![]() |
Phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em |
Theo ông Trần Xuân Thường, Trưởng Phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em (Sở Lao động, Thương binh – Xã hội) thì qua theo dõi, điều tra, vào mỗi dịp nghỉ hè thường có xu hướng gia tăng các vụ tai nạn thương tích ở trẻ em.
Điển hình như mới đây, tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã xảy ra vụ đuối nước hết sức thương tâm, cướp đi sinh mạng của hai em học sinh, cũng chỉ vì tự ý ra chơi ở hồ đập. Vì vậy, để đảm bảo cho trẻ có một mùa hè an toàn, ý nghĩa, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền khá đầy đủ các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em tại 16 xã trọng điểm thuộc 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như huyện Chư Jút tổ chức các lớp học bơi miễn phí cho 60 trẻ em tham gia; đồng thời khuyến khích các gia đình có trẻ nhỏ tự bỏ kinh phí đến các hồ bơi để tự học bơi. Bên cạnh đó, phụ huynh, trẻ em còn được phát miễn phí các tài liệu hướng dẫn cách phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em và xây dựng “ngôi nhà an toàn” cho trẻ.
Tại các huyện Đắk Glong, Đắk Song, Đắk Mil, chính quyền địa phương, đoàn thể còn tổ chức lắp đặt hàng trăm biển cảnh báo nguy hiểm phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em tại các ao hồ, đập thủy lợi…có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
Tuy nhiên, qua thực tế hiện nay cho thấy, môi trường sống tại các gia đình, cộng đồng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích, nhất là thiếu các điểm vui chơi, giải trí lành mạnh an toàn. Chỉ tính riêng trong năm 2014, trên toàn tỉnh đã xảy ra 269 vụ tai nạn thương tích trẻ em làm 45 em tử vong (37 trường hợp đuối nước) và 230 em bị thương. Các vụ tai nạn thương tích chủ yếu xảy ra ở trẻ em nam và tập trung ở lứa tuổi từ 6-16 tuổi.
Vì vậy, các ngành chức năng, các bậc phụ huynh, người lớn tuổi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, rèn luyện cho trẻ em kỹ năng để tự bảo vệ bản thân. Trong đó, đối với những hộ gia đình có trẻ em thì cần phải có người lớn trông nom; tuyệt đối không cho trẻ rủ nhau chơi ở gần hoặc tự tắm tại các ao, hồ, sông, suối khi không có người lớn đi kèm. Không được cho trẻ tổ chức các trò chơi dưới lòng lề đường như: đá bóng, đá cầu, thả diều.
Tại các gia đình, các vật dụng bằng điện phải mắc cao hơn tầm với của trẻ, khi không có người lớn ở nhà thì nên cắt điện ở những nơi không cần thiết, luôn cẩn thận đậy nắp bể, giếng. Đối với các vật dụng khác như: dao, kéo, phích đựng nước, các lọ đựng hóa chất, thuốc chữa bệnh… phải cất giữ cẩn thận, tránh kích thích sự tò mò của trẻ.
Mặt khác, khi đi ra đường, để phòng chống tai nạn giao thông, trước tiên các bậc phụ huynh, người lớn cần chấp hành đúng luật Giao thông đường bộ để làm gương cho trẻ. Các bậc cha mẹ cũng cần nắm vững những phương pháp phòng chống bỏng cho trẻ như: đồ nấu ăn cần có chỗ cất hợp lý, ngoài tầm tay với của trẻ; không để trẻ tiếp xúc với diêm, bật lửa, không để đồ vật nóng trong tầm tay của trẻ…
Thực tế, để hạn chế, giảm thiểu các vụ tai nạn thương tích trong dịp hè, bên cạnh việc các bậc phụ huynh nâng cao trách nhiệm, chăm sóc, bảo ban con cái mình thì các tổ chức đoàn thể cần tổ chức có hiệu quả các buổi sinh hoạt hè, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút, tập hợp các em tham gia. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về trẻ em, xây dựng khu dân cư phù hợp với trẻ em. Qua đó, tạo điều kiện cho trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh, phát triển một cách toàn diện và có sự khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống.