Tăng trưởng tín dụng đạt trên 11%
Tính đến hết năm 2021, tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đối với nền kinh tế trên địa bàn 33.790 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm 2021, dư nợ tăng 3.560 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 11,78% và vượt 7,5% so với năm 2020.
2021 là một năm cực kỳ khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp, người dân. Đặt trong tình hình như vậy, tăng trưởng tín dụng bảo đảm kế hoạch đề ra cho thấy nỗ lực rất lớn từ các tổ chức tín dụng.
Theo ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong điều kiện khó khăn chung do dịch bệnh, ngân hàng cũng là ngành chịu nhiều tác động. Khách hàng vay vốn gặp khó khăn, tính thanh khoản nợ thấp. Nhiều tổ chức tín dụng phải cắt giảm lợi nhuận ngay những tháng đầu năm.
“Mức tăng trưởng gần 12% mà ngành ngân hàng đạt được trong năm nay tương đối cao. Điều này minh chứng nỗ lực rất lớn của toàn ngành trong việc đẩy mạnh dòng vốn đầu tư, cũng như thực hiện tốt nhiều chính sách”, ông Hữu khẳng định.
Tăng trưởng tín dụng cao tập trung vào nhiều lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Một trong số đó là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến hết năm 2021, nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực này ước đạt 28.215 tỷ đồng, chiếm trên 83% tổng dư nợ toàn ngành. Trên địa bàn hiện có 57.840 lượt khách hàng đang vay vốn.
Nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Đắk Nông hỗ trợ thủ tục cho khách hàng vay vốn |
Dư nợ cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao so với mọi năm. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 730 doanh nghiệp được tiếp cận vốn qua các tổ chức tín dụng, với dư nợ gần 4.800 tỷ đồng. So với năm 2020, dư nợ cho vay tăng 740 tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm dư nợ hơn 3.820 tỷ đồng.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, ngoài nguồn vốn xoay vòng tại các tổ chức tín dụng, công tác huy động nguồn nhàn rỗi trong dân cư được các ngân hàng đẩy mạnh. Đến hết năm 2021, nguồn vốn huy động toàn ngành được trên 13.260 tỷ đồng, tăng gần 28,5% so với đầu năm. Đây là mức huy động cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
“Nguồn vốn huy động tăng cao, nhất là nguồn vốn trung, dài hạn. Điều này đã góp phần tạo nguồn vốn rất lớn để các ngân hàng đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng”, ông Hữu nhấn mạnh thêm.
Linh hoạt hỗ trợ chính sách
Cùng với bảo đảm tăng trưởng tín dụng, ngành ngân hàng trên địa bàn tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2021, toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 1.000 khách hàng. Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ vay là 720 tỷ đồng. Đối với doanh số cho vay mới lãi suất thấp đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 6.200 tỷ đồng, với 25.870 khách hàng được vay mới.
Hoạt động chế biến chanh dây tại Công ty Cổ phần chế biến nông sản thực phẩm Thái An |
Trong năm 2021, các tổ chức tín dụng đã 3 lần điều chỉnh các mức lãi suất cho vay. Cụ thể, đối với lãi suất điều hành giảm từ 1,5-2%; giảm 1,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên. Tuỳ vào tình hình thực tiễn, các tổ chức tín dụng thay đổi mốc giới thời gian khoản nợ được tái cơ cấu, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Nhiều đơn vị còn được tiếp cận nguồn vốn từ các hội sở tỉnh với chi phí thấp hơn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Liên quan đến thực hiện cơ cấu, chính sách để hỗ trợ khách hàng, ông Nguyễn Hồ Hữu cho hay: “Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để có giải pháp hỗ trợ. Trên cơ sở chủ trương, chính sách, các ngân hàng cùng vào cuộc, đồng hành tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là khối doanh nghiệp.
Trong năm 2021, trước bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng dịch bệnh, các tổ chức tín dụng triển khai nhiều gói lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn được các ngân hàng áp dụng phổ biến mức 4,8% đến 8,5%/năm. Mức lãi suất cho vay trung, dài hạn được áp dụng phổ biến từ 7,5% đến 11%/năm. |