dân không cho con cái kết hôn sớm. Sau khi vận động thành công, hai bên gia đình đã đồng ý ký vào bản cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành”.

Theo Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong, qua thống kê chưa đầy đủ, 10 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Đắk Glong ghi nhận 8 cặp tảo hôn. So với trước đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện giảm mạnh cho thấy việc truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn chưa được giải quyết triệt để ở địa phương. Các trường hợp tảo hôn thường xảy ra tại vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn và thuộc một cộng đồng DTTS nhất định. Việc tảo hôn chỉ được phát hiện khi các cặp vợ chồng này tới chính quyền để đăng ký khai sinh cho con cái.

Ông Đặng Văn Hướng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong khẳng định, tảo hôn là hủ tục lạc hậu, để lại nhiều hệ lụy, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, lạc hậu, chậm phát triển. Do đó, để giảm thiểu vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, huyện tiếp tục tập trung các giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”.

Địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp tảo hôn. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức cho người dân, huyện sẽ thay đổi cách tuyên truyền để người dân hiểu được quy định của pháp luật và các hình thức xử lý nếu để xảy ra tảo hôn.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Tảo hôn ở Đắk Glong - giảm nhưng vẫn nhiều mối lo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO