Nhiều người cần vay vốn
Hơn hai tuần sau cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ và các ngân hàng thương mại, trong đó yêu cầu các ngân hàng nghiên cứu và triển khai thêm gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được phân bổ, sẵn sàng chờ khách hàng vay mua nhà.
Eximbank là ngân hàng mới nhất tham gia vào cuộc đua ưu đãi cho khách hàng trong độ tuổi 22-35 vay mua nhà, với lãi suất hấp dẫn từ 3,68%/năm và thời hạn vay kéo dài lên đến 40 năm.
Trước đó, HDBank đã triển khai gói tín dụng mua nhà với lãi suất từ 4,5%/năm và quy mô lên đến 30.000 tỉ đồng, trong khi LPBank dành 5.000 tỉ đồng cho người trẻ vay mua nhà với lãi suất khởi điểm từ 3,88%/năm.
Đáng chú ý, ACB là ngân hàng thương mại tiên phong công bố chương trình cho vay mua nhà dành cho người trẻ với mức lãi suất 5,5%/năm.
Một xu hướng nổi bật là các ngân hàng công bố chương trình muộn như Eximbank và HDBank lại đưa ra thời hạn vay kéo dài 40 - 50 năm, thay vì chỉ 30 - 35 năm như trước đây.
Đặc biệt, HDBank và LPBank còn áp dụng chính sách vay và giải ngân tối đa 100% nhu cầu vốn, giúp khách hàng có thể sở hữu nhà mà không cần vốn tự có. Những động thái này cho thấy các ngân hàng đang tích cực hưởng ứng lời kêu gọi từ Chính phủ, kỳ vọng tạo động lực cho thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ.
Chia sẻ với báo chí ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc ACB – cho biết chỉ sau hơn hai tuần triển khai gói vay "Ngôi nhà đầu tiên", ngân hàng đã nhận được hơn 800 lượt khách hàng quan tâm qua các kênh thông tin, con số vượt ngoài dự đoán.
Trong đó, khoảng 40% khách hàng đã đăng ký vay và tiến hành làm hồ sơ xét duyệt. “Nhiều hồ sơ đã được phê duyệt với tổng số tiền giải ngân từ gói vay ưu đãi này lên đến hơn 172 tỉ đồng chỉ trong vòng hai tuần,” ông Phát chia sẻ.
Thực tế ghi nhận cho thấy ngay khi các gói tín dụng mua nhà được các ngân hàng thương mại tung ra, nhiều khách hàng đã tìm hiểu và liên hệ để biết thêm chi tiết về thủ tục vay vốn.
Tuy nhiên, một trong những mối quan tâm lớn nhất của người vay là lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng trong vài tháng đầu, sau đó sẽ được điều chỉnh theo thị trường.
Theo Tổng Giám đốc ACB, các ngân hàng, bao gồm cả ACB, luôn minh bạch về chính sách lãi suất ngay từ đầu. Cụ thể, ngoài mức ưu đãi 5,5%/năm trong ba tháng đầu, ACB còn cung cấp các lựa chọn khác như lãi suất cố định 7%/năm trong 24 tháng hoặc 8,2%/năm trong 36 tháng.
“Lãi suất vay mua nhà ưu đãi dao động từ 5,5% - 8,5%/năm, giúp khách hàng có nhiều phương án tài chính phù hợp,” ông Phát cho biết.
Khảo sát của ACB cho thấy phần lớn khách hàng chọn phương án cố định lãi suất trong 2 - 3 năm đầu với mức từ 7% - 8,2%/năm, thấp hơn so với lãi suất thông thường đang ở mức 8% - 10%/năm.
“Nếu tính đủ các yếu tố, lãi suất huy động kỳ hạn dài của nhiều ngân hàng hiện vào khoảng 5,5% - 6%/năm, do đó việc cho vay với lãi suất này là một sự nỗ lực đáng kể,” ông Phát nhấn mạnh.

