Năm 1998, gia đình anh Hoàng Văn Thọ rời quê hương Hải Dương vào thôn 3, xã Đắk N'drót (Đắk Mil) lập nghiệp. Anh Thọ trồng được 5.000 trụ tiêu trên diện tích 3 ha. Trong quá trình chăm sóc hồ tiêu, do anh sử dụng nhiều phân và thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên cây trồng chết hàng loạt.
Thời điểm đó, giá hồ tiêu liên tục biến động, có thời điểm giảm mạnh nên anh Thọ quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng tiêu sang trồng bưởi da xanh.
Vườn bưởi của anh Thọ bắt đầu mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định |
Anh Thọ cho biết, trước khi chuyển đổi cây trồng, anh mua giống bưởi da xanh ruột hồng về trồng thử. Quá trình theo dõi cây phát triển, anh Thọ nhận thấy bưởi da xanh rất phù hợp với vùng đất của địa phương.
Năm 2018, anh trực tiếp xuống nhà vườn ở tỉnh Bến Tre để đặt mua giống bưởi da xanh về trồng. Đến nay, gia đình anh trồng được 1.500 cây bưởi da xanh ruột hồng, trong đó có 500 cây cho thu hoạch chính vụ. Năm vừa rồi, gia đình anh Thọ thu được 1 tấn quả.
Anh Thọ chủ động xử lý để vườn bưởi cho thu hoạch quanh năm bằng cách kích hoa tự nhiên. Khoảng 3 tháng, bưởi cho thu hoạch 1 đợt. Hiện nay, 500 cây bưởi đã cho thu chính giúp anh Thọ thu về khoảng 4 tấn quả/năm (mỗi năm anh thu 4 đợt).
Với giá bán trung bình 35.000 đồng/kg, mỗi năm anh Thọ thu về khoảng 140 triệu đồng (chưa trừ chi phí) từ 500 cây bưởi. Những năm tới, toàn bộ 1.500 cây bưởi của anh đều cho thu chính, chắc chắn nguồn thu nhập sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Hệ thống tưới nước được anh Thọ lắp đặt đến từng gốc bưởi |
Tương tự, trước tình hình giá cà phê giảm mạnh, chi phí đầu tư tăng cao, gia đình Anh Trần Đức Tài, ở xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) đã chuyển đổi trên 2 ha cà phê già cỗi sang trồng mít Thái da xanh.
Trước khi chuyển đổi, anh Tài đã tìm hiểu và nhận thấy mít Thái da xanh là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, giá bán ổn định, năng suất cao, cho trái quanh năm.
Hiện vườn mít Thái da xanh của anh Tài cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả/năm. Với giá bán ổn định từ 12.000-15.000 đồng/kg, gia đình anh thu về khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài trồng mít, gia đình anh còn chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng 5 ha sầu riêng. Đến nay, vườn sầu riêng của anh đã bắt đầu cho thu hoạch.
Cũng chuyển đổi cây trồng trên 6 sào cà phê già cỗi, anh Nguyễn Nhật Huân, ở xã Đắk Wer (Đắk R'lấp), đang phát triển mô hình trồng chanh dây hữu cơ. Anh Huân cho biết, chanh dây dễ trồng, cho thu nhập gấp đôi cây cà phê.
Anh Huân trồng chanh dây theo hướng hữu cơ và liên kết với công ty thu mua, nên bán sản phẩm với giá cao, ổn định. Với 6 sào chanh dây, mỗi năm anh thu khoảng 15 tấn quả, với giá bán từ 7.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại chanh.
Những năm gần đây, khi giá hồ tiêu biến động và giảm sâu, giá cà phê thất thường, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Nhiều mô hình sản xuất sau khi chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo, khi chuyển đổi cây trồng, bà con cần tìm hiểu kỹ thị trường, không nên chuyển đổi ồ ạt. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất, bà con cần cố gắng tìm các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm tính ổn định, lâu dài.