Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Rome (Italy). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo kết quả cuộc khảo sát được hãng S&P Global công bố ngày 21/4, tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng Tư đã bứt tốc và đạt mức cao nhất trong vòng 11 tháng qua.
Kết quả khảo sát do ngân hàng Hamburg Commercial Bank (HCOB) thực hiện cho thấy Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Eurozone đã tăng từ 53,7 hồi tháng Ba lên 54,4 trong tháng Tư năm nay. PMI trên 50 phản ánh tín hiệu tăng trưởng kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia của HCOB nêu rõ các chỉ số trên cho thấy bức tranh tổng thể tích cực của nền kinh tế Eurozone vẫn đang tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo khi xem xét sâu hơn, sẽ thấy tăng trưởng phân bố không đồng đều.
Đơn cử như, khoảng cách giữa một bên là mảng dịch vụ bùng nổ với một bên là mảng sản xuất đang suy yếu đang ngày càng nới rộng hơn. Mảng dịch vụ vẫn phục hồi bất chất lạm phát trong Eurozone tiếp tục ở mức cao và thu nhập của người dân không bắt kịp với đà tăng giá tiêu dùng.
Lạm phát của khu vực này trong tháng Ba đã giảm xuống mức 6,9%, song vẫn cách rất xa mục tiêu chỉ 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đề ra.
Số liệu khảo sát của HCOB cũng cho thấy sản lượng trong ngành sản xuất của Pháp sụt giảm mạnh. Các công ty sản xuất cho biết tình trạng này là do nhu cầu giảm sút. Theo S&P Global, trong một số trường hợp, điều này có liên quan các cuộc đình công gần đây tại Pháp. Trái lại, lĩnh vực sản xuất tại Đức vẫn phục hồi nhẹ.
Mặc dù quan ngại về nguy cơ suy thoái lan rộng tại châu Âu đã giảm bớt trong những tháng gần đây, nhưng một quan chức của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng kinh tế của châu Âu sẽ sụt giảm mạnh trong năm nay.
Tuần trước, trả lời phỏng vấn hãng tin AFP (Pháp), Giám đốc IMF phụ trách khu vực châu Âu, ông Alfred Kammer, nhận định "chắc chắn" rằng một số quốc gia châu Âu có nguy cơ suy thoái kinh tế, song chiều hướng này sẽ rất khác so với dự báo và lo ngại của giới chuyên môn.
Đức là quốc gia duy nhất mà IMF dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Ông Kammer cho rằng phần lớn nguyên nhân khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu lâm vào cảnh này là do tác động kinh tế của cuộc xung đột Ukraine./.