Cân nhắc kỹ lưỡng phương án trả nợ sau thời gian ưu đãi
Bà Đoàn Thái Thanh Thủy, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ SHB, cho biết ngoài mức lãi suất ưu đãi 3,99%/năm trong 3 tháng đầu, SHB còn đưa ra nhiều phương án khác với mức lãi suất hấp dẫn cho các kỳ hạn 6, 12, 18 và 24 tháng, giúp khách hàng linh hoạt trong việc cân đối tài chính và lựa chọn gói vay phù hợp nhất.
"Chúng tôi cung cấp phương án ưu đãi cố định lãi suất lên đến 5 năm. Sau thời gian này, nếu khách hàng có kế hoạch trả nợ hợp lý, điều chỉnh dòng tiền hàng tháng và tận dụng các khoản thu nhập cuối năm, dư nợ gốc chỉ còn khoảng 50% - 70% so với ban đầu, từ đó giảm tác động của biến động lãi suất," bà Thủy chia sẻ.
Ông Lương Nguyễn Minh Đăng, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Eximbank, phân tích rằng với khoản vay 1 tỷ đồng, khách hàng chỉ cần thanh toán từ 6 - 7,5 triệu đồng/tháng.
Đối với căn nhà trị giá 3 tỷ đồng, mức trả góp dao động từ 20 - 22 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, Eximbank còn hỗ trợ phương án vay không cần vốn tự có cho khách hàng mua nhà 5 tỷ đồng, với mức thanh toán từ 30 - 35 triệu đồng/tháng.
Liên quan đến việc một số ngân hàng cung cấp khoản vay lên đến 90% - 100% giá trị nhà đất, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, khuyến cáo khách hàng không nên vay tối đa hạn mức, tránh áp lực tài chính lớn. Ông lấy ví dụ, nếu một gia đình vay 2 tỷ đồng mua nhà, tiền gốc và lãi hàng tháng sẽ hơn 10 triệu đồng.
Với mức thu nhập trung bình khoảng 30 triệu đồng/tháng, nếu phải trả nợ 15 - 20 triệu đồng/tháng, sẽ rất căng thẳng. Do đó, người vay nên cân đối khoảng 30% - 40% thu nhập để trả nợ, tránh rủi ro tài chính.
Ngoài ra, những người có thu nhập trung bình hiện gặp khó khăn trong việc mua nhà, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, nơi giá căn hộ phổ biến từ 3 tỷ đồng trở lên.
"Điều quan trọng nhất là lập kế hoạch tài chính hợp lý, quản lý ngân sách cá nhân hiệu quả, thay vì vay bằng mọi giá để mua nhà. Nếu vay toàn bộ số tiền từ ngân hàng, áp lực trả nợ sẽ rất lớn," ông Huân nhấn mạnh.
Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho rằng với các hộ gia đình trẻ có tổng thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, nên giới hạn tỷ lệ vay ở mức 60% - 65% giá trị căn nhà, đồng thời tận dụng nguồn tài chính sẵn có để tránh áp lực tài chính quá lớn.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng thách thức lớn nhất đối với việc phát triển nhà ở cho người trẻ, người có thu nhập trung bình và thấp không chỉ nằm ở lãi suất mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác.
Ông Từ Tiến Phát phân tích rằng trước hết là vấn đề quỹ đất – khi quỹ đất dành cho phát triển bất động sản tại các đô thị lớn ngày càng thu hẹp, trong khi bảng giá đất và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng ngày càng tăng. Ngoài ra, các vướng mắc pháp lý cũng là rào cản lớn, đòi hỏi sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước và cơ quan quản lý. Nếu tình trạng này kéo dài, chi phí triển khai dự án sẽ tiếp tục tăng cao.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là huy động qua phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, cũng gặp nhiều khó khăn. "Chủ trương phát triển Quỹ Nhà ở quốc gia là cần thiết, bởi thị trường đang mất cân đối giữa phân khúc trung - cao cấp và phân khúc nhà ở giá hợp lý cho người trẻ.
Các địa phương cần quy hoạch và ưu tiên quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở phân khúc trung bình - thấp hoặc dành một phần quỹ đất trong các dự án thương mại để phát triển nhà ở có giá phù hợp," CEO ACB đề xuất.